Nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng hội nhập quốc tế

Rau củ quả VinEco được sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP và GLOBALGAP.
Rau củ quả VinEco được sản xuất theo tiêu chuẩn VIETGAP và GLOBALGAP.
TP - Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Bộ Canh Nông (14/11/1945-14/11/2015), nay là Bộ NN&PTNT, phóng viên Tiền Phong đã có buổi phỏng vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về những thành tựu cũng như thách thức của ngành sau 70 năm thành lập và 30 năm đổi mới.

Phải vì lợi ích của nhân dân

Thưa Bộ trưởng, những năm qua ngành Nông nghiệp Việt Nam có sự chuyển mình rất mạnh mẽ. Ông có thể cho biết một số thành tựu nổi bật của nền nông nghiệp nước ta?

Từ sau Cách mạng tháng Tám, Hồ Chủ tịch, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đảng ta đã lãnh đạo cải cách ruộng đất và có nhiều chủ trương, chính sách đối với nông nghiệp và nhờ vậy nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có sự phát triển mạnh mẽ và có thể nói là vượt bậc. Điều này đã góp phần quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là cải thiện đời sống của bà con nông dân.

Những thành tựu nổi bật nước ta đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, đó là: Từ một đất nước thiếu lương thực, ngày nay chúng ta là một trong những nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm lớn ở trên thế giới. Nông nghiệp phát triển đã đem lại thu nhập ngày càng tăng cho bà con nông dân tạo điều kiện cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay, đời sống của nông dân đã được cải thiện rất nhiều.

Trong 5 năm qua, tái cơ cấu nông nghiệp là một trong những chủ trương lớn của Bộ NN&PTNT. Tái cơ cấu hiện nay đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

Thực tế, chúng ta đã bước vào một giai đoạn không thể tiếp tục làm theo cái cũ mà bắt buộc muốn tiếp tục phát triển và cạnh tranh có hiệu quả trong điều kiện hội nhập sâu rộng quốc tế, chúng ta phải thực hiện các biện pháp làm thay đổi những yếu tố có tính chất cơ cấu của nền nông nghiệp. Trong 5 năm vừa qua, chúng ta đã xác định rõ những chủ trương, những đường hướng, giải pháp và bước đầu bắt tay vào để thực hiện những giải pháp đó. Đã tạo ra một nhận thức chung trong xã hội và bắt đầu có những chuyển động. Tuy nhiên, quá trình này cần phải được tiếp sức mạnh mẽ hơn để biến tất cả những chủ trương đó thành những hành động thực tế và những kết quả thực tế trên đồng ruộng.

Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua của Bộ như “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Toàn ngành chung sức thực hiện tái cơ cấu ngành” đã được triển khai. Bộ trưởng có đánh giá gì về hai phong trào này?

Bài học lớn rút ra trong nông nghiệp đó là phải dựa vào nhân dân. Tái cơ cấu nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới là những phong trào của nhân dân, do nhân dân và vì lợi ích của nhân dân. Vì thế, chúng ta cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để nhân dân nhận thấy rõ và chủ động tích cực tham gia. Chỉ khi người dân chủ động, tích cực tham gia thì những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đề ra mới trở thành hiện thực một cách có hiệu quả.

Nâng cao khả năng cạnh tranh, tận dụng hội nhập quốc tế ảnh 1

Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt

Có thể thấy rõ thành tựu của ngành đạt được, tuy nhiên trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành có gặp không ít khó khăn, thách thức, thưa ông?

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Nông nghiệp đang phải đối phó với nhiều thử thách, trong đó thách thức lớn nhất là cạnh tranh quốc tế ngày càng gia tăng, vấn đề tiêu thụ nông sản luôn đặt ra rất bức xúc. Tiếp đó, trong điều kiện các ngành kinh tế đều phát triển, tạo việc làm, đảm bảo thu nhập của nông dân, tiếp tục nỗ lực xóa đói giảm nghèo cũng là nhiệm vụ to lớn đặt ra với toàn ngành.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại, nông nghiệp là một ngành được đánh giá là chịu nhiều tác động từ các hiệp định tự do thương mại này, đặc biệt là TPP. Về lâu dài, Bộ sẽ có những giải pháp chuẩn bị gì để cho ngành nông nghiệp thích ứng với hội nhập?

Nông nghiệp nước ta là nông nghiệp của các hộ gia đình nông dân sản xuất nhỏ. Vì thế nên rất dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường. Tuy nhiên, nước ta cũng có những mặt hàng mà chúng ta đã, đang và sẽ có thể cạnh tranh với các nước khác. Ví dụ như lúa gạo, rõ ràng ngành lúa gạo của nước ta có thể cạnh tranh có hiệu quả với các nước trong đối tác xuyên Thái Bình Dương như nước Nhật, Canada, Mêhicô, Malaysia... Về lâu dài, Bộ Nông nghiệp đang đưa ra rất nhiều giải pháp, hướng tới nâng cao khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp và để phát huy, tận dụng những cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế đem lại. Cũng là để đối phó với những thách thức về cạnh tranh. Hướng chủ đạo là phát huy cao hơn những lợi thế của nước ta để cạnh tranh một cách có hiệu quả, đồng thời tổ chức lại sản xuất và thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật để làm cho sản xuất nông nghiệp của nước ta có hiệu quả cao hơn và bền vững hơn.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG