Mỹ: Số NH phải đóng cửa từ đầu năm vượt cả năm 2008

Mỹ: Số NH phải đóng cửa từ đầu năm vượt cả năm 2008
Trong hơn 3 tháng đầu năm nay, số ngân hàng buộc phải ngừng hoạt động tại Mỹ đã cao hơn cả năm 2008. Đây là một bằng chứng mới nhất cho thấy hệ thống ngân hàng Mỹ tiếp tục nằm trong "tâm bão" bất chấp các khoản cứu trợ khổng lồ của chính quyền liên bang.

First Bank của bang Idaho đã trở thành ngân hàng thứ tư của Mỹ phải đóng cửa trong tuần này, nâng số ngân hàng thuộc diện nói trên từ đầu năm đến nay lên 29, nhiều hơn tổng số cả năm 2008 (chỉ có 25 ngân hàng).

Ngày 25/4, Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) của Mỹ thông báo rằng sự sụp đổ của bốn ngân hàng gồm First Bank và Ketchum cùng Michigan Heritage Bank tại bang Michigan và American Southern Bank (bang Georgia) làm cho quỹ bảo hiểm tiền gửi của FDIC giảm 698,4 triệu USD.

First Bank là ngân hàng đầu tiên của Ai-đa-hô bị đóng cửa hoạt động trong hơn 20 năm qua. Ngân hàng này sở hữu tài sản trị giá 488,9 triệu USD và tổng số tiền gửi là 374 triệu USD. Được biết ngân hàng U.S. Bank sẽ mua lại quyền quản lý đối với tất cả các khoản tiền gửi tại First Bank.

Với việc American Southern Bank đóng cửa vào ngày 24/4, bang Gioóc-gi-a có 10 ngân hàng phải đóng cửa kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ cuối năm 2007 và đây là bang có số ngân hàng phải đóng cửa nhiều nhất. Đến ngày 30/3, American Southern có tổng tài sản trị giá 112,3 triệu USD và tổng tiền gửi trị giá 104,3 triệu USD.

Theo các nhà phân tích kinh tế Mỹ, tình trạng suy thoái của nền kinh tế đã khiến các ngân hàng vật lộn để duy trì hoạt động, buộc chính phủ liên bang phải ra tay cứu trợ tài chính.

Chính quyền cũng đang tiến hành cuộc điều tra về 19 ngân hàng lớn nhất với tổng tài sản tính đến cuối năm 2008 trị giá 100 tỷ USD nhằm đánh giá khả năng tồn tại của các định chế tài chính này trong hoàn cảnh kinh tế xấu hơn. Dự kiến kết quả cuối cùng sẽ được công bố ngày 4/5 tới.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG