Năng suất lao động Việt Nam cực thấp, vì sao?

Năng suất lao động Việt Nam cực thấp, vì sao?
TP - Ngày 9/5, báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam vào loại thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương.

Theo báo cáo “Con đường đến Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2015: Những thách thức và cơ hội đối với các doanh nghiệp”, các doanh nghiệp trong khu vực đang rất lo ngại trước tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng. Hiện, số dân di cư nội khối ASEAN đang tăng lên, từ khoảng 1,5 triệu người trong năm 1990 đến khoảng 6,5 triệu người hiện nay. Con số này được kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.


Theo ILO, những chính sách lao động và xã hội (đặc biệt là những chính sách liên quan tới kỹ năng và giáo dục), dịch chuyển của lao động trong nội khối, cải thiện quy trình làm luật cần được các nước quan tâm nhiều hơn để thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững.

Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu của ILO, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á - Thái Bình Dương. Thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Thậm chí, so với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, đó vẫn là một khoảng cách lớn. Chẳng hạn, NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Một xu hướng đáng chú ý là tốc độ tăng của NSLĐ giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002-2007, NSLĐ tăng trung bình 5,2% mỗi năm - mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, tốc độ tăng năng suất trung bình hằng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn 3,3%.

Theo một cuộc khảo sát về nhu cầu về kỹ năng với hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch ở khu vực miền Trung Việt Nam, tất cả chủ lao động đều cho rằng sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng được yêu cầu của họ. Nguyên nhân vì thiếu sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo.

MỚI - NÓNG