Nắn dòng tín dụng

Vay vốn đóng tàu theo NĐ 67. Ảnh: NQ.
Vay vốn đóng tàu theo NĐ 67. Ảnh: NQ.
TP - Nắn dòng vốn tín dụng vào ưu tiên phát triển nông nghiệp nông thôn theo ưu tiên của Chính phủ, 3 năm qua, hàng loạt các chương trình cho vay ưu đãi dành cho nông nghiệp nông thôn đã ra đời. Và đến thời điểm này, rất nhiều chương trình vay đã phát huy hiệu quả.

“Cho tôi một điểm tựa, tôi bẩy tung Đồng bằng sông Cửu Long lên”- Đó là phát biểu của TS Lê Thẩm Dương, trưởng khoa ngân hàng ĐH Ngân hàng TPHCM khi ông nói về vốn cho ĐBSCL (tại hội thảo tín dụng cho khu vực này ngày 7/4/2015 được tổ chức tại TP Bến Tre). Nhưng nói như thế không có nghĩa là bẩy lên và ngay tất cả, theo ông Dương việc bẩy tung đó sẽ phụ thuộc vào điểm tựa,  bởi nếu nó mạnh quá  tức là tín dụng phải tăng tương xứng với điểm tựa. Nhưng cũng đồng thời, nó sẽ là không tốt nếu chỉ trông vào điểm tựa đó và với mức tăng 20-30% dành cho nông nghiệp những năm qua  là đã quá tốt rồi không còn “cửa để nói”. 

Sự ví von theo ông Dương để chỉ ra rằng “tôi cảm động bởi hệ thống ngân hàng những năm qua đã nắn dòng vốn rất tốt vào nông nghiệp, nắn vào doanh nghiệp xuất khẩu và nắn vào doanh nghiệp nhỏ và vừa nơi có hệ số Icor thấp. Trong bối cảnh đó khó khăn vậy mà ngân hàng vẫn làm tức là người ta tự gánh rủi ro về”.

Những năm qua, vốn tín dụng rót vào ĐBSCL đã không ngừng tăng lên. Thống kê của Vụ Tín dụng NHNN, về tổng dư nợ cho vay đối với các tỉnh ĐBSCL nếu như là 271,556 tỷ đồng năm 2012 thì đã lên 302.794 tỷ đồng năm 2013, lên 334.146 tỷ đồng năm 2014, đến hết tháng 2/2015 dư nợ tăng lên 353.816 tỷ đồng, chỉ trong 2 tháng đã tăng lên trên 20 nghìn tỷ đồng trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn vùng ĐBSCL đạt khoảng 163.000 tỷ đồng, tăng gần 10 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2014, lần lượt chiếm tỷ trọng 22%/tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn quốc và trên 46% tổng dư nợ của vùng.

Cho vay nông nghiệp tuy lợi nhuận không cao nhưng là cho vay bền vững. Một lãnh đạo NHTM từng đúc rút điều này khi nhìn vào câu chuyện của Agribank. Là ngân hàng có thâm niên gắn bó với nông nghiệp Việt Nam gần 3 chục năm qua, không nhiều người biết rằng nợ xấu của Agribank chỉ đến từ 2 thành phố lớn bởi cho vay quá nóng và quá nhiều các dự án bất động sản; trong khi đó, dư nợ tín dụng, vay và trả tại các miền quê luôn đảm bảo an toàn.

Nắn dòng vốn tín dụng vào ưu tiên phát triển nông nghiệp nông thôn theo ưu tiên của Chính phủ, 3 năm qua, hàng loạt các chương trình cho vay thời gian qua đã ra đời như Nghị định 67 về cho vay đóng mới tàu; Nghị định 41 về tín dụng cho nông nghiệp, dự án thí điểm cho vay chuỗi liên kết 4 nhà… Đi nhiều, từ xuống Thái Bình thăm cánh đồng mẫu lớn, lên Hà Giang đến với doanh nghiệp chè, vào vùng sâu Sơn La gặp hộ gia đình vay vốn, đến tổ hợp tác đan giỏ huyện vùng ven thành phố Cần Thơ, hay vào Tây Nguyên thăm và xem mô hình tái canh cây cà phê… tất cả những chuyến đi cơ sở đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình có lần phát biểu đại ý rằng đi mới tận mắt thấy cái khó nhất của 3 vùng này đều có điểm chung là rất cần vốn ngân hàng và người dân hầu hết đều khó khăn, luôn có nhu cầu vay vốn làm ăn phát triển kinh tế. 

Cũng 3 năm qua, sự ưu ái dành cho khu vực nông nghiệp nông thôn trở nên thường xuyên hơn khi ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng 3 Tây (Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam bộ) trong các hoạt động từ an sinh xã hội, rót vốn ưu tiên thậm chí còn khuyến khích đột phá các mô hình nông nghiệp làm kinh tế giỏi. Cũng từ đó, hàng loạt chương trình cho vay ưu đãi trị giá hàng ngàn tỷ đồng đã được để dành cho 3 “Tây” để sớm vực kinh tế đứng lên và phát triển hơn.

MỚI - NÓNG