Muốn hoàn thuế VAT phải thanh toán qua ngân hàng

Muốn hoàn thuế VAT phải thanh toán qua ngân hàng
Kết luận tại phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) chiều 25/3 để cho ý kiến về Dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: Dự án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) phải hạn chế được sơ hở để chống gian lận thuế.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, việc ban hành Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) lần này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời đảm bảo các yếu tố như: đơn giản, rõ ràng, minh bạch, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, tính tuân thủ pháp luật về thuế và đồng bộ với Luật Quản lý thuế; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Mặt khác, việc sửa đổi thuế giá trị gia tăng (GTGT) lần này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về mặt tra cứu, áp dụng.

Trước kia, Luật này quy định 28 nhóm hàng hóa và dịch vụ không chịu thuế, nay Dự thảo luật sửa đổi chỉ còn 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không chịu thuế.

Để phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, một số dịch vụ tài chính chưa đưa vào danh mục không chịu thuế GTGT, nay được đưa vào trong dự thảo luật, đó là dịch vụ tài chính phái sinh (hoán đổi lãi suất, quyền chọn mua, quyền chọn bán ngoại tệ ...) và dịch vụ chuyển nhượng vốn.

Để tránh việc sử dụng hóa đơn giả, hóa đơn ghi chép không đúng sự thật và các loại hóa đơn bất hợp pháp khác, dự thảo quy định việc thanh toán hóa đơn bằng tiền mặt vẫn tiếp tục được khấu trừ (tuy nhiên, việc thanh toán phải được thực hiện qua ngân hàng thì mới được khấu trừ).

Về thuế suất, dự thảo Luật quy định 3 mức thuế suất: 0%, 5% và 10%; trong đó, thuế suất 0%: bổ sung dịch vụ vận chuyển quốc tế để khuyến khích phát triển hoạt động vận tải quốc tế của doanh nghiệp Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Ủy ban Tài chính- ngân sách của QH nhất trí với việc sửa đổi toàn diện của Luật thuế GTGT nhằm khắc phục những hạn chế của Luật thuế GTGT hiện hành, cụ thể là loại bỏ những kẽ hở mà doanh nghiệp có thể lợi dụng trong việc kê khai khấu trừ thuế; hiện tượng mua bán hóa đơn, chứng từ khống để được hoàn thuế đầu vào; đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập; góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo hướng lành mạnh, bền vững.

Kết luận tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên tán thành việc thu hẹp đối tượng không chịu thuế để đảm bảo công bằng, tăng khả năng cạnh tranh. Về thuế suất, Phó Chủ tịch QH đề nghị nên duy trì 3 mức thuế suất là 0%, 5% và 10%, không nên áp dụng ngay một mức thuế suất 10%, điều này sẽ hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước.

Phó Chủ tịch QH đồng tình với dự thảo Luật là bổ sung dịch vụ vận tải quốc tế vào đối tượng chịu mức thuế suất 0% để khuyến khích phát triển hoạt động này của doanh nghiệp Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đối với vật tư liên quan đến nông nghiệp, Phó Chủ tịch QH cho rằng nên chọn mức thuế suất 5% là phù hợp. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân nên có khấu trừ thuế; việc áp dụng mức thuế suất 10% đối với dịch vụ văn hóa, thể thao, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, nên quy định ở mức 5% để tạo điều kiện cho các đơn vị sự nghiệp hoạt động như một doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh xã hội hóa.

Dự án Luật thuế GTGT(sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XII diễn ra vào tháng 5 tới.

Theo Lưu Thị Thoan
TTXVN

MỚI - NÓNG