Mỹ không cho nhập hàng đóng gói bằng đồ gỗ

Mỹ không cho nhập hàng đóng gói bằng đồ gỗ
Từ ngày 16/9 tới, hàng nhập khẩu Việt Nam có bao bì đóng gói bằng gỗ (wood packaging materials — WPM), sẽ không được nhập khẩu vào Mỹ. 

Đây là loại bao bì phổ biến mà doanh nghiệp xuất khẩu của VN vẫn sử dụng.

Hôm nay, 1/8, Thương vụ VN tại Mỹ vừa đưa ra thông tin trên nhằm giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của VN chủ động thích nghi với thay đổi mới.

Theo đó, sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các lô hàng có bao bì là WPM như: kệ (pallet), thùng thưa (crate), thùng kín (box), lót (dunnage), khối (block), vật liệu chèn (skid) … nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 16/9 trở đi.

Khó khăn sẽ xuất hiện, bởi bao bì gỗ là loại bao bì phổ biến mà doanh nghiệp xuất khẩu của VN vẫn sử dụng trong thương mại quốc tế.

Những yêu cầu về xử lý và ghi ký mã hiệu trong Quy định này đã được Cơ quan kiểm dịch động thực vật thuộc Bộ Nông Nghiệp Mỹ ban hành cuối năm ngoái theo tiêu chuẩn quốc tế với bao bì gỗ.

Theo đó, bao bì phải được xử lý nhiệt hoặc hun trùng và có ký mã hiệu quốc tế xác nhận đã xử lý.

Cụ thể, gỗ làm bao bì phải được xử lý nhiệt tới nhiệt độ tối thiểu cho gỗ là 56 độ C trong khoảng thời gian tối thiểu là 30 phút. Ngoài ra, bao bì bằng gỗ phải có ký hiệu lô gô của Công ước bảo vệ cây trồng quốc tế (IPPC) và mã 2 chữ cái theo qui định của Tổ chức tiêu chuẩn quốc tế (ISO) đối với nước đã xử lý gỗ bao bì.

Ký mã hiệu cũng phải bao gồm cả số riêng mà tổ chức bảo vệ thực vật quốc gia cấp cho công ty chịu trách nhiệm đảm bảo WPM được xử lý đúng qui định, cùng với chữ viết tắt HT (heat treatment) hoặc MB (metyl bromua). Không cần phải có giấy chứng nhận xử lý.

Chỉ có một số ít các trường hợp được miễn trừ trong quy định này, gồm có: bao bì hoàn toàn là gỗ chế tạo (ví dụ: ván ép, gỗ dán) và thùng rượu; những miếng gỗ mỏng (dày từ 6 mm trở xuống) hay gỗ có xuất xứ từ Canada.

Thực hiện quy định trên, các nhân viên kiểm dịch của chính phủ Mỹ bắt buộc phải từ chối và yêu cầu tái xuất ngay lập tức tất cả hàng hóa đến cảng có bao bì bằng gỗ không được xử lý và không có ký hiệu phù hợp với quy định này.

Bao bì gỗ không có ký mã hiệu có thể tách khỏi hàng hoá nhập khẩu nếu nhân viên kiểm dịch xác định rằng việc tách đó có thể thực hiện được mà không để phát tán sâu bọ gây hại.

Tuy nhiên, một số cảng đã cho biết họ sẽ yêu cầu tái xuất toàn bộ lô hàng vi phạm đóng trong container bởi vì các phương tiện ở cảng không đủ để tránh phát tán sâu bọ, trong khi đó các lô hàng rời sẽ được xem xét từng trường hợp một.

Chủ hàng phải nộp cho Cơ quan kiểm dịch phí giám sát tách hàng. Cơ quan kiểm dịch sẽ cho phép tái chế hàng nếu sâu bọ gây hại không xuất phát từ gỗ được khoanh lại bằng bao bì gỗ có ký mã hiệu IPPC.

Hiện nay, qui định hạn chế nhập khẩu hàng có bao bì bằng gỗ chỉ ảnh hưởng đến hàng hóa nhập từ Trung Quốc và Hồng Kông.

Quy định đó đã phần nào gây khó khăn cho các nhà sản xuất Trung Quốc, vì họ phải tốn thêm chi phí nghiên cứu và đặt sản xuất các loại bao bì mới, hoặc tốn chi phí cho việc thanh trùng và ghi mã hiệu cho bao bì gỗ.

Theo Quy định mới của Mỹ, bắt đầu từ 16/9, VN cũng sẽ nằm trong dạng này. Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu của VN cũng sẽ gặp một số khó khăn tương tự như doanh nghiệp Trung Quốc. Thậm chí có thể sẽ đình đốn xuất khẩu nếu không nhanh chóng đáp ứng kịp các yêu cầu của đối tác Mỹ, bởi bao bì gỗ là loại bao bì phổ biến mà doanh nghiệp xuất khẩu của VN vẫn sử dụng trong thương mại quốc tế.

MỚI - NÓNG