Mùa khô 2006: Thiếu điện, giá điện sẽ tăng

Mùa khô 2006: Thiếu điện, giá điện sẽ tăng
TP - Mùa khô 2006, hạn hán được dự báo khốc liệt nhất trong cả trăm năm qua. Đây là thời điểm căng thẳng bởi Chính phủ có thể phê duyệt “Đề án giá điện mới” theo hướng tăng  lên.
Mùa khô 2006: Thiếu điện, giá điện sẽ tăng ảnh 1
Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng, công suất 300 MW, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2006, góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong những năm tới  ảnh: Nguyên Bảng

Trao đổi với Tiền Phong ngày 9/2/2006, ông Đặng Huy Cường-Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, do hồ Hòa Bình phải xả quá nhiều nước nên hôm nay (10/2) TCty điện lực Việt Nam (EVN) sẽ họp để cân đối lại các nguồn điện và ước tính khả năng thiếu bao nhiêu điện trong mùa khô.

Ông Cường cho biết, trước khi phải xả nước theo yêu cầu của ngành nông nghiệp, EVN chỉ ước tính thiếu 200 triệu KWh; còn khi hồ Hòa Bình phải xả nước để giữ nước sông Hồng ở mức 2,3m trong nhiều ngày tới, phụ tải lại chưa cập nhật… thì khả năng thiếu điện trong mùa khô sẽ là con số khác chưa xác định cụ thể được.

Ông Cường cũng cho biết, hệ thống nguồn điện nước ta chủ yếu là các nhà máy thủy điện, khi bị khô hạn thiếu điện là điều khó tránh. EVN cũng cân nhắc đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Đó là, nếu hạn hán kéo dài như năm 2005 thì cắt điện luân phiên vẫn là giải pháp được áp dụng.

Tính toán của EVN cho thấy, trong 2 năm qua, do thời tiết khô hạn kéo dài nên sản lượng thủy điện đạt thấp hơn nhiều năm trước đó, lượng nước thiếu hụt so với kế hoạch nên thiếu 976 triệu KWh.

Năm nay, do phải xả nước nhiều trong gần 10 ngày qua, mực nước trong hồ Hòa Bình chỉ cao hơn mực nước “chết” chưa đầy 20 m. Cũng như hồ Hòa Bình, các hồ lớn khác như Thác Bà, Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi… phải “kiêm” nhiệm vụ chống hạn, phục vụ nông nghiệp nên không đứng ngoài nguy cơ thiếu nước phát điện.

Năm 2005, khô hạn làm hụt gần 500 MW, khiến miền Bắc, miền Trung phải cắt điện luân phiên. Theo TS Văn Đình An-GĐ Trung tâm Tin học năng lượng (IEC), ngoài mạng lưới hạ áp cấp điện không ổn định, hệ thống 500 KV đưa vào vận hành hơn mười năm nhưng độ tin cậy còn là vấn đề đáng bàn.

Trong 7 năm vận hành đường dây và trạm 500 KV mạch I, đã xảy ra hàng trăm sự cố; điện năng bị ngừng cung cấp là 61.400 MW; thiệt hại 30,7 triệu USD.

Năm nay, mặc dù sẽ có một số nhà máy, tổ máy điện mới xây dựng được đưa vào vận hành, nhưng sản lượng điện EVN phải mua ngoài vẫn rất lớn, nhu cầu sử dụng điện được dự báo vẫn tăng cao nên nếu xảy ra hạn đúng như dự báo thì người dân phải chịu căng thẳng nhiều hơn, sản xuất cũng gặp khó khăn.

Có thể tăng giá điện trong đầu năm 2006

Theo kế hoạch điều chỉnh giá điện sẽ thực hiện vào đầu năm 2006, từ tháng 12/2005, Bộ CN cùng Bộ KH&ĐT đã trình Chính phủ phương án tăng giá điện và đang chờ Chính phủ phê duyệt. Vấn đề hiện nay là giá điện sẽ tăng đối với khu vực tiêu dùng nào, mức tăng bao nhiêu?

Theo EVN, cơ cấu sử dụng điện thương phẩm hiện nay cho thấy điện sử dụng trong sinh hoạt và quản lý vẫn chiếm tỷ trọng cao. Đây là khu vực rất dễ bị tăng giá điện. Trong kế hoạch giá điện bán buôn mà Chính phủ đang xem xét cũng có nhiều phương án tăng giá.

Dù phương án nào trong đó được “quyết” thì tại khu vực dân sinh giá điện sẽ tăng. Nhà nước không chủ trương dùng giá điện làm một trong các giải pháp điều tiết thu nhập, nhưng những hộ sử dụng điện sinh hoạt nhiều, trong khi đất nước đang cần ưu tiên dành nhiều điện cho sản xuất, thì khoảng 5% số hộ dùng nhiều điện có phải trả thêm nhiều tiền cũng là điều dễ hiểu.

Từ năm 2002, giá điện đã tăng 15%. Theo chỉ đạo của Chính phủ, giá điện mới phải được tính toán phù hợp với thực tế nước ta và đảm bảo tính cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Dù điều chỉnh theo hướng nào thì với thực tế sản xuất kinh doanh điện hiện nay, giá điện sẽ phải điều chỉnh tăng. EVN đề xuất, năm 2006, giá điện bán lẻ cần tăng 14,8%.

Đây là mức tăng để đảm bảo cân đối tài chính cho các khâu bán buôn, bán lẻ với mức lãi trước thuế chấp nhận được, đồng thời là cơ sở để thu hút đầu tư từ bên ngoài qua kênh cổ phần hóa các Cty phát điện, dự án điện độc lập, đơn vị phân phối.

Doanh nghiệp, người tiêu dùng điện cần có chính sách tiết kiệm điện ngay từ bây giờ để tránh  bị “sốc” phải đối đầu với thiếu điện và tăng giá gần như cùng thời điểm.

MỚI - NÓNG