Mua hàng trên mạng: Coi chừng nắm dao đằng lưỡi

Mua hàng trên mạng: Coi chừng nắm dao đằng lưỡi
Đánh vào tâm lý ham mua đồ rẻ, nhiều kẻ lừa đảo đã tung lên mạng hàng loạt thông tin hấp dẫn về các mặt hàng máy tính xách tay, máy ảnh kỹ thuật số... Khá nhiều người nhẹ dạ đã gửi tiền vào tài khoản của những tay lừa đảo này và “tiền đi mà hàng chẳng về”.

Thanh Huyền dành dụm được hơn 2 triệu đồng, cô muốn mua một máy ảnh kỹ thuật số.

Trên một trang web cô thấy có người rao bán với giá rẻ hơn thị trường. Chọn được máy, Huyền chuyển tiền cho người bán, anh ta nhắn tin qua điện thoại di động báo đã nhận được tiền và sẽ gửi hàng đến cho Huyền.

Bốn ngày trôi qua chẳng thấy máy ảnh đâu, gọi điện thoại thì người bán không nhấc máy.

Của rẻ là của ôi 

Tại địa chỉ này, một thông báo hấp dẫn đập vào mắt người xem “hàng giá rẻ”. Người mua có thể liên lạc với bên bán qua email để nhận bảng báo giá mới nhất.

“Chúng mình bán khá nhiều model máy: Canon, Samsung, Sony...”. Chúng tôi đã liên lạc với người bán theo email trên và lập tức được gửi bảng báo giá với hơn 300 loại máy ảnh kỹ thuật số với các nhãn hiệu nổi tiếng và giá rẻ hơn bên ngoài.

Trong email, người bán cho biết tên T., có số điện thoại liên lạc. Email thông báo năm số tài khoản của các ngân hàng để người mua chuyển tiền vào. T. còn cho biết sẽ khuyến mãi cho khách hàng mua một máy ảnh sẽ được tặng một thẻ nhớ.

Gọi điện thoại cho T., chúng tôi hỏi làm sao tin được nếu gửi tiền đi mà hàng không đến được. Bằng giọng khá nghiêm trọng, T. khẳng định rằng làm ăn rất có uy tín: “Bạn yên tâm đi, chúng mình làm việc đặt uy tín lên hàng đầu, bạn cứ chuyển tiền là sẽ nhận được máy”.

T. giải thích do khách hàng nhiều nơi nên không thể có văn phòng giới thiệu sản phẩm ở TP.HCM.

Phải biết nắm dao đằng cán

Trên một số trang web rao vặt, phần thông báo nội qui của ban quản trị mạng nhấn mạnh:

"Không chịu trách nhiệm và không bảo đảm về tính chính xác của những thông tin từ các thành viên gửi đăng mua bán, rao vặt, và cũng không chịu bất cứ trách nhiệm pháp lý hoặc bồi thường thiệt hại nào về việc mất mát hay hư hỏng đối với những tin đã đăng mua bán".

Và kẻ lừa đảo chỉ bị "cấm tham gia mọi hoạt động trên toàn hệ thống" nếu có dấu hiệu vi phạm và lừa đảo.

Trao đổi với chúng tôi, bà Lại Việt Anh - phụ trách chính sách và pháp luật thương mại điện tử của Vụ Thương mại điện tử (Bộ Công thương) - cho rằng ở những quốc gia có nền thương mại điện tử phát triển như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, những vụ tranh chấp, lừa đảo trong giao dịch, đặc biệt là giao dịch thương mại điện tử giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng vẫn thường xảy ra.

Chính vì vậy người tiêu dùng phải lường trước và tự trang bị kiến thức cho mình.

Theo bà Việt Anh, người tiêu dùng nên kiểm tra chi tiết những thông tin cơ bản liên quan đến giao dịch trước khi quyết định mua.

Thứ nhất, cần xem website đó có phải là một website uy tín hay không, dựa trên phản hồi của những người mua trước đó hoặc các chương trình đánh giá, xếp hạng website của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp hay cơ quan nhà nước.

Kế đến, cần kiểm tra thông tin về danh tánh người bán và hàng hóa được chào bán, đặc biệt trong trường hợp người bán yêu cầu thanh toán trước.

Giống như mọi giao dịch dân sự và thương mại khác, việc thanh toán chỉ nên thực hiện khi có đảm bảo (của chính bên nhận thanh toán hoặc bên thứ ba) về việc bên nhận thanh toán sẽ thực hiện nghĩa vụ của mình.

Cách nào để mua bán sòng phẳng

Cũng theo bà Anh, đa số vụ lừa đảo với người tiêu dùng xảy ra trên các website thương mại điện tử, nơi các cá nhân lên đăng tin rao bán, tìm mua và việc thỏa thuận cũng như giao kết hợp đồng được tiến hành ngoài phạm vi kiểm soát của người quản lý website.

Để xảy ra những vụ lừa đảo như vậy trên website của mình thì doanh nghiệp vận hành website cũng có một phần trách nhiệm.

Doanh nghiệp cần thiết lập những cơ chế nhằm giảm thiểu rủi ro cho các bên tham gia giao dịch, ở mức độ cao là kiểm tra và xác thực danh tánh của những người đăng ký dùng dịch vụ, mức độ thấp hơn là duy trì một cơ sở dữ liệu đầy đủ về người dùng dịch vụ và phối hợp toàn diện với các cơ quan chức năng trong việc điều tra khi xảy ra sự cố.

Doanh nghiệp cần phải có cơ chế để những người tham gia giao dịch trên website của mình có thể nhanh chóng trao đổi, phản hồi thông tin.

Bằng cách này, những kẻ làm ăn không chính đáng sẽ kịp thời bị phát hiện và các vụ lừa đảo như trên sẽ không thể lan rộng, ít ra là trong phạm vi khách hàng của chính website đó... Website cần công bố rõ phạm vi trách nhiệm của mình đối với các giao dịch tiến hành trên website.

Theo L. Nam
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.