Năm APEC - Việt Nam 2006: Lựa chọn sắc thái riêng

Năm APEC - Việt Nam 2006: Lựa chọn sắc thái riêng
Việt Nam đã chính thức khởi động Năm APEC 2006 bằng một hội nghị quốc tế để thăm dò ý kiến các nền kinh tế thành viên, lãnh đạo các ủy ban APEC... từ đó lựa chọn chủ đề ưu tiên.

Sự kiện quan trọng nhất của APEC 2006 là Hội nghị Cấp cao lần thứ 14 của các nguyên thủ 21 nền kinh tế thành viên diễn ra ngày 18-19/11 và Hội nghị liên bộ trưởng ngoại giao – kinh tế vào ngày 15-16/11.

Việt Nam còn tổ chức 4 hội nghị các quan chức cấp cao APEC và một loạt hội nghị cấp Bộ trưởng, nhóm công tác chuyên ngành... trải dài suốt năm 2006.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan thay mặt Chính phủ Việt Nam, thông qua hội nghị phát đi thông điệp đầu tiên rằng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng giải quyết những thách thức mà APEC đang phải đối mặt... Cam kết thực hiện những gì mà các nền kinh tế chủ nhà trước đây của APEC đã theo đuổi”.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Khoan, là nước chủ nhà APEC 2006, Việt Nam sẽ hướng vào ba khung lớn bao gồm: Thực hiện các mục tiêu Bogos (được xác định từ năm 1994 là thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư tới hạn cuối cùng vào năm 2020);

Xây dựng và bảo đảm một môi trường kinh doanh bền vững và an toàn, trong đó có vấn đề an ninh Y tế, phòng chống thiên tai, an ninh năng lượng, chống tham nhũng, công nghệ thông tin, sở hữu trí tuệ...; Triển vọng về một cộng đồng kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nếu xem ý kiến của Phó Thủ tướng là những định hướng đầu tiên của Chính phủ cho Năm APEC 2006, chủ đề ưu tiên sẽ không tách rời 3 trụ cột chính của APEC (Tự do hoá thương mại đầu tư, Tạo thuận lợi cho thương mại đầu tư và Hợp tác kinh tế kỹ thuật), tiếp nối những gì các nước chủ nhà trước đã đặt ra, nhưng cần tạo ra sắc thái riêng của Việt Nam, từ đó làm tăng vị thế và mang lại nhiều lợi ích cho nước chủ nhà. 

Lựa chọn sắc thái riêng

Đó là điều các đại biểu trong ngoài nước cùng trăn trở. Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng, Trưởng Nhóm công tác liên ngành APEC 2006, thừa nhận đến lúc này Việt Nam chưa xác định được chủ đề ưu tiên cụ thể và phải chờ ý kiến từ các hội nghị, hội thảo sắp tới.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ra đời năm 1989 với 12 thành viên. Việt Nam là thành viên APEC từ tháng 11/1998.

Đến nay APEC có 21 thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên và đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và 46% thương mại thế giới.

Ông Alan Bowman, Chủ tịch Uỷ ban Thương mại và Đầu tư APEC, cho rằng những thách thức sau khi gia nhập WTO (ông nhận định Việt Nam gia nhập WTO cuối năm 2005), vấn đề tự do hoá thương mại, đầu tư có thể chọn làm chủ đề chính của năm 2006.

Điều này tất nhiên có lợi cho Việt Nam và các nền kinh tế đang phát triển, nhưng dường như không thoả mãn yêu cầu của các thành viên lớn như Mỹ, Nhật Bản...

Tiến sĩ Andrew Elek, ĐH Quốc gia Australia, người theo sát những bước phát triển của APEC, không đề xuất một chủ đề cụ thể nào cho các nhà tổ chức Việt Nam, nhưng ý kiến của ông có thể khiến các quan chức APEC phải suy nghĩ.

Ông nói APEC đã phình to quá mức, nên Việt Nam không nên đặt thêm nhiều mục tiêu lớn mà khả năng thực hiện gần như không thể trong một thời gian ngắn. Cũng vì thế, kể từ năm 1998 APEC tạm ngừng kết nạp thành viên mới thêm 10 năm nữa để củng cố tổ chức.

Theo ông, Việt Nam cần lựa chọn chủ đề thực tế để các thành viên lớn hỗ trợ thành viên nhỏ tăng cường khả năng phát triển chứ không chỉ là các khoản viện trợ, hỗ trợ thông thường.  

MỚI - NÓNG