Nâng đời thành doanh nghiệp: Hộ kinh doanh vấp nhiều rào cản

Hộ kinh doanh ngại lên doanh nghiệp vì vướng nhiều rào cản.
Hộ kinh doanh ngại lên doanh nghiệp vì vướng nhiều rào cản.
TP - Cơ quan quản lý đang khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp nhưng đa số họ không muốn “lớn”. Việc chuyển đổi này đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thức từ cơ chế, chính sách thuế, thanh kiểm tra, sổ sách kế toán...

Tranh thủ ưu đãi và Ngại thủ tục thuế

Chị Nguyễn Thị Liễu, chủ một đại lý bánh kẹo cấp 1 tại quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, gia đình chị có vốn kinh doanh gần 3 tỷ đồng, hằng ngày thuê 6 nhân viên giao, nhận hàng hoá và vận chuyển cho các cửa hàng nhỏ hơn ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nhiều lần, gia đình chị dự định chuyển đổi sang DN để tiện xuất hoá đơn chứng từ khi bán buôn cho các đại lý. Nhưng khi tìm hiểu, chị Liễu thấy thủ tục kế toán, thuế khá phức tạp, chị Liễu giữ nguyên hình thức hộ gia đình.

“Thủ tục thành lập DN đơn giản, nhanh gọn nhưng tôi sợ nhất việc kiểm tra thuế, hoá đơn. Hơn nữa, chuyển thành DN, tôi phải thuê nhân viên kế toán tốn thêm khoảng 3-5 triệu đồng/tháng. Nếu không thuê, mình làm không đúng thủ tục, lại bị phạt thì tốn kém hơn”, chị Liễu nói về lí do không chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN.

Tại nghiên cứu “Chính thức hóa hộ kinh doanh ở Việt Nam”, mới đây, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã chỉ ra quy mô hộ kinh doanh rất nhỏ. Số lao động bình quân chỉ 1,7 người; 7,5 % số hộ kinh doanh có vốn từ 1 tỷ đồng trở lên, chỉ có 1,3% số hộ có mức vốn kinh doanh từ 5 tỷ đồng trở lên. Bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng ban thể chế (CIEM) đánh giá, con số về tài sản của hộ như trên không phản ánh chính xác giá trị tài sản thật. Không ít hộ kê khai vốn kinh doanh và tài sản cố định thấp hơn nhiều so với giá trị thực để “giảm sự để ý” của cơ quan chức năng.

Nguyên nhân khiến hộ kinh doanh không muốn thành DN do được hưởng nhiều ưu đãi như chi phí tuân thủ pháp luật (thuế, kế toán…) ít hơn. “Hộ kinh doanh ngại chuyển đổi sang DN vì phải bổ sung nhân lực, hồ sơ, kế toán phát sinh nhiều chi phí. Thậm chí nhiều chủ hộ kinh doanh e ngại gây đảo lộn hoạt động, thường xuyên bị thanh tra, kiểm tra”, bà Luyến cho biết.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cả nước có 4,75 triệu hộ sản xuất, kinh doanh, gấp 10 lần số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Số hộ kinh doanh tạo việc làm cho hơn 8 triệu lao động, trung bình cứ 19,3 người dân có 1 hộ kinh doanh. Năng suất lao động hộ kinh doanh hạn chế, mô hình kinh doanh hẹp, chỉ nằm trong một số nhóm ngành. Đa số hộ kinh doanh sử dụng vốn tự có, bởi không có khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay.

Tại diễn đàn Chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN được tổ chức ở TPHCM ngày 26/4, ông Lê Minh, hộ kinh doanh cá thể ngụ Q.Tân Bình băn khoăn: “Bất kỳ ai kinh doanh cũng nghĩ đến quyền lợi của mình, khi chuyển đổi lên DN mà quyền lợi giảm đi, liệu họ có tha thiết chuyển hay không? Hiện tôi chưa cần vay vốn ngân hàng để mở rộng kinh doanh nhưng khi chuyển lên thành DN sẽ phải thực hiện nhiều thủ tục như báo cáo thuế, phải thuê kế toán... và nhiều thủ tục rườm rà khác. Những khoản này sẽ làm tăng chi phí mà cũng chưa chắc khiến việc kinh doanh hiệu quả hơn. Đó là lý do tôi chưa muốn lên DN”.

Bà Hằng - tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức kể, trước đây bà được vận động nếu nâng đời lên DN sẽ thuận lợi hơn trong việc xuất hóa đơn khi giao dịch, được khấu trừ thuế… “Bùi tai”, bà lên DN. Kinh doanh vài năm, bà bị cơ quan thuế kiểm tra, phát hiện nhiều mặt hàng kê khai không đúng hóa đơn, chứng từ… xử phạt cả chục triệu đồng. Chịu hết xiết, bà làm đơn xin giải thể, rồi quay trở lại kinh doanh cá thể. “Không phải tôi muốn trốn thuế, tôi ít học, chỉ rành bán buôn chứ có biết gì về sổ sách, kế toán; hơn nữa nhiều mặt hàng tại chợ rất khó khớp với hóa đơn chứng từ dẫn đến làm sai. Ở vai trò hộ cá thể, mỗi tháng tôi tốn chừng 5-6 triệu đồng tiền thuế khoán. Đóng thuế đầy đủ thì cứ yên tâm kinh doanh. Đỡ mệt đầu”- bà bộc bạch.

Trong khi đó, ông Huỳnh Tấn Cường, hộ kinh doanh tại Q. Bình Tân cho rằng, chúng tôi dù nhỏ nhưng có ai muốn trốn tránh trách nhiệm nộp thuế đâu. Ngành thuế cần có ưu đãi như miễn giảm thuế 3 - 5 năm chẳng hạn, thì bất cứ hộ kinh doanh nào cũng muốn lên DN.

Ông Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ, mặc dù hộ cá thể có nhiều khó khăn nhưng vẫn có những lợi thế nhất định so với DN. Chẳng hạn nếu là DN, môi trường kinh doanh tại VN ghi nhận thời gian và chi phí khởi sự mất ít nhất 24 ngày. Gặp khó khăn, muốn rút khỏi thị trường mất 60 tháng. Mất đến 540 ngày cho việc trả thuế. Chưa kể, khó khăn trong thuê tuyển, sa thải lao động. Đây thật sự là “ác mộng” với DN. Trong khi đó, nếu là hộ cá thể thì hồ sơ, trình tự, thủ tục thành lập, lệ phí thành lập chỉ bằng 50% lệ phí thành lập doanh nghiệp; chỉ có 6 loại sổ sách kế toán so với vài chục loại của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ chỉ cần đóng thuế môn bài, nộp kê khai hoặc thuế khoán, không phải đóng VAT, thu nhập cá nhân hoặc thu nhập doanh nghiệp, thuê, tuyển lao động dễ dàng hơn...

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, điều kiện cũng như thủ tục để chuyển đổi hộ kinh doanh sang DN không có gì phức tạp. Tuy nhiên, chi phí tốn kém chính là lý do khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn lên DN. “Chủ hộ kinh doanh muốn tránh nghĩa vụ thuế, vì hiện nay khu vực kinh doanh cá thể vẫn được thực hiện theo chế độ thuế khoán, nên việc khai báo thuế đơn giản hơn. Mặt khác, họ ngại vượt qua các thủ tục hành chính, do còn rườm rà, chi phí thời gian, hoạt động sổ sách kế toán... phức tạp. Nếu tháo gỡ được nút thắt này thì hộ kinh doanh nào cũng sẽ tự nguyện lên DN” - ông Nam chia sẻ.

Nâng đời thành doanh nghiệp: Hộ kinh doanh vấp nhiều rào cản ảnh 1 Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI.

Cần “cuộc chơi” sòng phẳng

Thống kê của ngành thuế cho thấy, cả nước chỉ khoảng 1,6 triệu hộ kinh doanh nộp ngân sách hàng năm xấp xỉ 2% tổng nguồn thu ngân sách nhà nước. Con số này chênh lệch rất lớn so với thống kê của Tổng cục Thống kê (4,6 triệu hộ và người kinh doanh cá thể, đóng góp khoảng 11-13% GDP).

Khảo sát về thuế của VCCI  chỉ ra, 70% hộ kinh doanh (thực hiện khảo sát) cho biết thoả thuận với cán bộ thuế về mức thuế khoán. “Hộ kinh doanh đóng khoản thuế khoán thấp nên thoả thuận với cán bộ thuế. Thậm chí có nơi, cán bộ thuế địa phương còn hướng dẫn hộ kinh doanh lách thuế”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI, từng cho biết.

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM đưa ra cảnh báo, chương trình khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN phải được xây dựng sao cho không tiềm ẩn nguy cơ rơi vào bẫy “khoác áo” DN cho hộ kinh doanh, để đủ chỉ tiêu 1 triệu DN vào năm 2020. Muốn thúc đẩy chính thức hóa hộ kinh doanh thì nên dùng các đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính. Điều quan trọng nhất là để họ thấy được “lợi ích” lớn hơn“chi phí” khi thành DN.

Góp thêm ý kiến vào giải pháp để hộ kinh doanh chuyển thành DN, ông Hồ Sỹ Hùng – Cục trưởng Cục quản lý DN (Bộ KH&ĐT) bổ sung giải pháp như: Bắt buộc hộ kinh doanh phải sử dụng hóa đơn, chứng từ, nộp thuế như DN nộp thuế, được tham gia đấu thầu các dịch vụ công…

TS Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng CIEM, nói: “Nếu thấy thành lập DN có lợi hơn thì không ai xui họ cũng thành DN. Vậy chính sách phải làm sao cho họ thấy họ có lợi hơn”. Ông Bá cũng chỉ ra, các chính sách khuyến khích hộ kinh doanh trở thành DN phải để hộ kinh doanh lớn lên, để làm ăn lớn, từ bỏ tư duy nhỏ lẻ, để mang lại lợi ích cho cả nền kinh tế; số lượng DN ít cũng được nhưng DN cho ra DN.

Để minh bạch, sòng phẳng với các DN, vấn đề quan trọng hiện nay theo các chuyên gia là mở khung pháp lý, cơ chế chính sách để hoạt động hộ kinh doanh khi thành DN được thuận lợi hơn. Theo đó, cần phải quy định rõ về loại hình hộ kinh doanh cá thể, có cơ quan quản lý phù hợp với từng đối tượng; không nên áp dụng quản lý kiểu “đánh đồng” DN siêu nhỏ có doanh thu vài trăm triệu đồng với DN có doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế VN, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, quy định bất hợp lý về thuế suất cũng là “rào cản” trong việc chuyển đổi DN. Cụ thể, thuế suất thuế thu nhập DN từ năm 2014 đến 31/12/2015 quy định DN có doanh thu đến 20 tỷ đồng/năm có thuế suất 20%, doanh thu khác thuế suất 22%. Tuy nhiên, từ 1/1/2016, mức thuế suất thuế thu nhập DN áp dụng chung cho các doanh nghiệp, không phân biệt quy mô. “Điều này không công bằng cho các DN khởi nghiệp, DN chuyển đổi từ hộ cá thể”- bà Cúc nói và cho rằng, để khuyến khích DN chuyển đổi cần tạo điều kiện tốt nhất, kết hợp yếu tố khuyến khích, tự nguyện chuyển đổi của họ…

Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế thu nhập cá nhân (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) nêu thực trạng, tại TPHCM và Hà Nội, có những hộ kinh doanh có doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm và số lượng sử dụng hóa đơn gấp nhiều lần DN. Đó mới chính là đối tượng mà cơ quan thuế nhắm đến trong đợt vận động chuyển đổi thành DN. “Hộ kinh doanh không muốn chuyển lên DN có hai nhóm: Kinh doanh chân chính ngại lên DN vì sợ thủ tục, nhóm thứ 2 là núp bóng, lợi dụng thuế khoán để xuất hóa đơn bất hợp pháp. Tới đây, cơ quan thuế sẽ áp dụng quản lý điện tử với hộ kinh doanh khi đó sẽ không còn, toàn bộ là khoán theo cách buông lỏng như hiện nay mà sẽ quản lý điện tử, khai điện tử, nộp thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là những hộ kinh doanh lớn” - bà Lan khẳng định.

“Hộ kinh doanh có vẻ như đang đứng trước “ngã ba đường”, lưỡng lự không biết có nên chuyển đổi lên DN hay không. Điều này, phụ thuộc rất lớn vào những chính sách mà nhà nước bắt buộc phải thiết kế cho phù hợp với điều kiện hoạt động kinh doanh của 5 triệu hộ kinh doanh, vốn rất tiềm năng để trở nên lớn mạnh trong tương lai”.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

MỚI - NÓNG