Mưu sinh mùa nước nổi

Mưu sinh mùa nước nổi
TP - Qua vài trận mưa đầu mùa, nước sông Như Ý đã dâng lên, nhấn chìm những cánh đồng ven sông thuộc Phú Vang, Hương Thủy, Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế). Đó cũng là lúc những bạn chài rủ nhau ngược dòng sông, bắt đầu một cuộc mưu sinh mới.
Mưu sinh mùa nước nổi ảnh 1
Anh Nguyễn Trãi dùng sào chống ghe cất đó

Theo chân người đặt đó

Về làng Lưu Khánh (xã Phú Dương, Phú Vang) tìm những người quanh năm lăn lộn với sông nước, nhà nào cũng vắng hoe: “Bố mẹ em đi đặt đó đầu mùa mưa rồi”.

Chúng tôi ven theo sông Như Ý, đến cánh đồng phía Tây xã Thủy Thanh (huyện Hương Thủy).

Những cái chòi dựng tạm bợ trên mô đất rộng 4m, dài 20m nổi lên giữa cánh đồng nước. Ở cái chòi gần đó, anh Trãi đang chuẩn bị đồ nghề cho một ngày mưu sinh. Khi biết chúng tôi muốn theo ghe đặt đó, anh Trãi vui vẻ: “Đi cũng được nhưng không khéo uống no nước sông đó”.

Anh Trãi vừa chèo ghe vừa say sưa kể về gốc tích của nghề đặt đó. Ngày xưa, cứ tới mùa nước nổi, người làng Lưu Khánh lại bắt đầu “cày xới”  những cánh đồng ngập nước.

Họ rủ nhau đi đặt đó, kiếm ít cá cấn về ăn. Loài cá bé chỉ bằng ngón tay út này được dân Huế rất ưa thích, ngày càng có giá. Nên từ chỗ đặt đó bắt cá để cải thiện bữa ăn hằng ngày thì nay đã trở thành nghề mưu sinh cha truyền con nối.

Ăn ngủ cùng đó

Cơn mưa nặng hạt lúc đêm kéo dài cho tới sáng. Khắp cánh đồng nước, những chiếc ghe chở đầy đó đang lắc lư trong màn mưa trắng xóa.

Làng Lưu Khánh hiện nay có hơn 200 hộ dân, có hàng chục hộ mưu sinh bằng nghề đặt đó, được truyền từ đời này qua đời khác. Mùa đặt đó bắt đầu từ tháng Bảy cho tới cuối tháng Tư.

Ba anh em anh Trãi, một tay chống sào, một tay lấy từng viên mồi được làm từ bột cám trộn với bột sắn rang vàng, thấm nước, vắt thành từng viên bằng quả trứng cút cho vào miệng đó rồi đặt từng cái xuống nước.

Mỗi chiếc đó được gắn vào một chiếc cần tre dài 1,5m để giữ không cho nước cuốn trôi. “Trời mưa gió thế này, một người vật lộn với hơn 250 cái đó phải mất cả ngày ”- Anh Nguyễn Thuyền (em anh Trãi) nói.

Nghề này đòi hỏi đặt số lượng đó rất lớn, có khi lên đến 300-400 cái mới có được 5, 6 kg cá cho vợ lên chợ phố bán.

Sáng ra, ba anh em họ bồng bềnh theo những chiếc ghe, hai ba tiếng đồng hồ mới về. Trời chưa sáng, họ đã có mặt trên nước. Mặt trời khuất sau rặng tre còn thấy họ hối hả thu lượm những cái đó cuối cùng.

Vừa cất đó lên ghe, anh Trãi tâm sự: “Nghề đặt đó này, ăn thua vào buổi chiều, lúc ấy cá cấn mới đi theo bầy. Chứ buổi sáng thì toàn lũ cá thia chui vào phá mồi thôi”.

Anh Trãi kể: “Hồi mới cưới vợ, cứ mờ sáng, tôi chèo ghe đi đặt đó. Vợ lên chợ bán cá, gom góp từng đồng tiền ít ỏi từ sông nước về dựng được ngôi nhà ngói hai gian, lo cho đàn con ăn học…Tất tật đều nhờ vào nghề đặt đó này”.

Nghề đặt đó như thân cò thân vạc, nay đây mai đó. Cánh đồng nào anh Trãi cũng chỉ trụ lại dăm bữa nửa tháng là dời chòi đi nơi khác. Ngược sông Như Ý từ đầu mùa nước nổi cho đến những ngày giáp tết mới về, anh Trãi không thể nhớ đã dời “nhà” bao nhiêu lần. Chỉ nhớ hôm nay ngược Truồi (Phú Lộc) mai lại về bào Ô, bào Đầm (Phú Vang)…

20 năm gắn bó với nghề, anh Trãi chỉ tạm nghỉ khi vợ vào kỳ sinh nở. Con của anh đứa lớn nay học đến cấp ba, đứa nhỏ gửi ở nội để xuôi ngược sông nước mưu sinh.

Không chỉ có hoàn cảnh như thế, người em của anh cũng gửi con cái ở nhà bà con đi tìm kế sinh nhai trên sông nước. “Suốt mấy tháng rong ruổi trên sông nước, mới có cha hoặc mẹ về thăm con. Khi đó mới có tiền đóng học phí, tiền mua sắm áo quần, tiền mua đồ ăn... Đêm nào nằm ngủ cũng thèm được nghe tiếng cười nói của chúng”– Vợ anh Trãi bùi ngùi.

MỚI - NÓNG