Mỹ dùng rào cản kỹ thuật để cản cá basa VN

Mỹ dùng rào cản kỹ thuật để cản cá basa VN
Xung quanh vụ cá da trơn VN có nguy cơ mất thị trường Mỹ, giới luật sư cho rằng, đây chính là một rào cản kỹ thuật mà Mỹ muốn đưa ra để hạ uy tín cá basa VN, bảo hộ hàng trong nước. 
Mỹ dùng rào cản kỹ thuật để cản cá basa VN ảnh 1

Theo bà Đinh Ánh Tuyết, Trưởng Văn phòng luật sư IDVN, việc Mỹ phát hiện ra dư chất kháng sinh trong cá da trơn của VN là bình thường, không chỉ xảy ra đối với VN.

Thông thường hải quan Mỹ giám sát rất nghiêm ngặt tất cả hàng hoá nhập khẩu vào nước này. Nếu phát hiện lô nào chứa dư chất kháng sinh thì họ sẽ đưa tên công ty xuất khẩu vào trong một danh sách, gọi là "black list" và đưa lên mạng cảnh cáo.

Sau đó, các lô hàng tiếp theo của công ty này sẽ tự động bị giữ lại để kiểm tra cho đến khi 5 lô hàng tiếp theo đạt yêu cầu an toàn thực phẩm của Mỹ.

Lúc này doanh nghiệp cũng phải có văn bản đề nghị được bỏ tên ra khỏi danh sách cảnh báo. Tuy nhiên, việc tạm ngưng nhập hàng này chỉ áp dụng với công ty bị phát hiện vi phạm chứ không thể áp dụng đối với tất cả các công ty khác.

Cá tra, basa của VN từ lâu đã thâm nhập được vào những thị trường lớn như EU, Nhật Bản. Đây đều là những quốc gia có các tiêu chí rất cao trong vấn đề dư chất kháng sinh trong hàng thuỷ sản, thậm chí còn cao hơn cả của Mỹ.

Tuy nhiên, thuỷ sản VN vẫn vào được các thị trường này và luôn được đánh giá cao. Vì thế theo bà Tuyết, điều này chứng tỏ cá basa của VN đảm bảo tốt các yếu tố về mặt kỹ thuật và chất lượng.

Theo bà Tuyết, việc Mỹ chỉ dựa vào một vài lô hàng nhỏ có chứa dư chất kháng sinh để đe doạ trừng phạt cá basa VN trên diện rộng là bất công cho người sản xuất khác và đây có thể xem là một dạng phân biệt đối xử, vi phạm những quy định của chính quốc gia giàu có này.

Một điều đáng lo ngại hơn theo bà, là sự việc trên có thể sẽ gây ra một cuộc tẩy chay hàng hoá của Mỹ tại VN và ngược lại. Trong trường hợp ấy, người bị thiệt hại chính là người tiêu dùng ở cả hai nước và tác động tiêu cực đến ngành thủy sản hai bên.

Luật sư Lê Công Định, Trưởng đại diện Văn phòng Luật YKVN cũng đồng ý với nhận định trên và cho rằng, việc cấm bán cá basa của một số bang tại Mỹ là một kiểu hàng rào kỹ thuật mà Mỹ dựng lên nhằm tẩy chay cá da trơn của VN.

Trước đây, Mỹ từng áp thuế bán phá giá đối với cá basa của VN nhưng sau đó mặt hàng này của VN vẫn bán chạy trên thị trường nước này. Vì thế, theo ông Định, có thể lần này Mỹ muốn ngăn chặn nguồn hàng nhập khẩu từ VN để khôi phục lại thị trường cá basa trong nước. Đó cũng là một trong những biện pháp chống bán phá giá của Mỹ nhưng ở mức độ cao hơn.

VN hiện là nhà sản xuất cá basa lớn nhất thế giới với sản lượng gần 500.000 tấn mỗi năm, cao hơn 200.000 tấn so với sản lượng tại Mỹ. Hơn nữa, cá basa của VN luôn được đánh giá là ngon hơn và chất lượng hơn catfish của Mỹ.

Vì thế, một số ý kiến cho rằng, việc một số bang ở phía Nam của Mỹ - khu vực tập trung nhiều nhất các khu nuôi trồng catfish nước này- lên sức ép với chính phủ cấm bán cá tra, basa của VN là nhằm bảo vệ cho lợi ích của một vài cá nhân chứ không phải cho người tiêu dùng Mỹ.

Theo bà Tuyết, để tránh những trường hợp đáng tiếc như trên xảy ra, các doanh nghiệp VN nên chủ động trong việc tìm hiểu luật pháp quốc tế, đặc biệt là những thay đổi trong những quy định của các quốc gia.

Sự không cập nhật thông tin thường xuyên sẽ khiến các doanh nghiệp rơi vào thế bị động. Ngoài ra, theo bà, các doanh nghiệp VN cũng phải có những biện pháp tích cực để đối phó mỗi khi xảy ra tranh chấp thương mại. Nếu thấy những cáo buộc từ phía đối tác là bất công thì phải đấu tranh đến cùng để tránh tiền lệ.

Ông Tạ Quang Ngọc, Bộ trưởng Thuỷ sản cũng cho rằng, hiện nay xu thế các quốc gia chuyển các chất kháng sinh trong thực phẩm từ danh mục chất hạn chế cấm sang danh mục cấm hoàn toàn đang ngày một trở nên phổ biến. Vì thế, không ai khác, chính doanh nghiệp là người phải chủ động tìm hiểu luật chơi này để không bị rơi vào tình cảnh "mất bò mới lo làm chuồng", ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chính mình.

MỚI - NÓNG