Trả ơn cho rừng

 Trả ơn cho rừng
TP - Ông và đồng đội của mình từng được rừng che chở trong những năm chiến tranh ác liệt. Đến khi đất nước thống nhất, nhìn những cánh rừng đại ngàn bị bàn tay của con người tàn phá, ông xót xa, đau đớn như  bị mất đi một phần cơ thể của mình.
 Trả ơn cho rừng ảnh 1
Ông Dương bên cánh rừng xà cừ của mình

Ông tâm nguyện: “Phải cứu lấy rừng để trả ơn!”. Ông là Nguyễn Quang Dương, 60 tuổi ở xã Thanh Phú, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước.

“Người hùng” ở rừng

Khi tôi đến trung tâm phố huyện nơi nhà ông sinh sống, cửa đã cài then. Bà con chòm xóm bảo: “Có khi nào thấy bóng ông ở nhà đâu, ngày nào ông ấy cũng vào rừng”.

Cuộc đời gắn với rừng của ông Dương bắt đầu bằng 2 chữ: Yêu rừng như lời ông nói. “Đó là năm 1967, tôi cùng đồng đội vào khu rừng ở xã Minh Đức này tập trận cho tổng công kích Mậu Thân 1968. Khi ấy nơi đây rừng còn bạt ngàn, nhiều cây đường kính cả vài người ôm. Thế mà trong những năm 90, khi tôi trở lại rừng chỉ còn trơ gốc, thi thoảng mới thấy vài đám le thưa thớt. Tôi xót lắm!” - Ông tâm sự.

Trước sự mất mát của rừng, năm 1996 ông cùng gia đình đăng ký khai hoang 200 ha rừng trọc ở khu vực này để trồng cây xà cừ và được chính quyền đồng thuận.

Cùng lúc đó, ông cũng thuê 6 hộ gia đình địa phương với 13 lao động cùng ông phủ xanh đất trống, núi trọc. Nhớ lại ngày đầu gian khổ, ông Dương kể:

“Những năm 1995- 1996 giá tiêu tăng vọt, lúc ấy tôi trồng được 5.000 gốc tiêu mỗi năm thu lợi cả 100 triệu đồng nên mới có tiền phủ xanh đất trống. Ngày trước, chuyện bỏ tiền triệu ra để trồng rừng nhiều người thấy vậy cứ bảo đầu óc tôi có… vấn đề. Nhưng vì yêu rừng nên tôi cứ mặc kệ”.

Đã 11 năm trôi qua từ ngày ông “gieo mầm” trên 200 ha rừng trọc, bây giờ cánh rừng xà cừ đã to bằng thân người mà ông vẫn là một nông dân không hơn không kém.

Tôi hỏi ông tiền đâu để trả lương cho 13 lao động thường trực trong nhà khi trồng rừng không trông mong thu hoạch?- Ông Dương chìa 2 bàn tay rồi chỉ lên đầu:

"Phải vắt óc tính toán. Những năm đầu tiên, tôi cùng anh em lao động trồng lúa xen vào giữa xà cừ còn nhỏ, khi ấy diện tích lúa xen là 100 ha, mỗi vụ thu hoạch cả mấy chục tấn lúa- một con số không nhỏ trong những năm 1996-1997. Không chỉ vậy, tôi còn trồng thêm mấy nghìn gốc tiêu…"

Theo ông Dương, trồng rừng chính là gieo mầm xanh cho đời chứ nghĩ đến chuyện dựa vào rừng, “ăn” rừng mà sống thì khó lắm. “Mình năm nay đã 60 tuổi, chẳng biết gần đất xa trời khi nào nhưng vẫn bám rừng. Bám rừng là cho con cháu, cho quê hương, cho xã hội họ chứ khi rừng bạt ngàn, chắc là mình cũng đã lìa đời rồi!”- Ông Dương bộc bạch.

“Kỳ tích” cây… gáo vàng!

Nhưng đối với ông Dương và mọi người ở vùng Minh Đức, thì kỳ tích lớn lao chính là 4 năm ươm mầm cây gáo vàng vùng rừng bán ngập. Theo ông Dương, vào năm 2000, vùng đất bán ngập ở thôn 4 không có một cây trồng nào sống nổi bởi nước lên xuống thất thường.

Giữa lúc ấy, cây gáo vàng - một loại cây rừng lại vươn cành thách thức với sóng nước. Thấy lạ, ông cùng nhiều người tìm hạt của nó về ươm mầm, nhưng “cây khó tính” này chẳng bao giờ biết nảy mầm.

Gần 4 năm như thế, vẫn tìm hạt, vẫn gieo mầm và vẫn… không có kết quả. Ông không nản lòng cho đến khi “bí quyết” của một người bạn đã giúp ông ươm thành công giống cây gáo vàng.

Anh Vũ Văn Nhiệm đã hơn 10 năm giúp việc cho ông Dương kể rằng, sau khi hạt gáo nảy mầm, mọi người mừng đến muốn khóc, ai cũng sung sướng như vớ được vàng.

Đến nay, ông Dương đã làm được việc tưởng chừng như không thể, đó là hơn 65ha đất ngập mặn trống hoác, nay đã được phủ xanh gáo vàng. Tất cả chúng đều sống vững chãi trên vùng đất này mặc cho nước lên, nước xuống.

Ông Dương cho biết: “Nếu ở những vùng đất trống khu vực bán ngập, chính quyền tạo điều kiện tôi sẵn sàng đưa gáo vàng phủ xanh  khu vực này”.

Đó không phải là một lời hứa, bởi theo ông Dương điều mà ông tâm nguyện bấy lâu chính là muốn trả ơn cho rừng, trả lại màu xanh vốn có của những cánh rừng đang từng ngày bị huỷ hoại.

Trần Lê

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.