Mua thuốc giá hợp lý- Cách nào ?

Mua thuốc giá hợp lý- Cách nào ?
“Người nào mua thuốc khôn ngoan thì cứ đi khảo giá ở vài nhà thuốc đã rồi mua ở nơi có giá thấp nhất”, chủ một quầy dược ở Hà Nội khuyên, “Hãy đến các bệnh viện lớn mà xem giá thuốc”.
Mua thuốc giá hợp lý- Cách nào ? ảnh 1

Xin kể ra đây một vài tên biệt dược nhập khẩu tăng từ năm ngoái chứ không phải đợi đến đầu năm nay: Flagentyl tăng từ 10.000 lên 13.000đ/hộp, Lomac từ 35.000 đ lên 37.000đ/lọ, Becozym từ 8.000đ lên 10.000đ/ống, Vitamin C ngoại tăng từ 3.500đ lên 4.500 đ/vỉ, v.v....

Bệnh nhân một khi đang thập tử nhất sinh chẳng dại cò kè với mạng sống của mình. Đắt thế chứ đắt nữa cũng vẫn phải mua. Tuy nhiên, có phải thuốc tăng giá rầm rộ như một số nguồn tin gần đây?

Tại Hà Nội, theo khảo sát chính thức 1.659 mặt hàng thuốc, chỉ có 29 mặt hàng tăng giá. Tại một bệnh viện trung ương đóng tại tỉnh Thanh Hoá, khảo sát hơn 120 mặt hàng thuốc đang dùng tại bệnh viện cũng chỉ có 4 thứ thuốc tăng giá.

Đáng chú ý, số mặt hàng thuốc nội tăng giá lần này cao hơn cả thuốc nhập. Có thứ tăng đến 271,8% như vitamin K do tỉnh Vĩnh Phúc sản xuất. Thời điểm tháng 1/05 là 160 đồng/ống. Đến đầu tháng 3 là 435 đ/ống. Paracetamol nội rẻ tiền của Thanh Hoá cũng tăng từ  57 đồng/viên hồi tháng 11/2004 lên 64 đ/v từ đầu tháng 1/2005.

Song các dược sỹ nhận định tăng giá lần này không ảnh hưởng nhiều lắm đến quỹ tiền thuốc của bệnh viện vì giá thuốc paracetamol nội quá rẻ trong khi vitamin K số lượng dùng rất ít. Nhìn chung, với các bệnh viện có cơ số thuốc nội chiếm đa số, giá thuốc tăng không nhiều.

Cũng nên lưu ý là giá một số loại thuốc tăng từ 5-15%, nhất là thuốc nội, có nhiều không khi giá trị đồng tiền của chúng ta đang bị giảm? Nguyên liệu làm một bát phở toàn cây nhà lá vườn mà từ 5.000 đồng nay tăng lên 7.000 đồng.

Trong khi đó, để sản xuất thuốc, hầu hết hoạt chất phải nhập. Tại cuộc họp báo sáng 11/3/2005 ở Hà Nội, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, TS Dương Quốc Trọng công bố thống kê mới nhất nhưng thực ra không có gì khác trước về mức độ làm chủ của ta trên thị trường dược.

Đấy là các doanh nghiệp dược trong nước vẫn chỉ chiếm lĩnh 40% thị trường. Đã thế, 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước vẫn nhập là chính.

Cấm cũng khó

Dù giá thuốc không tăng rầm rộ trên tất cả các miền, vấn đề đáng quan tâm lại ở chỗ, trong khi các Cty nước ngoài không hề tuyên bố giá thuốc tăng hoặc Bộ Y tế chưa cho phép tăng giá thuốc, họ vẫn có cách làm cho giá thuốc tăng.

“Chỉ cần làm một động tác để nguồn hàng trên thị trường có dấu hiệu khan hiếm, giá thuốc đã bắt đầu tăng rồi” - Giám đốc một doanh nghiệp dược nội phía Bắc tiết lộ “Tâm lý tích cốc phòng cơ đè nặng đến nỗi cứ thấy rục rịch một tý là người cần dùng đi mua để dành, người bán để lại để chờ xem sao”. Thế là lên cơn sốt tăng giá thuốc giả tạo.

Một dược sỹ, giám đốc một Cty TNHH khác nói: “Giá thuốc tăng hay giảm là do mấy đại gia đang cung cấp biệt dược đặc hiệu cho thị trường kia kìa. Họ mở rộng cửa thì giá thuốc ổn định. Khép hờ lại là đã nhốn nháo lên rồi”.

Mua thuốc giá hợp lý- Cách nào?

Thực tế, giá thuốc tại các thời điểm ngay tại một địa phương, thậm chí tại một bệnh viện, đã có sự khác nhau chứ chưa nói đến sang địa phương khác. “Người nào mua thuốc mà khôn ngoan thì cứ đi khảo giá ở vài nhà thuốc đã rồi hãy mua ở nơi có giá thấp nhất”, chủ một quầy dược ở Hà Nội khuyên, “Hãy đến các bệnh viện lớn mà xem giá thuốc”.

Ngoài ra, theo PGS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách công tác dược, có hai cách để có thể không cần để ý đến giá thuốc mà hiệu quả chữa bệnh vẫn đảm bảo. Một, hãy dùng thuốc trong nước sản xuất. Thuốc nội tăng giá nhưng không đáng kể và thường tập trung ở một số mặt hàng quá rẻ.

Hai, hãy mua bảo hiểm y tế (BHYT). Theo một quan chức ở Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bảng giá thuốc của BHYT ở một số tỉnh áp giá thanh toán cho các bệnh viện hầu như không tăng từ năm ngoái đến nay. “Đừng coi thường thuốc nội” - PGS Truyền khuyến cáo.

Trưởng khoa dược một bệnh viện có cỡ ở Hà Nội cho xem bảng giá một loại thuốc kháng sinh rất phổ biến hiện nay và được dùng ở hầu hết các bệnh viện lớn vì hiệu quả điều trị rất tốt. Đấy là cefotaxim của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương I sản xuất và họ vẫn giữ giá 11.600 đ/lọ suốt mấy năm nay.

Các loại dịch truyền do Cty dược Bình Định sản xuất vẫn bình ổn và rất rẻ. “Còn nếu cứ chạy theo biệt dược nhập, phải chấp nhận cơ chế thị trường” - Trưởng khoa dược nói. Ông cam đoan uống vitamin C của doanh nghiệp dược trong nước vẫn rất tốt mà giá thuốc không hề tăng, khoảng 3000 đồng cho 100 viên. Còn nếu cứ thích dùng C sủi “plusss cam” cơ thì phải chấp nhận tăng giá từ 23.000đ/hộp lên 26.000đ/hộp .

Chỉ khi nào chúng ta loại bỏ tâm lý sính thuốc ngoại và công nghiệp hoá dược trong nước phát triển mạnh, khi ấy giá thuốc không còn là nỗi lo của bệnh nhân nghèo. Khi ấy, ngành y tế mỗi khi qua Tết âm lịch mới không thấp thỏm “Thuốc ơi, đừng tăng nhé” nữa.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".