Năm 2009: Tập trung hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp

Năm 2009: Tập trung hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp
TP - “Nhiệm vụ trọng tâm là ngăn chặn suy giảm kinh tế, từ đó mới duy trì tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu đầu tư, tiêu dùng hợp lý...”.
Năm 2009: Tập trung hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp ảnh 1
Dệt may là một trong những ngành sản xuất mũi nhọn năm 2008. Ảnh: Hồng Vĩnh

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp tổng kết năm 2008 và bàn kế hoạch 2009, Bộ Công Thương tổ chức ngày 31/12.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết,  năm 2008, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt khoảng 650 nghìn tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm 2007.

Khu vực kinh tế ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng cao với 18,8%, tỷ trọng 33,1%; hướng phát triển nhanh dần, nhiều hình thức. Khu vực đầu tư nước ngoài tăng trưởng 18,6%. Trong khi đó, khu vực kinh tế nhà nước chỉ tăng trưởng 4% và có xu hướng chậm dần.

Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu năm 2008 cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế và tiếp tục tăng trưởng.

Một số sản phẩm tăng trưởng cao như máy công cụ (28,5%); động cơ diezen (18,3%); quần áo người lớn (27,7%); máy giặt (28%)... Bên cạnh đó, một số sản phẩm giảm nhiều so với năm 2007 (như thép tròn các loại giảm 10,6%, than sạch giảm 6,1%...).

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ngành công thương năm 2009 phải thực hiện ba nhiệm vụ chính: Tìm mọi cách thúc đẩy sản xuất, đảm bảo cung - cầu cho đời sống nhân dân, nhu cầu thiết yếu cho sản xuất trong nước; Đẩy mạnh xuất khẩu, không để khó khăn của năm 2009 tác động quá nhiều đến xuất khẩu; Tiếp tục coi trọng ổn định và phát triển thị trường trong nước và tăng hội nhập kinh tế quốc tế.

Về sản xuất công nghiệp, sẽ thúc đẩy sản xuất; đưa nhiều công trình xây dựng lớn vào hoạt động: Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Phân bón DAP ở Hải Phòng, các nhà máy điện... nhằm tăng năng lực sản xuất, tăng giá trị sản xuất công nghiệp nói chung.

Quan tâm nhiều tới các dự án, công trình, nhà máy sản xuất các mặt hàng thiết yếu, phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt quan tâm ngành công nghiệp phụ trợ, vì đây là khâu còn yếu của nước ta, và sẽ có biện pháp cụ thể hơn trong năm 2009. Thực hiện các ưu đãi mà Nhà nước dành cho các sản phẩm cơ khí trọng điểm; dự án trọng điểm của ngành cơ khí, điện tử, chế tạo máy.

Chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Để phát triển sản xuất, phải có chính sách riêng cho từng ngành. Chính phủ hỗ trợ bằng những giải pháp lớn: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, chậm nộp thuế cho các doanh nghiệp, coi đây là một trợ cấp trực tiếp (khoản này phải 15-17 nghìn tỷ đồng).

Giao Ngân hàng phát triển bảo lãnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn; Giảm lãi suất ngân hàng theo giá cả đang giảm. Cùng với giảm lãi suất chung, Chính phủ kiến nghị Quốc hội, cho sử dụng thêm khoảng 17 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất (Ví dụ, nếu ngân hàng đang cho vay 10% thì Chính phủ hỗ trợ 4%, ngân hàng chỉ còn cho vay 6% ).

Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Công Thương rà soát từng lĩnh vực, có cơ chế điều hành cụ thể; gắng làm tốt hơn nữa công tác dự báo; phối hợp tốt với doanh nghiệp, các bộ để làm chính sách; các sở ngành địa phương cũng phải chủ động; phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp và người dân...

Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 63 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2007. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu giữ ở mức cao do những tháng đầu năm dầu thô, than đá, hàng nông sản gặp thuận lợi về giá.

Bên cạnh 10 mặt hàng có kim ngạch trên một tỷ USD đạt được từ năm 2007 (thủy sản, gạo, cà phê, cao su, dầu thô, dệt may, giầy dép, điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm gỗ và nhóm hàng sản phẩm cơ khí), mặt hàng dây điện và cáp quang sẽ gia nhập top này.

MỚI - NÓNG