Năm thách thức lớn với kinh tế Việt Nam

Năm thách thức lớn với kinh tế Việt Nam
TP - Theo các chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam sẽ phải vượt qua rất nhiều thách thức để tăng trưởng kinh tế thời gian tới, trong đó cần tiếp tục đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Trong đó có việc ADB sẽ dừng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam từ tháng 1/2019.

Theo Báo cáo triển vọng kinh tế thường niên công bố ngày 30/3 của ADB, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục ổn định trong 2 năm tới với tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, sau đó giảm nhẹ xuống còn 6,5% trong năm 2017. Dự báo lạm phát đạt trung bình 3% trong năm nay và lên mức 4% trong năm 2017.

Cũng theo phân tích ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của ADB, nền kinh tế sẽ đối mặt nhiều khó khăn trong thời gian tới với 5 vấn đề chính. Theo đó, Việt Nam phải đối mặt chính là những rủi ro do những bất ổn trên thị trường toàn cầu khi hội nhập sâu rộng. Khả năng khôi phục sự ổn định tài chính của Việt Nam. Nợ công sắp tới ngưỡng 65% GDP và đang tạo áp lực về tính bền vững nợ. Cùng đó là chi phí trả lãi tăng nhanh trong bối cảnh thu ngân sách giảm từ 27% GDP xuống còn 22% trong 5 năm qua và việc khôi phục cán cân thanh toán và giải quyết nợ xấu cũng là những vấn đề lớn với nền kinh tế.

Về dài hạn, Việt Nam cần nỗ lực nhiều hơn để giải quyết vấn đề tăng trưởng năng suất thấp và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường khả năng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu. Cùng đó cần đẩy nhanh tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách sâu rộng hơn, không chỉ dừng lại ở cổ phần hóa nhằm loại bỏ những ảnh hưởng méo mó mà các doanh nghiệp này gây ra với nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Các chuyên gia của ADB cũng cho rằng, Việt Nam cần chú trọng cải cách cơ cấu lao động. Hiện gần 50% lực lượng lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, khó có thể tăng năng suất và cạnh tranh được. Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu ADB có cắt viện trợ (sau khi Ngân hàng Thế giới thông báo có thể ngừng viện trợ phát triển chính thức ODA cho Việt Nam từ tháng 7/2017), Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam xác nhận theo kế hoạch đến tháng 1/2019 Việt Nam sẽ không được vay ưu đãi từ ADB.

Theo ông Eric Sidgwick, Việt Nam đang được hưởng 2 loại vốn vay từ ADB: Vốn vay thông thường (OCR) và từ Quỹ phát triển châu Á (ADF). Lãi suất của ADF có cao hơn so với vay vốn OCR, nhưng nếu vay từ nguồn này Việt Nam sẽ có kỳ hạn trả nợ dài hơn. Đến một thời điểm nhất định Việt Nam sẽ không được vay nguồn vốn dành cho những quốc gia bị đánh giá còn khá nghèo (vốn từ ADF) nữa do thu nhập quốc gia đã vượt các tiêu chí để được vay.

MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.