Năm 2007, xóa cơ chế bù giá, bù lỗ với những mặt hàng Nhà nước còn định giá

Năm 2007, xóa cơ chế bù giá, bù lỗ với những mặt hàng Nhà nước còn định giá
TP- Đây là khẳng định của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp báo thường kỳ thông báo kết quả phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 chiều 2/11.
Năm 2007, xóa cơ chế bù giá, bù lỗ với những mặt hàng Nhà nước còn định giá ảnh 1
Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Theo ông Phúc, tình hình KT-XH tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2006 tiếp tục xu hướng phát triển tích cực, tốc độ tăng trưởng công nhiệp đạt 16,9%;  xuất khẩu tăng 24,2% (đạt 32,8 tỷ USD)…giá cả thị trường tương đối ổn định.

Sau khi Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Nghị định kinh doanh xổ số, đặt cược và trò chơi có thưởng (do Bộ Tài chính trình), Thủ tướng đã kết luận: Giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện Nghị định về kinh doanh xổ số, trình Chính phủ ban hành trong tháng 11/2006; giao Ủy Thể dục thể thao khảo sát tiếp, đánh giá việc triển khai  các hoạt động đặt cược thể thao (trong đó có cá cược bóng đá-Đề án do Ủy ban TDTT đang xây dựng) để trình Thủ tướng ban hành Quy định quản lý đối với hoạt động này.

Năm 2007, định hướng điều hành giá hàng hóa, dịch vụ của Chính phủ đặt ra là: Các mặt hàng xi măng, sắt thép, phân bón sẽ kinh doanh theo giá thị trường; không bù lỗ giá xăng, giảm mạnh bù lỗ giá dầu.

Riêng than cung cấp cho phát điện sẽ từng bước điều chỉnh giá phù hợp với khả năng chấp nhận được của giá điện để tiến tới thống nhất một giá bán than theo giá thị trường cho tất cả các hộ tiêu thụ than. Thực hiện lộ trình điều chỉnh hợp lý giá bán điện, không bao cấp tràn lan (đưa giá điện trong nước tiệm cận với giá thị trường thế giới). 

Trả lời về vấn đề xem xét trách nhiệm trong việc giao, bán nhà công vụ mà báo giới nêu và dư luận rất bức xúc vừa qua, ông Phúc nói rằng, việc quản lý nhà thuộc sở hữu Nhà nước và nhà công vụ đã được Chính phủ phân cấp cho UBND các địa phương, vì vậy nếu có sai phạm trong quản lý ở  lĩnh vực này thì các địa phương phải chịu trách nhiệm. 

Tại buổi họp báo, ông Trần Văn Khánh, Phó trưởng Đoàn đàm phán  Chính phủ về việc Việt Nam gia nhập WTO cũng thông báo: Kể từ 1/6/2007, Việt Nam sẽ phải cho  nhập khẩu xe máy phân khối lớn từ 175cc trở lên (hiện nay đang cấm nhập), nhưng có quyền bảo lưu quy định về tuổi người được điều khiển và thi cấp bằng lái đặc biệt.

Lĩnh vực phân phối những mặt hàng nhạy cảm như: Sắt thép, phân bón, xi măng Việt Nam chỉ mở cửa thị trường sau 3 năm vào WTO. Riêng ô tô thì  mở cửa từ 1/1/2009. Đặc biệt, doanh nghiệp phân phối nước ngoài bị khống chế việc mở điểm bán lẻ.  

MỚI - NÓNG