Năng lực cạnh tranh : Hà Nội tụt hạng, Đà Nẵng dẫn đầu

Năng lực cạnh tranh : Hà Nội tụt hạng, Đà Nẵng dẫn đầu
TPO - Năm 2009, Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu cả nước trong bảng xếp hạng PCI, tiếp đến là Bình Dương, Lào Cai, Đồng Tháp, Vĩnh Long. Hà Nội tiếp tụt tụt hạng năm thứ hai liên tiếp xuống vị trí thứ 33.

>> Văn bản hành chính rườm rà 'ngáng' sự phát triển kinh tế
>> Hà Nội quyết tâm tăng sức cạnh tranh lên 10 bậc

Năng lực cạnh tranh : Hà Nội tụt hạng, Đà Nẵng dẫn đầu ảnh 1
Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2009 (Ảnh: ĐNĐT)

Kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009, do VCCI công bố sáng nay, cho thấy ngoài năm địa phương là Đà Nẵng (76 điểm), Bình Dương (74 điểm), Lào Cai (70,4 điểm), Đồng Tháp (68,5 điểm), Vĩnh Long (67,2 điểm), Vĩnh Phúc là tỉnh thứ sáu trong danh sách nhóm xếp hạng “rất tốt” về năng lực cạnh tranh với 66,6 điểm.

Các tỉnh Điện Biên, Cà Mau và Long An được đánh giá có thành tích tốt nhất về cải cách chất lượng điều hành kinh tế theo kết quả điều tra PCI từ năm 2006 đến nay

Theo đánh giá, trong nhóm các tỉnh có chất lượng xuất sắc này, Lào Cai là điểm nhấn đáng chú ý bởi những nỗ lực vượt bậc trong công tác điều hành của địa phương.

Điểm đáng chú ý của xếp hạng PCI năm 2009 là Hà Nội năm thứ hai liên tiếp bị tụt hạng (năm 2008 tụt 4 bậc) với mức sút giảm 2 bậc, xuống vị trí thứ 33 và đứng trong nhóm các tỉnh có năng lực cạnh tranh khá.

Khác với nhiều phân tích cho rằng, việc mở rộng Hà Nội đã khiến PCI của thành phố này giảm sút, nghiên cứu PCI 2009 chỉ ra: “Nếu coi các khu vực mới của Hà Nội là các “tỉnh” riêng biệt thì thứ hạng thực tế của Hà Nội sẽ thấp hơn so với đơn vị hành chính Mê Linh và Hà Tây. Nói cách khác, việc mở rộng đã giúp Hà Nội tăng điểm số tổng hợp PCI của Hà Nội”.

Muốn tiếp cận tài liệu kế hoạch phải có “mối quan hệ”

Kết quả điều tra cho thấy, 61,26% doanh nghiệp cho rằng muốn tiếp cận tài liệu kế hoạch của tỉnh phải có “mối quan hệ”, tỷ lệ này ngang bằng với năm 2006.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, tổng mức thời gian mà các doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính đã có sự cải thiện rất đáng kể khi giảm từ 22% năm 2008 xuống còn 15%. Thời gian trung bình của mỗi đợt thanh tra thuế cũng giảm từ 8 giờ xuống còn 5 giờ. 44% doanh nghiệp được hỏi cho biết các cán bộ, công chức hiệu quả hơn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, chỉ số tính minh bạch và tiếp cận thông tin, chi phí không chính thức, tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh lại sụt giảm đáng lo ngại so với các năm trước.

Kết quả điều tra cho thấy, 61,26% doanh nghiệp cho rằng muốn tiếp cận tài liệu kế hoạch của tỉnh phải có “mối quan hệ”, tỷ lệ này ngang bằng với năm 2006. Các chuyên gia tính toán, nếu cải thiện được thêm 1 điểm trong chỉ số tính minh bạch sẽ giúp tăng 13% số doanh nghiệp/1000 dân, 17% đầu tư/người và tăng lợi nhuận cho mỗi doanh nghiệp ở mức 62 triệu đồng/năm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tăng một điểm của chỉ số Tính minh bạch trong PCI sẽ giúp tăng 13% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 17% đầu tư bình quân đầu người và 62 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp. Cải thiện một điểm trong chỉ số Đào tạo lao động giúp tăng 30% số doanh nghiệp trên 1.000 dân, 47% đầu tư bình quân đầu người và 58 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi doanh nghiệp.

Kết quả từ điều tra PCI cũng cho thấy các tỉnh thành phố có thể cải thiện tính minh bạch bằng cách công bố công khai các văn bản và tài liệu kế hoạch như ngân sách tỉnh, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất và các kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng để nhà đầu tư dự báo tốt hơn khi đưa ra quyết định đầu tư.

Đối với lĩnh vực lao động, các địa phương như Bình Dương, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã cố gắng xây dựng được đội ngũ lao động có chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài xứng đáng nhận được sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp.

Đề án 30 : Bước tiến đáng kể về thủ tục hành chính

Nhìn tổng quan, trong năm nay, Việt Nam tiếp tục có những bước tiến đáng kể về cải cách thủ tục hành chính. Đáng lưu ý là các cải thiện về Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của nhà nước và Chi phí gia nhập thị trường, có thể do Chính phủ triển khai thực hiện quyết liệt Đề án Đơn giản hóa thủ tục hành chính (còn gọi là Đề án 30).

Các lĩnh vực khác có cải thiện là tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý. Tuy nhiên, cũng có một số sụt giảm đáng lo ngại là tính minh bạch, chi phí không chính thức và tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số PCI đại diện cho “tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp và là công cụ hữu hiệu nhằm thúc đẩy những sáng kiến cải cách của chính quyền T.Ư như việc triển khai Đề án 30 cũng như quá trình phân cấp tại Việt Nam.

“Tôi tin tưởng rằng chỉ số PCI tiếp tục cung cấp được những thông tin quan trọng giúp chính quyền địa phương thực hiện các cải cách của mình, hỗ trợ chính quyền Trung ương tạo lập môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng cạnh tranh hơn”- Ông Lộc nói.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG