Năm 2008 : Sẽ giải ngân hơn 6 tỷ USD vốn FDI

Năm 2008 : Sẽ giải ngân hơn 6 tỷ USD vốn FDI
TP - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT), tính chung cả vốn cấp mới và tăng vốn trong năm 2007, cả nước đã thu hút được 20,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 69,3% so với năm 2006 và vượt 53,2% kế hoạch đề ra từ đầu năm (13 tỷ USD).

Tuy nhiên, hiện mới chỉ giải ngân được 4,6 tỷ USD. Về vấn đề này, ông Phan Hữu Thắng-Cục trưởng Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho biết:

Muốn tăng tốc độ giải ngân, trong thời gian tới cần phải rà soát lại tất cả các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên phạm vi cả nước.

Hiện, Cục Đầu tư nước ngoài đã lên kế hoạch tổng rà soát tất cả các dự án trong phạm vi cả nước để từ đó phân loại các dự án ra thành dự án đã và đang được triển khai thực hiện.

Dự án chưa triển khai phải phân ra: loại dự án mới được cấp giấy phép, đang hoàn tất các thủ tục về đầu tư và loại dự án đã cấp giấy phép rồi nhưng vì nhiều nguyên nhân vẫn chưa được triển khai.

Mục đích của việc phân loại là nhằm thấy rõ nguyên nhân các dự án đang vướng mắc ở đâu, cần phải tiến hành những giải pháp nào để khai thông được nguồn vốn của các dự án đó.

Nguyên nhân giải ngân chậm là do đâu, thưa ông?

Trọng tâm và cũng là nguyên nhân khiến tốc độ giải ngân chậm, nguyên nhân chủ yếu do vướng phải các vấn đề liên quan đến đất đai. Nhất là trong thời gian hiện nay, các dự án đầu tư nước ngoài đang càng ngày càng có quy mô lớn. Mà dự án có quy mô lớn thì chắc chắn sẽ phải cần một diện tích đất lớn.

Diện tích đất lớn sẽ liên quan đến quyền sử dụng đất của người dân và công tác giải phòng mặt bằng. Do đó, để giải ngân tốt, công tác giải phóng mặt bằng là yêu cầu số một. Phải tập trung giải quyết hài hòa và nhanh chóng khâu giải phóng mặt bằng.

Muốn vậy, các bộ - ngành như: Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN cùng UBND các tỉnh cần phải vào cuộc để các dự án được triển khai theo đúng trình tự, thời gian.

Một nguyên nhân khác khiến cho tốc độ giải ngân chậm nữa là những vấn đề liên quan đến môi trường. Về vấn đề này, Bộ KH&CN cần phải trả lời sớm để nhà đầu tư chủ động xem dự án có đáp ứng đủ các quy định về môi trường hay không.

Còn đối với các dự án đang triển khai và đang tiếp tục thực hiện vốn đầu tư giai đoạn hai, cần phải xem xét đến các khía cạnh phát sinh như dịch vụ hỗ trợ, cung cấp nguồn nhân lực, các thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu hàng hoá để doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Mục đích cuối cùng là làm sao đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn FDI đạt ở mức cao nhất. Vì thế, ngay trong năm 2008, cần phải giải ngân được trên 6 tỷ USD hoặc cao hơn nữa.

Ông nghĩ gì khi có ý kiến nói rằng, mặc dù đã phân cấp cho địa phương được cấp phép dự án nhóm A, nhưng hiện nay các địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn vì phải đợi... xin ý kiến của Bộ KH&ĐT và Bộ TN&MT?

Dự án nhóm A hay nói chính xác hơn là dự án có điều kiện hiện được chia làm hai loại: loại đăng ký cấp phép và loại thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư. Đối với các dự án có điều kiện, địa phương sau khi tiếp nhận sẽ phải xin ý kiến của các bộ ngành trong đó có Bộ KH&ĐT, Bộ TN&MT, Bộ KH&CN vì liên quan đến các vấn đề: thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường.

Do đó, đối với các dự án có điều kiện, khi nhận được các văn bản, hồ sơ của địa phương gửi đến, việc đầu tiên các bộ-ngành cần phải làm là phải xử lý và trả lời đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.

Hiện, chúng ta mới thực hiện phân cấp khoảng 1,5 năm nên các địa phương đã “va chạm” phải các dự án quy mô lớn (các dự án có điều kiện). Về vấn đề này, các bộ-ngành phải có trách nhiệm hỗ trợ địa phương trong kinh nghiệm xử lý các vấn đề liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai, môi trường.

Hiện, Bộ KH&ĐT cũng đã thành lập các Tổ công tác để hỗ trợ địa phương đối với các dự án lớn với sự tham gia của đại các bộ-ngành nói trên để xem xét, giải quyết giúp địa phương triển khai các dự án một cách nhanh nhất.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.