3 rủi ro chuyển đổi trái phiếu Vietcombank

 3 rủi ro chuyển đổi trái phiếu Vietcombank
Hôm nay, 27/7, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bắt đầu giới thiệu bản cáo bạch với nhà đầu tư, trong đó đề cập đến một số rủi ro khi thực hiện chuyển đổi trái phiếu.
 3 rủi ro chuyển đổi trái phiếu Vietcombank ảnh 1

Kỳ vọng vào hệ số chuyển đổi từ trái phiếu cao của các trái chủ là rất mong manh.

Rủi ro đầu tiên được đề cập là về thời gian thực hiện quyền ưu đãi mua cổ phiếu của các trái chủ. Theo Quyết định số 230/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/9/2005 về việc cổ phần hóa Vietcombank, Vietcombank thực hiện bán cổ phần trong năm 2006.

Tuy nhiên, đến thời điểm này có thể khẳng định kế hoạch trên sẽ không thể thực hiện được trong năm nay. Bản cáo bạch của Vietcombank đưa ra thời điểm dự kiến sớm nhất mà ngân hàng này có thể tiến hành bán đấu giá lần đầu ra công chúng là ngày 30/3/2007.

Nhưng mốc hẹn này vẫn chưa chắc chắn vì “thời gian tiến hành bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng sẽ được xác định khi và chỉ khi có quyết định của Chính phủ về thời điểm cổ phần hóa Vietcombank”.

Như vậy, thời điểm chuyển đổi vẫn chưa được xác định cụ thể. Theo đó, các trái chủ sẽ phải chờ đợi thêm ít nhất là 8 tháng nữa với lãi suất 6%/năm, trong khi lãi suất trên thị trường vẫn đang trong xu thế tăng.

Rủi ro thứ hai được đề cập đến là về mức giá chuyển đổi. Mức giá chuyển đổi sẽ được xác định dựa trên kết quả bán đấu giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Mức giá phụ thuộc vào quan hệ cung cầu tại thời điểm bán đấu giá.

Mặt khác, phương thức lựa chọn mức giá trúng thầu khi đấu giá lần đầu ra công chúng cũng ảnh hưởng tới mức giá chuyển đổi. Giá chuyển đổi càng cao thì hệ số chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu càng thấp.

Vietcombank đang là ngân hàng tốt nhất trong khối ngân hàng quốc doanh, mức giá trúng thầu dự báo là sẽ ở mức cao; nếu như một số ngân hàng cổ phần hiện nay thì có thể gấp tới 7 – 8 lần hoặc cao hơn so với mệnh giá. Như vậy, kỳ vọng vào hệ số chuyển đổi từ trái phiếu cao của các trái chủ là rất mong manh.

Một rủi ro nữa được đặt ra là liệu lượng cổ phiếu phát hành lần đầu ra công chúng của Vietcombank có đủ để chuyển đổi cho tất cả các trái chủ? Rủi ro này khó xẩy ra khi Vietcombank khẳng định là hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi.

Theo kế hoạch, khi cổ phần hóa Vietcombank sẽ giữ nguyên vốn hiện có theo giá trị xác định lại. Việc phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn và bán cổ phần sẽ theo nhiều đợt, mỗi đợt không quá 10% vốn điều lệ để tăng vốn.

Trong giai đoạn 2007-2010, tỷ lệ Nhà nước sở hữu vốn điều lệ của Vietcombank không thấp hơn 51%. Tương ứng hạn mức bán ra không quá 49%.

Theo dự thảo phương án về mức vốn điều lệ của Vietcombank vào thời điểm cổ phần hóa dự kiến không thấp hơn 1,5 tỷ USD, xấp xỉ 24 nghìn tỷ đồng và 10% vốn điều lệ sẽ tương ứng với 2.400 tỷ, lớn hơn rất nhiều tổng mệnh giá trái phiếu tăng vốn (1.374,6055tỷ).

Như vậy, theo mệnh giá cổ phiếu, Vietcombank đã có đủ khối lượng cổ phiếu phát hành cho các trái chủ để thực hiện quyền chuyển đổi.

Khẳng định trên chắc chắn hơn khi khả năng giá cổ phiếu của Vietcombank sẽ không nằm ngoài “đà tăng chung” của cổ phiếu các ngân hàng cổ phần hiện nay.

Cổ phiếu Sacombank được giao dịch gấp 8 lần mệnh giá, cổ phiếu của EAB được giao dịch gấp 10 lần mệnh giá thì “hà cớ gì” cổ phiếu của Vietcombank không có được những mức tăng như thế (?).

Giả sử Vietcombank sẽ phát hành lượng cổ phiếu tương ứng 10% vốn điều lệ. Với “đà tăng chung” nói trên, ước tính 10% đó sẽ có giá trị từ 19.200 tỷ đến 24.000 tỷ, cao hơn rất nhiều tổng giá trị trái phiếu thực hiện chuyển đổi.

Do đó, Vietcombank khẳng định sẽ có đủ cổ phiếu để các trái chủ thực hiện chuyển đổi tại lần đầu phát hành cổ phần ra công chúng.

Theo Thời báo Kinh tế

MỚI - NÓNG