Năm 2010: Giữ được lạm phát 7% là một kỳ công

Năm 2010: Giữ được lạm phát 7% là một kỳ công
Với việc tăng tỉ giá VND/USD, giá xăng và tới đây là giá điện, theo TS Nguyễn Đình Ánh - viện phó Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả, giữ được lạm phát năm 2010 ở 7% như Quốc hội giao là kỳ công và nhiệm vụ này cực khó.
Năm 2010: Giữ được lạm phát 7% là một kỳ công ảnh 1
Chị Nguyễn Thị Nga, công nhân Công ty Freetrend, đợi đến chiều tối 23-2 mới đi chợ để hi vọng mua đồ rẻ, nhưng tần ngần trước hàng thịt và cuối cùng quyết định không mua để tiết kiệm! - Ảnh: N.C.T.

TS. Nguyễn Đình Ánh nói:

- Vừa ra tết, khi người dân bắt đầu đi làm ngày đầu tiên, thông tin tăng giá xăng hôm trước đã làm những người quan tâm đến giá cả định hình ngay được tính nhạy cảm của lạm phát năm nay.

Ngày hôm sau nữa thì có thông tin về tăng giá điện, mức tăng là 6,8%, nhích hơn so với phương án đề xuất phê duyệt của Bộ Công thương là 4,91%. Nhiều người cảm thấy bất ngờ. Và chắc chắn lạm phát đúng là một bài toán khó cho điều hành kinh tế năm 2010.

Vậy việc điều chỉnh giá xăng gần đây, rồi quyết định tăng giá điện tới 6,8%, theo ông, vào thời điểm này có phù hợp?

- Việc điều chỉnh giá là bắt buộc phải làm vì chúng ta đang theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, thời điểm và mức độ nào lại là nghệ thuật của các nhà quản lý và người ta sẽ đánh giá tính thời điểm, mức độ là chính, hơn là các quyết định mang tính thị trường. Bản thân giá xăng dầu bây giờ quyền điều chỉnh đã thuộc các doanh nghiệp và động cơ điều chỉnh của họ khác với các cơ quan nhà nước trước đây.

Mục tiêu và nhiệm vụ chính của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận. Vì vậy, việc chịu đựng để vì cái lợi ích chung, về nguyên lý, đòi hỏi ở doanh nghiệp chỉ có thể ở mức ít ỏi thôi, họ không thể làm nhiều được. Còn về giá điện, theo tôi, mức tăng 6,8% khó có thể nói là cao vì không có cơ sở cho việc so sánh một cách rõ ràng.

Nếu so với sức chịu đựng, thu nhập của người dân sau khi vừa ra khỏi suy giảm kinh tế, những tác động dây chuyền của nó thì khác mà chỉ so với các con số đơn thuần và tác động đến CPI, GDP thì nói “không đáng kể” cũng đúng.

Về thời điểm, theo tôi, các quyết định tăng giá ảnh hưởng đến lạm phát nên để sau quý 1-2010, bởi khi đó chúng ta nhìn rõ được tính quy luật của nền kinh tế, xem mức độ lạm phát năm nay thế nào rồi ra quyết định sẽ hợp lý hơn.

Chỉ số giá tháng 1, tháng 2 không có nhiều ý nghĩa do đó là tháng tết. Quy luật sau tháng tết, chỉ số giá sẽ giảm. Việc tăng hay giảm của chỉ số giá sau tết cho thấy những dấu hiệu của cả năm. Việc điều hành dựa trên những thông số này sẽ chính xác và có tác động tích cực nhiều hơn đối với thị trường và doanh nghiệp, người dân.

"Chính phủ cam kết nhiệm vụ quan trọng của năm nay là ổn định vĩ mô. Chính sách bên cạnh các tác động trực tiếp của nó thì cần phải có một tính năng khác nữa, đó là tạo niềm tin. Nếu Chính phủ tạo cho dân đủ niềm tin thì lạm phát sẽ giảm hơn mức đáng có và ngược lại"

TS NGUYỄN ĐÌNH ÁNH

Vậy theo ông, mục tiêu giữ lạm phát ở mức 7% có khả thi?

- Quy luật CPI tháng 3 phải giảm, nhưng những tín hiệu giá gần đây cho thấy nó khó có thể giảm đáng kể. Đây chính là nỗi lo. Theo tính toán của tôi, e rằng chỉ trong nửa năm chúng ta đã “hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch” lạm phát 7% cho năm 2010.

Hai tháng đầu năm CPI có thể đã 3,2% rồi. Đó là chưa kể đến những tháng 8, 9, 10 cuối năm, mức tăng CPI thường cao thêm. Nên theo tôi, giữ chỉ số lạm phát cả năm ở khoảng 7% là cực khó.

Đặc biệt, với việc nhập siêu vẫn không có dấu hiệu cải thiện trong khi giá thế giới, đặc biệt là xăng dầu, một số loại nguyên vật liệu đã được dự báo sẽ tăng khi phục hồi kinh tế, khả năng VN phải “nhập khẩu lạm phát” là khó tránh.

Việc điều chỉnh tỉ giá tác động thế nào đến lạm phát?

- Kinh tế VN năm 2009 có nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, trong khoảng một năm vừa qua, chúng ta đã điều chỉnh giảm giá đồng tiền của mình khá mạnh, gần 20%. Nghĩa là so với USD, tiền VN đã mất đi từng ấy giá trị. VN là nước nhập siêu, hàng hóa mua về theo USD, khi chuyển sang tiền VN tự nhiên cũng đắt thêm.

Dù đã điều chỉnh tỉ giá nhưng đến nay tình hình trở lại gần như cũ. Nếu điều chỉnh tỉ giá tiếp, chúng ta lại tạo thêm sự mất giá tiền đồng và sự mất giá này chắc chắn sẽ làm tăng lạm phát. Tăng lạm phát lại tiếp tục làm tiền mất giá... Nên các giải pháp chống lạm phát, ổn định vĩ mô theo tôi phải thật chặt chẽ ngay từ đầu năm để lạm phát ở mức thấp có thể chấp nhận được.

Năm 2010: Giữ được lạm phát 7% là một kỳ công ảnh 2

TS Nguyễn Đình Ánh

Theo ông, VN cần có giải pháp điều hành gì, có nên tính lại chi tiêu công?

- VN đã có thành công trong việc điều hành kinh tế năm 2009 và lạm phát ở mức dưới 7% năm qua là một tiền đề tốt. Theo tôi, các chính sách đối phó với lạm phát nên có tính tổng thể và kịp thời nhưng các giải pháp nên đợi đến hết quý 1-2010, khi có những thông số cụ thể có tính chỉ báo rõ ràng hơn.

Việc kiểm soát lạm phát không khó, các biện pháp thế giới họ có rồi, chúng ta không phải sáng tạo thêm gì cả. Vấn đề là để chống lạm phát sẽ khá đắt đỏ. Như thắt chặt tín dụng thì doanh nghiệp sẽ khó làm ăn hơn, tăng trưởng cũng khó khăn hơn. Nếu hết quý 1 mà Chính phủ thấy lạm phát có nguy cơ tăng cao thật thì các giải pháp như tăng lãi suất, giảm thuế, hạn chế cho vay, thậm chí hạn chế chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách... cần thiết phải đặt ra.

Theo Cẩm Văn Kình
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.