Mưa lớn gây sạt lở, sập nhà vùi lấp 3 người tại Khánh Hòa

Vụ sạt lở gây sập nhà làm chết 3 người ở Khánh Hòa (Ảnh: Danviet.vn)
Vụ sạt lở gây sập nhà làm chết 3 người ở Khánh Hòa (Ảnh: Danviet.vn)
TPO - Rạng sáng nay do mưa lớn, gây sạt lở đất, sập nhà tại thôn Thành Nam, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), làm làm 3 người thiệt mạng.

Sáng 30/12, thông tin nhanh từ Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, khoảng 0 giờ ngày 30/12 đã xảy ra sạt lở đất nghiêm trọng tại thôn Thành Nam, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, gây sập nhà và làm 3 người thiệt mạng. 

Nạn nhân là bà Ngô Thị Hưng (sinh năm 1966), chị Hà Thị Kim Liên (sinh năm 1997) và cháu Trần Bảo Hân (11 tháng tuổi). Đến sáng nay, các lực lượng tìm kiếm và người dân kiếm được các nạn nhân bị bị vùi lấp nói trên. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy ăn Quốc gia, do ảnh hưởng không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới trong những ngày tới các tỉnh miền Trung tiếp tục xảy ra mưa lớn, mưa cực đoan. Các tỉnh từ Nghệ An đến Hà Tĩnh trong ngày hôm nay (30/12) có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to (lượng mưa 20-50mm/24h). 

Khu vực Quảng Bình đến Ninh Thuận trong ngày và đêm nay có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 40-80mm/24giờ), riêng ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi có nơi trên 100mm/24giờ).

Từ chiều và đêm mai (31/12) ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 70-150mm/24giờ, có nơi trên 200mm/24giờ). Sau đó mưa vừa, mưa to còn có khả năng kéo dài đến ngày 3-4/1/2019. 

Trong những ngày tới, đề phòng lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận có khả năng lên lại, gây nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp và đô thị tại các địa phương nói trên. 

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương từ Thừa Thiên-Huế đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên cần theo dõi chặt chẽ các bản tin về mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất. Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn cho người và các công trình phòng chống thiên tai, công trình đê điều, hồ đập. 

Các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du; chủ động di dời hoặc sơ tán người dân ra khỏi những nơi có nguy cơ cao đặc biệt là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. 

Ngoài ra, áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió mạnh trên biển còn diễn biến phức tạp, các địa phương cần tập trung theo dõi chặt chẽ thông tin để chủ động, thông báo, hướng dẫn kịp thời cho tàu thuyền đang động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra, hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

MỚI - NÓNG