Một tuần nữa sẽ rõ các cam kết gia nhập WTO

Một tuần nữa sẽ rõ các cam kết gia nhập WTO
TP - Một ngày trước chuyến công du Nhật Bản, đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề đối ngoại, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã dành cho Tiền phong cuộc trao đổi.
Một tuần nữa sẽ rõ các cam kết gia nhập WTO ảnh 1

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan một ngày trước chuyến công du Nhật Bản. Ảnh: Võ Văn Thành

Được biết ông là người đã sang Nhật để đàm phán, nối lại viện trợ ODA vào năm 1991, và hôm nay (18/10), ông sẽ tiếp tục tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công du tới Nhật?

Tôi đã nhiều lần sang thăm Nhật Bản, nên có căn cứ để nói rằng chưa bao giờ mối quan tâm của Nhật với Việt Nam lại được như hiện nay. Nước bạn đã chính thức mời chúng ta sang thăm, chủ động thu xếp một chương trình làm việc đồ sộ và sôi động.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Nhật, Thủ tướng Việt Nam sẽ đến chào Nhật hoàng. Đây là chuyện ít thấy, thường chỉ có các nguyên thủ quốc gia mới đến chào Nhà vua Nhật Bản, và mỗi năm Nhật hoàng chỉ tiếp một nguyên thủ.

Trong chuyến thăm, cũng lần đầu tiên trong lịch sử, Thủ tướng nước ta sẽ phát biểu trước Quốc hội Nhật. Sau đó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, rồi tham gia 2 hội thảo lớn giữa doanh nghiệp 2 nước tại Tokyo và Osaka.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cho biết họ rất chờ đón chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Những sự kiện quan trọng trên nằm trong bối cảnh những tháng gần đây làn sóng đầu tư của Nhật vào Việt Nam khá mạnh. Tôi nghĩ đây là một cơ hội mới, rất tích cực để thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước.

Khả năng có PNTR trong năm nay rất hiện thực

Lần ông tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải công du Hoa Kỳ (năm 2005), Tổng thống W.Bush đã tuyên bố ủng hộ việc trao quy chế PNTR cho Việt Nam. Với những diễn biến gần đây, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC, liệu Tổng thống W.Bush có sang Việt Nam với PNTR, thưa ông? 

Khả năng này có nhiều phần hiện thực, vì đã có lịch trình rõ ràng của Quốc hội Mỹ cũng như có những hành động cụ thể của chính quyền Mỹ về vấn đề PNTR đối với nước ta.

Với việc Việt Nam trở thành thành viên WTO trong thời gian tới, so với những tháng trước đây bức tranh đã sáng sủa hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chính trường Mỹ không đơn giản, đến phút chót có thể nảy sinh những nhân tố nội bộ mà mình không thể lường hết được. Vì vậy, tuy không thể nói trước điều gì, nhưng phần hiện thực thì rất rõ.

Nhưng dù có PNTR hay không, quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang rất phát triển, dù có PNTR hay không thì Việt Nam vẫn sẽ là thành viên WTO.

Hai sự việc này mặc dù tương tác với nhau nhưng không loại trừ nhau. Chúng ta cố gắng phấn đấu tối đa để có được PNTR từ phía Hoa Kỳ, trong trường hợp chưa có cũng không nên coi đó là bi kịch.

Mới đây, liên quan đến việc trao Quy chế PNTR đối với Việt Nam, phía  Quốc hội Hoa Kỳ đã có những động thái liên quan đến quota dệt may đối với Việt Nam?

Điều này, một mặt phản ánh mong muốn của Quốc hội Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy trao PNTR cho nước ta, mặt khác việc người ta đưa ra vấn đề quota dệt may sẽ tạo tiền lệ không hay vì đã vào WTO thì phải bỏ quota, đó là “luật chơi” chung, nếu áp quota lên hàng dệt may Việt Nam theo một cơ chế riêng là điều không công bằng.

Một tuần nữa sẽ rõ các cam kết gia nhập WTO

Một tuần nữa sẽ rõ các cam kết gia nhập WTO ảnh 2

Công nhân Cty Lắp máy 45-4 (LILAMA) lắp đặt tổ máy số 2 (NM Thủy điện Srok Phu Miêng  (Bình Phước). Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN

Từng phụ trách lĩnh vực kinh tế đối ngoại trong Chính phủ nhiều năm, là người theo sát tiến trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam, ông có bình luận gì vào thời điểm “sắp cán đích” WTO này?

Chúng ta nhận thức rằng toàn cầu hóa là một xu thế khách quan mà Việt Nam không thể đứng ngoài. Hơn nữa nền kinh tế Việt Nam quá tuỳ thuộc vào kinh tế thế giới với cán cân xuất nhập khẩu chiếm đến 137% GDP, hiếm có nước nào lại “gắn bó” với thị trường thế giới như vậy, ngay cả Trung Quốc xuất nhập khẩu cũng chỉ chiếm 56% GDP.

Như vậy, không gia nhập WTO, không có thị trường thế giới làm sao chúng ta có thể tiếp tục phát triển? Lợi ích mách bảo chúng ta biết phải làm gì, và chúng ta đã kiên trì đàm phán trong nhiều năm, kiên trì nhưng phải có thời điểm. Năm nay chính là một thời điểm với thời cơ rất lớn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo chúng ta vào WTO theo kiểu “nước đến chân mới nhảy”, còn các doanh nghiệp thì than phiền là họ không được tiếp cận sớm các nội dung cam kết để chuẩn bị phương án kinh doanh?

Trong báo cáo Chính phủ đã nói rõ là sẽ có chương trình hành động cụ thể sau khi gia nhập WTO, đến hôm nay về cơ bản đã xong rồi, tuy nhiên vẫn phải chờ hoàn thiện về mặt câu chữ.

Tôi nghĩ khoảng 1 tuần nữa sẽ rõ các cam kết gia nhập WTO. Hiện Chính phủ cũng đã giao cho Bộ NN&PTNT lập đường dây nóng để các đối tác liên hệ theo quy định của WTO.

Tôi nghĩ, chúng ta đã sẵn sàng để gia nhập WTO. Ví như  vào WTO thì chúng ta phải “mở cửa” dịch vụ, trong đó có ngành ngân hàng. Nhiều người lo lắng, nhưng thực ra ngành ngân hàng đã có kế hoạch hội nhập rất rõ, các cam kết trong WTO về ngân hàng cũng tương tự như Hiệp định Thương mại Việt-Mỹ (BTA), mà với BTA nhiều năm qua chúng ta đã đổ vỡ ngân hàng nào đâu.

Về viễn thông, chúng ta đã đàm phán để giữ lại chủ trương về mức cam kết, đại thể cũng như cam kết BTA chứ không có nhiều thay đổi.

Ông đánh giá thế nào về những tác động sẽ đến sau khi Việt Nam gia nhập WTO?

Bây giờ là thời điểm không thể nói ào ào về những tác động của việc vào WTO thuận lợi ra sao, thách thức thế nào mà phải xem xét từng ngành nghề, từng sản phẩm cụ thể, ví như về thuế thì xem mức thuế nhập khẩu sữa giảm bao nhiêu, từ đó ảnh hưởng đến người nuôi bò thế nào, rồi bố trí nghề này ra sao… Đã đến lúc phải nắm từng dòng thuế, từng cam kết cụ thể để cơ cấu lại nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: Chúng ta đã chuẩn bị kỹ khả năng thực hiện cam kết với WTO

Chúng ta đã chuẩn bị kỹ khả năng thực hiện các cam kết trong WTO theo lộ trình, đồng thời cũng tính tới khả năng bản thân nền kinh tế nội địa phải vươn lên để cạnh tranh không chỉ trên “sân nhà”, mà cả trong khu vực và trên thế giới.

Riêng về các dòng thuế, VN đã ký cam kết có dựa trên các thế mạnh của mình. Đương nhiên, gia nhập WTO thì có hai mặt, trước mắt chúng ta phải giảm thuế, nhưng nếu chúng ta hội nhập tốt thì hiệu quả sản xuất tăng cao, cơ hội thâm nhập thị trường cũng nhiều lên, như vậy về thuế thì sẽ có điều kiện tăng thu.

Tuy nhiên, về lâu dài cũng phải tính tới chuyện phát huy các nguồn thu trong nước, như việc Chính phủ và Quốc hội đã phê duyệt nhiều dự án chuẩn bị cho nguồn thu nội địa, chẳng hạn dự án lọc dầu...

Bên cạnh đó, chúng ta sẽ phải kiểm soát nguồn thu chặt chẽ hơn, chống thất thu và thu đúng thu đủ, nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách và tạo môi trường pháp lý cạnh tranh bình đẳng.

V.V.Thành
Thực hiện

MỚI - NÓNG