Bể than đồng bằng sông Hồng:

Năm 2010, thử nghiệm công nghệ khai thác

Năm 2010, thử nghiệm công nghệ khai thác
TP - Các tập đoàn kinh tế đang ráo riết bàn kế hoạch nhập khẩu than, trong khi bể than đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) chưa biết khi nào có thể khai thác.

Việc thiếu than tiêu dùng trong nước đang là bài toán khó. Phóng viên Tiền Phong có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Cty Năng lượng sông Hồng (TKV) xung quanh vấn đề này.

Năm 2010, thử nghiệm công nghệ khai thác ảnh 1
Mỏ than tại Quảng Ninh. Ảnh: Quyền Thành

Khi nào mở bể than?

Thưa ông, việc khai thác bể than sông Hồng đã đến giai đoạn nào?

Trong qui hoạch ngành than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003, có dự án khai thác than ở ĐBSH với công suất 1,5 triệu tấn/năm. Ngành than nhiệm vụ trước mắt là phải thử nghiệm công nghệ và thăm dò địa chất.

Tháng 3-2009, TKV đã trình Thủ tướng Đề án phát triển bể than ĐBSH. Hiện Bộ Công Thương đã thẩm định xong Đề án.

Nếu Chính phủ cho phép thì khi nào có thể khai thác thử nghiệm?

Thử nghiệm công nghệ phải xong trước 2010, thăm dò địa chất phải xong trước 2015. Đây là cơ sở và căn cứ lập quy hoạch khai thác bể than ĐBSH.

Năm 2010, thử nghiệm công nghệ khai thác ảnh 2
TS Nguyễn Thành Sơn

TKV và các đối tác nước ngoài đã trình phương án thử nghiệm công nghệ khí hoá than ngầm dưới lòng đất (với chi phí khoảng 6,5 triệu đô la).

Nếu được Chính phủ cho phép, chúng tôi sẽ thử nghiệm ngay trong năm nay, đến cuối năm 2011 có thể có kết luận chính xác về tính khả thi của công nghệ này.

Hiện nay, TKV đã trình Bộ TN&MT (lần thứ 2, sau khi được đổi tên) “Đề án thăm dò than vùng Khoái Châu” để xin cấp phép theo Luật Khoáng sản.

TKV và các đối tác nước ngoài cũng sẵn sàng triển khai thăm dò tỉ mỉ trong năm nay, ngay sau khi được cấp phép.

Khó nhập khẩu than

Ba tập đoàn Than, Dầu khí, Điện lực vừa có đề án trình Chính phủ về việc lập ban chỉ đạo nhập khẩu than. Theo ông, giữa việc nhập khẩu và khai thác BTSH, nên chọn giải pháp nào?

Tất nhiên, nên chọn cả hai giải pháp vì đều khó khăn như nhau. Cho đến nay, tính khả thi của việc nhập khẩu than ngày càng thấp, và tính khả thi của việc khai thác than ĐBSH ngày càng cao. Nếu phải nhập một khối lượng lớn than (trên 50 triệu tấn/năm), có thể nói là không khả thi ngay trong điều kiện bình thường.

Về kinh tế, việc thành lập ban chỉ đạo về nhập khẩu than là chưa đủ. Điều quan trọng nhất là nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành năng lượng (khai thác năng lượng và sử dụng năng lượng) trong điều kiện sẽ phải nhập khẩu năng lượng với giá cao.

Về kỹ thuật, các công nghệ sử dụng than của VN vốn lạc hậu, tiêu hao nhiều than tốt cần được đổi mới; Các cơ sở hạ tầng cho việc tiếp nhận than nhập khẩu chưa có, phải đầu tư mới với chi phí không nhỏ.

Hiện nay, rót 25 triệu tấn than/năm từ bờ xuống tầu ở vùng biển sâu Quảng Ninh thì rẻ, còn trong tương lai, xúc 100 triệu tấn than từ tầu lên bờ ở các vùng biển nông Thái Bình, Nghi Sơn, Vũng Áng, Ninh Thuận v.v. không phải là rẻ.

Khả năng VN đầu tư ra nước ngoài để nhập khẩu than thì sao, thưa ông?

Úc là nước xuất khẩu than lớn nhất thế giới và gần VN. Báo chí gần đây có đưa tin Trung Quốc đầu tư vào Úc để trong tương lai được nhập khẩu than. Cụ thể, để sau năm 2015 mua được của Úc mỗi năm 30 triệu tấn than với giá 100 USD/tấn, hiện Trung Quốc phải đầu tư 5,6 tỷ USD vào các mỏ than của Úc.

Tất nhiên, ba “đại gia” Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), và TKV cũng có thể có nhiều tỷ đô la vừa để đầu tư ra nước ngoài khai thác than, vừa để nhập khẩu than, nhưng vấn đề là ở đâu, cách nào, với giá như thế nào?

Hiện nay, chính các Cty của Úc như Arrow, CBM đang tham gia với PVN và Linc Energy đang hợp tác với TKV để khai thác tiềm năng nhiên liệu (than và khí mêtan trong than) tại vùng ĐBSH.

Năm 2008, theo đề xuất của Cty Năng lượng sông Hồng, TKV đã ký thư ghi nhớ về việc TKV đầu tư vào chính đối tác Linc Energy để khai thác than tại Úc bằng công nghệ khí hóa ở vùng Chinchilla có trữ lượng tương đương vùng than Uông Bí. Rất tiếc, thư ghi nhớ đã được ký rất trịnh trọng, nhưng vì lý do nào đó không ai “nhớ”.

Indonesia cũng là nước xuất khẩu than lớn gần VN. Nhưng, hiện ở Uông Bí, Cty Vietmindo của Indonesia đã đầu tư 100% vốn để khai thác rất hiệu quả mỏ than của VN hơn 15 năm nay.

Úc và Indonesia là “sân chơi” truyền thống và quan trọng số 1 của các hộ tiêu dùng than của Nhật Bản. Ở khu vực này, các doanh nghiệp Nhật đã nhanh chân hơn chúng ta khoảng 30 năm rồi. Qua đó cho thấy, khả năng hay cơ hội đầu tư của VN vào Úc và Indonesia để khai thác than đưa về VN là không có.

Khả năng cuối cùng là vùng than Viễn Đông -  Xakhalin của Nga. Xét về mặt quan hệ, có lẽ đây là hy vọng lớn nhất của chúng ta. Nhưng, xét về mặt kỹ thuật và kinh tế, đây là vùng than “khó nhằn” nhất không chỉ đối với VN mà ngay cả với tập đoàn than của Nga.

Như vậy vấn đề than sẽ phải tính toán ra sao, thưa ông?

Câu trả lời ai cũng biết là phụ thuộc nhập khẩu. Còn, nếu phải tính toán thì khó. Với trữ lượng hiện có của bể than Quảng Ninh, sản lượng khai thác như hiện nay đã và đang tỏ ra không tối ưu.

Nếu tiếp tục khai thác với sản lượng như hiện nay, có nguy cơ phải đóng cửa cải tạo mỏ trong vòng vài năm tới. Ngoài Quảng Ninh và ĐBSH, tiềm năng than của VN chỉ còn có thể là vùng Phả Lại - Đông Triều và vùng than bùn U Minh.

Về lâu dài, nếu tính đến yếu tố nước biển dâng, chúng ta nên ưu tiên đầu tư thăm dò khai thác sớm vùng than ĐBSH và cả vùng than bùn U Minh.

Trữ lượng khả khai và khả dụng của than bùn ở VN ở vùng U Minh cũng gần tương đương (tính theo nhiệt năng) với than đá vùng Quảng Ninh. Nếu nước biển dâng lên thật, thì chắc chắn con cháu chúng ta cũng khó có thể thụ hưởng được hai “kho vàng” này.

Việc đầu tư thăm dò để phát triển vùng than Phả Lại-Đông Triều tuy không chịu sức ép về nước biển dâng, nhưng còn rủi ro và tốn kém hơn so với vùng than ĐBSH, vì chắc chắn là không có nhiều than như chúng ta đang tưởng. Khu vực này có mật độ chứa than không đáng kể, chi phí thăm dò lớn so với bể than ĐBSH ít nhất 3-5 lần.

Bá Kiên
Thực hiện

MỚI - NÓNG