Nam giới chưa được coi là nạn nhân

Nam giới chưa được coi là nạn nhân
TP - Gần 3.200 trường hợp bị buôn bán ra nước ngoài trở về- con số đưa tại Hội thảo 5 năm thực hiện đề án tiếp nhận và hỗ trợ cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài trở về (2005 - 2010) tổ chức Đà Nẵng hôm qua, 26 - 5.

Phức tạp

Ông Nguyễn Văn Minh, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ - TB&XH) cho biết: 5 năm qua, cả nước phát hiện 115 xã nội biên giáp Trung Quốc, Campuchia, Lào có nạn nhân bị buôn bán, 249 cơ sở kinh doanh nhà hàng, khách sạn, vũ trường ở phía ngoại biên đối diện có biểu hiện hoạt động mại dâm và là nơi chứa chấp nạn nhân của bọn tội phạm buôn người. Thống kê có gần 6.700 người (gồm cả phụ nữ, trẻ em và nam giới) đi khỏi nơi cư trú không rõ nguyên nhân, trong đó có 4.678 người nghi bị buôn bán.

Các địa phương xảy ra tình trạng trên nhiều nhất là Hà Giang, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Lai Châu, Bắc Giang… Bọn buôn người núp dưới danh nghĩa ký kết, làm ăn kinh tế, tham quan, du lịch... cấu kết với một số cò mồi, môi giới trong nước, hay lợi dụng sơ hở trong quy định của pháp luật về cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài, lập hồ sơ trẻ em bị bỏ rơi để hợp pháp hóa rồi tìm cách chuyển ra nước ngoài. Nhiều cô gái bị lừa kết hôn với người nước ngoài trở thành nạn nhân của bọn buôn người.

Tính đến tháng 5-2010, số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về gần 3.200 trường hợp, trong đó Bộ đội Biên phòng các tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng giải cứu 201 nạn nhân, tiếp nhận 718 nạn nhân do các nước trao trả (chủ yếu Trung Quốc), hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho 240 phụ nữ trở về; hỗ trợ tâm lý, khám sức khỏe, đào tạo nghề và tạo việc làm, tái hòa nhập cộng đồng...

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Nguyễn Trọng Đàm: Tội phạm buôn bán người vẫn diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và xuyên quốc gia. Cả nước có hơn 3.600 đối tượng, trong đó có 235 đường dây với 654 đối tượng có biểu hiện hoạt động mua bán người, đồng thời có 51 tuyến và gần 190 địa bàn trọng điểm trong nước bọn tội phạm thường xuyên hoạt động.

Nam giới chưa được coi là nạn nhân

Theo bà Lê Thị Hà - Phó cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, hệ thống pháp luật về phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em còn nhiều bất cập, thiếu sót, quản lý nhà nước còn thiếu các chế tài hình sự, hành chính để giải quyết triệt để, đặc biệt trong quản lý nước ngoài, quản lý nhân hộ khẩu, quản lý xuất nhập cảnh, kết hôn với người nước ngoài, cho nhận con nuôi...

Thực trạng xác định, tiếp nhận và hỗ trợ các đối tượng này những năm qua gặp không ít khó khăn, lúng túng ngay từ định nghĩa buôn bán người và xác định nạn nhân của nước ta. Đơn cử, Nghị định thư bổ sung về phòng chống buôn bán người của Liên Hợp Quốc và Luật phòng chống buôn bán người của các quốc gia đã đưa ra định nghĩa về buôn bán người và xác định nạn nhân được cộng đồng quốc tế công nhận.

Các đại biểu kiến nghị việc xây dựng Luật phòng chống buôn bán người, đặc biệt là cơ chế chính sách để phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân là đòi hỏi cấp thiết nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập đang tồn tại hiện nay. 

Trong khi đó, định nghĩa của Việt Nam lại chưa đủ cơ sở để trừng trị hành vi môi giới, mua bán, bóc lột lao động và buôn bán người. Đặc biệt, theo Thông tư 03, nạn nhân trong các vụ buôn bán chỉ là phụ nữ, trẻ em. Tuy nhiên hiện nay, khái niệm về nạn nhân đã mở rộng hơn, không chỉ là phụ nữ, trẻ em mà còn bao hàm cả nam giới - bà Hà kiến nghị.

Hoặc như, Bộ luật tố tụng hình sự đã có một số quy định về bảo vệ an toàn thể chất đối với nạn nhân, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức độ nguyên tắc, chưa quy định rõ đối tượng được bảo vệ, các biện pháp bảo vệ, thủ tục yêu cầu bảo vệ...

Chỉ tính riêng tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, những năm qua đơn vị tiếp nhận và gửi yêu cầu xác minh hàng nghìn trường hợp là công dân không được nước ngoài cho cư trú, trong đó bao gồm cả số nạn nhân là phụ nữ và trẻ em bị buôn bán. Tuy nhiên, cho đến nay số lượng nạn nhân do phía nước ngoài đề nghị xác minh để trao trả theo con đường chính thức mới chỉ có chưa đầy 80 trường hợp. Nguyên nhân do tâm lý của các nạn nhân, điều kiện khó khăn, trắc trở bởi địa bàn chia cắt, kinh phí hạn hẹp.

Cục phòng chống ma túy (BTL Bộ đội Biên phòng) cũng cho rằng: Cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện cho công tác đấu tranh, xác minh nạn nhân bị buôn bán từ nước ngoài còn rất hạn chế. Trên 3 tuyến biên giới đường bộ, có hơn 200 đồn biên phòng, đây là những đơn vị tiếp nhận nạn nhân trở về nhưng đến nay mới chỉ có 4 đồn biên phòng và một cơ sở tiếp nhận tại Móng Cái (Quảng Ninh) được các tổ chức hỗ trợ xây dựng nhà tiếp nhận nạn nhân.

Theo Sở LĐ - TB&XH TP Cần Thơ: Năm 2008, có trên 40 phụ nữ thường trú ở Cần Thơ bị kẻ xấu lợi dụng môi giới lấy chồng nước ngoài để đưa ra nước ngoài trái phép. Khi đang tập kết tại TP HCM thì bị phát hiện, thông báo về Cần Thơ nhưng đơn vị rất khó tiếp nhận vì thiếu kinh phí.

MỚI - NÓNG