Mua nhà ở Úc và Singapore, 'món hời' có dễ?

Mua nhà ở Úc và Singapore, 'món hời' có dễ?
TP - Trong hai ngày 9 và 10/6/2007, hai công ty địa ốc của Úc và Singapore thông qua Cty TNHH Giải pháp ĐTPT Thời mới (TM - Việt Nam) đã tổ chức “Hội thảo địa ốc quốc tế” tại TP HCM mà thực chất là giới thiệu cho người Việt Nam mua nhà tại Úc và Singapore.
Mua nhà ở Úc và Singapore, 'món hời' có dễ? ảnh 1
Nhà các đối tác giới thiệu với khách hàng

Hàng trăm khách hàng Việt Nam đã tỏ ra khá “háo hức” trước cơ hội có một ngôi nhà, căn hộ mơ ước tại hai quốc gia có điều kiện sống khá lý tưởng này. Nhưng mọi chuyện có dễ như quảng cáo?

Lợi thì có lợi...

Theo như hai đại diện của Cty Pindan (Úc) thì đây là thời điểm lý tưởng nhất cho người Việt Nam mua nhà tại Úc. Ông Nuno Carvalho, Giám đốc dự án của Pindan Realty PTY LTD cho biết: “Thị trường địa ốc tại Sydney và Perth (hai thành phố lớn của Úc) sắp tăng giá mà thường đã tăng thì tăng rất cao nên đây là thời điểm tốt nhất để khách hàng Việt Nam mua nhà, biệt thự tại Úc”.

Với mức giá khá hấp dẫn và không quá cao so với các TP lớn tại Việt Nam: Với 350.000 đô la Úc (khoảng 4,6 tỷ đồng) là có thể sở hữu một biệt thự trên 250 m2.

Chưa hết, Pindan còn cam kết giảm ngay 20% cho khách hàng nếu đăng ký từ bây giờ và chỉ phải đặt cọc 5% trong vòng 2 năm nếu đổi ý không mua vẫn được lấy lại 3%! Tất cả căn hộ, biệt thự, nhà kho... đều được các ngân hàng Úc cho vay để mua góp với thời hạn 20-30 năm, lãi suất không quá 4% và nhận nhà ở ngay.

Theo như Pandin thì mua nhà đất tại Úc chắc chắn có lời vì lâu nhất là 10 năm giá địa ốc tại Úc lại tăng 10%, những năm gần đây tăng khá cao, có nơi như Perth, Sydney tăng hơn 8% trong năm qua và nhiều dự án tăng đến 36%!?

Singapore còn hấp dẫn hơn qua lời giới thiệu của đại diện Cty REA Realty Network Pte Ltd. Theo bà Hương Ly, người được REA ủy quyền tiếp xúc với khách hàng Việt Nam thì từ cuối năm 2006 đến nay thị trường địa ốc tại Singapore đang tăng giá đến 20-25%.

Nguyên nhân chính là do ngày càng nhiều người nước ngoài đến Singapore mua nhà, năm 2006 có đến 5.000 người, trong đó đã xuất hiện người Việt Nam!

Hiện nay, giá bán căn hộ tại Singapore từ 6.000 - 15.000 đô la Singapore/m2 ( khoảng từ 60- 150 triệu đồng/ m2. Những căn hộ “bình dân” cỡ 100-120m2 giá thấp nhất là 600.000 đô la Singapore (khoảng 6 tỷ đồng). Tuy nhiên người mua chỉ phải trả tổng cộng 30% là nhận được nhà, 70% còn lại sẽ được vay trả góp qua ngân hàng trong vòng 30 năm với lãi suất 3-4%/năm.

Pandin và REA cho biết, người nước ngoài được phép mua nhà tại Úc, Singapore và giấy tờ sở hữu sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại hai quốc gia này cấp. Mọi giao dịch sẽ thông qua luật sư với mức phí 5% giá trị căn nhà tại Úc và 1% tại Singapore.

Nhưng...

Hiện nay người Việt Nam chưa được phép mua nhà và chuyển tiền với mục đích mua nhà tại nước ngoài. Cả Pandin lẫn REA đang “cùng các ngân hàng tìm ra giải pháp”. Pandin và REA khuyến khích khách hàng “đi đường vòng”: Chuyển tiền qua những chuyến du lịch, thân nhân, mượn ở nước ngoài trả tại VN...

Chúng tôi đã gặp bà L.T.T, người vừa mua một căn hộ 100 m2 tại Singapore cuối tháng 4/2007 với giá tổng cộng 611.000 đô la Singapore (khoảng 6,15 tỷ đồng), bà T. không gặp trục trặc gì về thủ tục nhưng tiền phải chuyển “lậu” dưới nhiều hình thức. Nếu chẳng may gặp rủi ro, hầu như không thể  kiện tụng hay đòi lại tiền.

Tại Úc, ngoại trừ loại nhà kho như Pandin đang rao bán, các loại nhà khác nếu muốn bán chỉ bán được cho người Úc. Ngoài giá bán, khách hàng còn phải chịu nhiều chi phí khác như phí chuyển nhượng, phí trước bạ, thuế... có khi lên đến 15% giá trị căn nhà.

Nhiều người tưởng rằng mua được căn hộ, nhà tại Úc hay Singapore thì sẽ được định cư hay ở lâu dài tại hai quốc gia này nhưng đó chỉ là một tiêu chuẩn để họ được cấp visa đến Úc hay cư trú dài ngày tại Singapore, hoàn toàn không phải là điều kiện để sinh sống luôn tại đây.

LS Trương Đình Hùng (TP HCM) cho biết “dù mua với bất cứ mục đích gì, để đầu tư, cho con du học hay định cư sau này, khách hàng nên tham khảo kỹ vì dù được các luật sư nước ngoài tư vấn nhưng luật VN và các nước vẫn có những điểm chưa tương đồng”.

MỚI - NÓNG