Nạn trốn nợ ở chợ Vòm

Nạn trốn nợ ở chợ Vòm
Buổi sáng 30-9, chị L. vẫn dậy sớm ra chợ Vòm (Matxcơva) mở “công” (côngtenơ) bán hàng như bình thường. Đến trưa chị nhờ người hàng xóm trông hộ hàng, nói “đi có chút việc”.

>> Bài toán ổn định cho người Việt chợ Vòm

Quá trưa, rồi chiều muộn cũng không thấy chị trở lại. “Thôi chết, cái L. trốn về nước rồi bà con ơi!”. Ban quản trị đến niêm phong “công”. Các chủ nợ nhớn nhác, hậm hực: “canh” kỹ thế mà vẫn còn thoát được...

Đó chỉ là một trong hàng chục trường hợp trốn nợ diễn ra trong một tuần nay ở Matxcơva.

Nhân lúc tin dữ về việc đóng cửa chợ đang làm xao động tâm lý cộng đồng người Việt ở Liên bang Nga, mọi người nửa tin nửa ngờ chưa biết xử trí ra sao thì cũng có những kẻ rắp tâm “đục nước béo cò”.

Chẳng hạn trường hợp của T., quê Thanh Hóa. Làm ăn “đuội” (lận đận), nợ nần chồng chất nên T. quyết định làm một mẻ lớn rồi “bùng”. Anh ta mua “xukhôi” (mua chịu) của nhiều chủ hàng, thế chấp “công” để vay tiền của các “chủ tín” (người cho vay lấy lãi). Khi đã có trong tay 700.000 - 800.000 USD, T. “lặn” một hơi. Cho đến nay vẫn chưa rõ anh ta về VN hay bỏ đi thành phố xa. Các chủ nợ đang tung “thám tử” đi tìm.

Trong số những người trốn nợ không phải ai cũng như T.. Phần lớn họ không có chủ đích lừa đảo, nhưng nợ lớn quá, chẳng thể nào trả được. Thôi gom chút vốn rồi lánh mặt.

Anh Hữu Sành, quê Thanh Hóa, một doanh nhân có kinh nghiệm ở chợ Vòm, giải thích: “Mùa thu năm nay hàng bán chậm. Mọi năm thì tháng chín, tháng mười hàng vụ đông đã bán ầm ầm. Nhưng nguyên nhân chính của tình trạng nhiều người vỡ nợ vẫn là do tin giải tỏa chợ".

Các chủ hàng Trung Quốc thường thì hết năm mới thu hồi vốn từ những người bán buôn chuyên lấy hàng trả chậm. Nhưng năm nay họ sợ chợ vỡ nên đòi sớm trong khi các tiểu thương VN chưa bán được hàng.

Bình thường, khi giá trị “công” còn cao ngất ngưởng, có khi có nơi lên đến 200.000 USD thì nợ nần không là chuyện lớn. Có “công” làm vật đảm bảo rồi. Nhưng nay “công” sụt giá ghê gớm, trung bình 5-6 lần, cá biệt gần 10 lần, thì nó không đáng để các chủ nợ quan tâm.

Chữ tín cũng bị dẹp sang bên nếu chợ không tồn tại lâu dài. Bị thúc ép nhiều, thế là “bùng”. Không loại trừ một số người có tiền nhưng không muốn trả, nhân có tin đóng cửa chợ đã trốn đi.

Anh Thập, quê Hưng Yên, đã có nhiều năm lăn lộn ở chợ Vòm. Anh dự báo tình hình sẽ xấu đi trong vài tháng tới vì đó cũng là thời điểm các đối tác phải thanh toán nợ nần với nhau và thời vụ mùa đông đã qua.

Theo Hoàng Tiến Phương
Tuổi Trẻ/Từ Matxcơva

MỚI - NÓNG