Mua nước thủy điện cho thủy lợi: Viển vông hay sáng tạo?

TP - Lần đầu tiên, ngành thủy lợi đưa ra ý tưởng sẽ mua nước của các nhà máy thủy điện để phục vụ tưới cho cây trồng ở vùng đất dốc-nơi lâu nay phó mặc cho trời. Bộ NN&PTNT đang rà soát quy hoạch thủy lợi ở miền núi phía Bắc, từ đó đưa ra phương án cụ thể hóa ý tưởng nói trên.
Mua nước thủy điện cho thủy lợi: Viển vông hay sáng tạo? ảnh 1

Mô hình tưới nhỏ giọt có thể tăng năng suất lên 20-30%

Mua nước thủy điện nhỏ

Ông Nguyễn Minh Việt, quyền Viện trưởng Thủy điện và Năng lượng tái tạo (Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) cho biết, ý tưởng mua nước của các nhà máy thủy điện nhỏ và vừa khu vực miền núi phía Bắc, phục vụ tưới cho nông nghiệp, về mặt kỹ thuật hoàn toàn khả thi.

Theo ông, khi xây dựng các nhà máy thủy điện, chủ đầu tư thường đặt các đập nước trên cao, cột nước thấp cũng hàng chục mét, cao tới hàng trăm mét. “Với cột nước cao như thế, sẽ tạo ra một áp lực lớn, có thể dẫn nước đến vùng tưới xa hàng chục cây số”- ông Việt nói.

Lãnh đạo Viện trưởng Thủy điện và Năng lượng tái tạo cho biết, để dẫn nước đi xa, phải lấy nước tận nơi hồ chứa mới có áp lực lớn. Tức là nước này sẽ cấp trực tiếp cho nông nghiệp, chứ không thông xả qua tuabin thủy điện. Do vậy, cần phải đàm phán với chủ đầu tư thủy điện để mua nước. Còn nếu lấy nước sau khi qua tuabin, áp lực nước yếu, có chăng chỉ tưới được lưu vực gần nhà máy.

Khi có áp lực nước cao, dùng hệ thống vòi tưới khống chế theo công nghệ tiên tiến nhằm tiết kiệm nước, chứ không tưới lênh láng như thói quen của bà con. Ngoài ra, việc dẫn nước bằng hệ thống ống, cũng tiết kiệm được diện tích đất để làm mương dẫn, hạn chế được các mầm bệnh so với khi dẫn nước lộ thiên bằng kênh, mương.

Theo ông Việt, viện của ông đang rà soát quy hoạch thủy lợi phục vụ nông nghiệp tại 15 tỉnh miền núi phía Bắc, kết thúc vào tháng 9/2015. “Sau đó, chúng tôi sẽ có báo cáo, đề xuất, với từng vùng làm gì, chuyển đổi cây trồng gì, dự kiến vốn… Từ đó, có thể xây dựng dự án cụ thể, tính toán chi tiết việc mua nước ra sao” - ông Việt nói. Tuy nhiên, theo ông, hiện khu vực miền núi phía Bắc có hàng chục nhà máy thủy điện nhỏ, về kỹ thuật, có thể triển khai được chương trình này, như Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn…

Giọt nước bằng tiền “giọt” điện?

Theo đánh giá của các chuyên gia thủy lợi, dù khả thi về mặt kỹ thuật, nhưng có hiệu quả hay không, nằm ở phương án sản xuất, sử dụng nước ra sao. Hơn nữa, hiện các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ, chủ yếu là của tư nhân, đơn vị cổ phần. Do vậy, họ sẽ tính toán đến hiệu quả đầu tư; việc thương thảo mua nước cũng đặt ra chuyện thiệt hơn.

“Việc xây dựng công trình thủy lợi ở miền núi rất đắt đỏ, nên quá trình đi thực tế, chúng tôi mới tính phương án mua nước thủy điện. Nếu rà soát kỹ, có thể mang lại hiệu quả cho tổng thể toàn vùng. Đương nhiên, để triển khai, phải cụ thể hóa đến từng dự án để tính toán thiệt hơn về kinh tế”

Phó Tổng cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ Quản lý các Công trình Thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết: Khi xây dựng thủy điện nói chung, đặc biệt là công trình lớn thường được tính đa mục tiêu, trong đó có nước cho nông nghiệp.

Tuy nhiên, với các nhà máy thủy điện nhỏ của tư nhân, chủ yếu họ phục vụ cho phát điện.

Theo ông Hùng, nếu bán nước, các chủ thủy điện sẽ bỏ phát điện. Còn những công trình thủy điện lớn như A Vương, Đăk Mi, Hòa Bình…; họ cấp nước cho sản xuất nếu có đề nghị từ cơ quan quản lý, nhưng nước qua tuabin phát điện, chứ không phải xả không.

Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó tổng cục trưởng Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), các nhà máy thủy điện, mục tiêu là phát điện để có lợi nhuận. Nếu mua nước (sẽ hạn chế nước để phát điện), ít nhất cũng phải bằng giá mà họ dùng để phát điện. Ông Tỉnh cho rằng, với các chủ thủy điện, có lợi họ mới làm. Thủy lợi sẽ có phương án mua nước cao hơn giá nước dùng để phát điện.

Theo ông Nguyễn Minh Việt, giá nước sẽ tùy từng công trình thủy điện. Bình thường, nước dùng để phát điện, họ tính nhiều loại chi phí đầu tư, nên tương đối cao.

Về nguyên tắc, những nhà máy nào có đập nước cao (tạo áp lực lớn), giá điện sẽ cao, do vậy giá nước sẽ cao hơn. Chẳng hạn, giá điện vào mùa mưa, chủ thủy điện bán khoảng 500-600 đồng/kWh; còn mùa khô có thể 2.000-2.400 đồng/kWh.

Tuy nhiên, ông Việt cho rằng, việc đưa ra giá nước hợp lý, có thể đàm phán được với chủ thủy điện. Quan trọng là trồng cây gì, cách thức sản xuất ra sao, liệu có hiệu quả để trả tiền nước. Chưa kể, hiện đầu tư công nghệ tưới tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa…) trên cây ăn quả, cà phê…cũng khoảng 50 triệu đồng/ha.

“Ở miền núi, với trình độ canh tác như hiện nay sẽ khó triển khai. Trừ khi lập dự án, làm tập trung, nâng cao hiệu quả, mới bù được tiền mua nước. Còn dùng nước mua đó để tưới ngô, lúa... trên những ruộng nhỏ của bà con, khó có hiệu quả”- ông Việt nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.