Làm gì để hàng Việt chiếm thị trường

 Làm gì để hàng Việt chiếm thị trường
TP - Chúng ta đang có cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa trong việc chiếm lĩnh thị trường nội, nhưng nhà sản xuất không thể dựa vào lòng tốt và tinh thần Việt của người tiêu dùng, mà cần có những chiến lược hấp dẫn người tiêu dùng bằng chất lượng và giá cả cạnh tranh.

>> Kỳ 1: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa

 Làm gì để hàng Việt chiếm thị trường

 Làm gì để hàng Việt chiếm thị trường ảnh 1

Hàng Việt Nam sẽ được ưu tiên tiêu thụ khi được "thương hiệu hóa", được tập hợp và khẳng định dưới những thương hiệu lớn, ngày càng tiếp cận gần hơn các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Người Việt Nam và cả các khách hàng không phải là người Việt Nam sẵn sàng dùng hàng Việt Nam khi bản thân họ có thông tin đầy đủ về các thông số kỹ thuật, các tiện ích, cũng như khi họ được thuyết phục bởi giá cả hàng hóa và bởi mẫu mã đa dạng, phù hợp thị hiếu ngày càng tinh tế và khắt khe của mình.

Sự phát triển của hệ thống phân phối hàng hóa cả bán buôn và bán lẻ các cấp độ và quy mô, ngày càng văn minh, với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và chất lượng đội ngũ nhân viên phục vụ phù hợp, đảm bảo tạo thuận lợi, sự dễ chịu, sự tin cậy của khách hàng sẽ càng làm tăng doanh thu bán hàng Việt Nam cả trên thị trường trong nước hay ở nước ngoài.

Người tiêu dùng thông minh

Đồng thời, hàng Việt Nam sẽ được trọng thị hơn khi dân ta được tổ chức để trở thành cộng đồng người tiêu dùng thông minh, tự trọng, biết phân biệt các giá trị thực và ảo của hàng hóa được hỗ trợ bởi làn sóng quảng cáo chuyên nghiệp, lợi hại, công phu, tinh vi, có tổ chức... Ngược lại, sẽ thật khó thuyết phục người tiêu dùng Việt Nam hiện nay mua hàng Việt Nam  chỉ vì lòng yêu nước thuần túy.

Doanh nghiệp, các cơ quan quản lý không nên lạm dụng lòng yêu nước trong sáng và sức chịu đựng có hạn của dân, nếu cứ nhắm mắt làm ngơ trước thực tiễn người tiêu dùng Việt Nam đang phải xài "hàng nội giả hiệu" được bảo hộ kéo dài. Chúng không chỉ móc túi dân, mà còn làm nghèo thêm ngân khố và tài sản nhà nước, làm suy giảm nhanh chóng  tiềm năng và sức mạnh quốc gia nói chung, làm tổn thương hình ảnh và giá trị thương hiệu "hàng Việt Nam" nói riêng…

Khẩu hiệu "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sẽ không dừng lại ở ý nghĩa cổ động chính trị thuần túy, mà ngày càng trở thành thực tiễn kinh tế - xã hội sinh động, mang lại hiệu quả to lớn toàn diện cả vĩ mô, lẫn vi mô, trong nước và ở nước ngoài, trước mắt, cũng như lâu dài. 

Sự hỗ trợ này không chỉ gồm Nhà nước tạo mọi cơ hội nhằm làm tăng thu nhập và khả năng thanh toán thực tế của người tiêu dùng trong nước, mà còn cần làm tất cả nhằm làm giảm bớt các chi phí thực tế của các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tổ chức sản xuất và phân phối hàng hóa  Việt Nam thông qua hơn 90 triệu người Việt.

Trước mắt, trong thời gian tới, cần mở rộng những hỗ trợ tài chính nhà nước đối với doanh nghiệp hoạt động đưa hàng Việt về bán tại nông thôn, các khu công nghiệp và đô thị được NSNN hỗ trợ chi phí vận chuyển, quầy hàng và nhân công phục vụ...

Các địa phương cần vận động các ngành hàng, quầy hàng, tiểu thương tại các chợ và trung tâm thương mại trên toàn quốc liên kết với nhau và với các doanh nghiệp cùng cam kết, đăng ký hộ kinh doanh hàng Việt đảm bảo chất lượng, giá cả và thực hiện các nội dung cam kết bảo vệ người tiêu dùng...

Nhà nước cũng cần tiếp tục phát động và duy trì những cuộc vận động cấp quốc gia, thực hiện những biện pháp đồng bộ và nhất quán cần thiết trong khuôn khổ các cam kết hội nhập đã ký, nhằm tăng cường nhận thức, thói quen và thông tin về quy mô, chất lượng, giá cả và tính năng, cùng hệ thống phân phối bán buôn và bán lẻ rộng khắp, hiện đại  giúp hàng hóa đến được với nhiều người tiêu dùng hơn.  

TS.Nguyễn Minh Phong
(Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội)

MỚI - NÓNG