Mỹ chuẩn bị thay đổi hệ thống quản lý tài chính

Mỹ chuẩn bị thay đổi hệ thống quản lý tài chính
Các thể chế quản lý tài chính của Mỹ đã không còn phù hợp, không duy trì được tính cạnh tranh trước những thay đổi mới của hệ thống tài chính toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson đã lý giải như vậy cho đề xuất thay đổi được ông đọc trong ngày 31/3 tại quốc hội.

Đề xuất mới của Bộ trưởng Tài chính Paulson bao gồm cả các đề xuất ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Trong đó, đề xuất ngắn hạn tập trung củng cố sự điều phối giữa các thể chế điều hành và giám sát sau những biến động trên thị trường tín dụng gần đây.

Các đề xuất trung hạn, dài hạn nhắm tới việc xóa bỏ sự trùng lắp giữa các thể chế giám sát, và quan trọng nhất là hiện đại hóa các thể chế này trong một số lĩnh vực tài chính nhất định (ngân hàng, bảo hiểm, tài chính và các hợp đồng tương lai).

FED được thành lập từ năm 1913 với 12 ngân hàng FED tại các thành phố lớn trên cả nước Mỹ, ngoài ra họ còn có một loạt ngân hàng tư nhân thành viên khác.

Điều hành FED là bởi hội đồng thống đốc các ngân hàng mà chủ tịch là Ben Bernake.

Nhiệm vụ chính của FED gồm: giải quyết lo lắng của các ngân hàng, đóng vai trò là ngân hàng trung ương, đảm bảo tỉ lệ cân bằng giữa lợi ích riêng của ngân hàng và trách nhiệm của chính quyền, đảm bảo nguồn cung tiền thông qua chính sách tiền tệ, đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính...

Theo bản đề xuất mà New York Times đăng lại, các thể chế quản lý tài chính hiện nay của Mỹ được thành lập sau các cuộc khủng hoảng tài chính cách đây gần 100 năm, nên không còn thích hợp với môi trường tài chính với những trao đổi hàng nghìn tỉ USD sau mỗi cú click chuột hiện nay.

Ngân hàng Trung ương Mỹ được quốc hội thành lập năm 1863 khi xảy ra nội chiến Nam - Bắc, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) lập năm 1913 nhằm đối phó với những giai đoạn bất ổn tài chính khác nhau trong khi hệ thống bảo hiểm liên bang và một số hiến chương về dự trữ được thành lập trong thời kỳ đại suy thoái (năm 1930).

Sau này, Mỹ có tiến hành một số thay đổi khi có khủng hoảng, nhưng về cơ bản vẫn dựa hầu hết vào các thể chế tài chính có cách đây 70 năm.

Trong bài phát biểu của mình, ông Henry Paulson có ghi nhận việc một số nước đã thay đổi hệ thống tài chính trong khoảng 10 năm trở lại đây và đã giúp nền kinh tế phát triển tốt hơn.

Bản đề xuất cho biết bộ đã tham khảo cơ chế ba bên của Anh (với ngân hàng trung ương, bộ tài chính và cục giám sát tài chính quốc gia), cơ chế điều hành "Chóp đôi" (Twin peaks) với một cơ quan giám sát các cơ quan tài chính và một cơ quan độc lập khác chuyên giám sát hành vi kinh doanh và bảo vệ khách hàng.

Một số tính toán cho rằng thị trường tài chính thế giới đã mất khoảng 3.500 tỉ USD trong các đợt biến động chứng khoán năm nay do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp tại Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế chỉ trích một loạt cơ chế kiểm soát đã hoạt động không hiệu quả để phát hiện được nguy cơ này. Chính vì vậy, đề xuất mới sẽ tăng cường sức mạnh thêm cho FED, cho phép thể chế này được phép kiểm soát cả hệ thống tài chính Phố Wall (vốn thuộc quyền kiểm soát của Ủy ban Chứng khoán liên bang - SEC). SEC trong khi đó sẽ được hợp nhất với ủy ban kiểm soát các giao dịch tương lai.

Hiện đề xuất của ông Paulson đã nhận được những phản ứng tích cực đầu tiên. Tim Ryan, giám đốc điều hành của Hiệp hội Thị trường chứng khoán công nghiệp và tài chính, đánh giá đề xuất của ông Paulson là "kế hoạch thấu đáo và toàn diện".

Còn thượng nghị sĩ Charles Shumer của phe Dân chủ cũng tuyên bố đồng ý với những đề xuất của Bộ trưởng Paulson.

Theo Thanh Tuấn
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG