Nên bỏ hẳn cơ chế bộ chủ quản

Nên bỏ hẳn cơ chế bộ chủ quản
TP - Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, nên bỏ hẳn việc giao bộ ngành chủ quản doanh nghiệp. Thay vào đó, cần sớm tách quyền chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ra cho một cơ quan riêng quản lý.

> Doanh nghiệp nhà nước lĩnh vực nào phải bỏ?

Thay đổi cách bổ nhiệm cán bộ

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Chính phủ đã quyết định sẽ chuyển phần lớn (trong số 21 tập đoàn, tổng công ty) từ Thủ tướng sang các bộ quản lý. Điều này có giúp việc giám sát hoạt động của DNNN được tốt hơn, thưa ông?

Khá lạ là đến nay, chúng ta lại quay lại cơ chế bộ chủ quản. Nghị định 72 của Chính phủ trước đây đã yêu cầu tách chức năng chủ quản và chủ sở hữu ra khỏi chức năng quản lý nhà nước.

Điều này đúng, vì Thủ tướng có chức năng chính là quản lý chung toàn xã hội theo luật pháp và Thủ tướng được Quốc hội bầu ra để quản lý, lo lợi ích chung.

Tôi nghĩ, bước tới đây phải thực hiện tách quản lý chủ sở hữu ra khỏi quản lý nhà nước.

Bỏ hẳn việc bộ chủ quản DNNN đi. Khi đó, mọi thứ sẽ phải công khai minh bạch và phải thực hiện quản trị theo pháp luật.

Cơ chế bổ nhiệm cán bộ trong DNNN cũng phải thay đổi, phải có tiêu chí cụ thể khi lựa chọn, chứ không phải theo cảm tính.

Vậy làm cách nào để chọn được doanh nhân giỏi?

Ở các nước họ mời một hội đồng gồm 5 nhà chuyên môn độc lập đánh giá toàn diện tập đoàn đó, rồi đề ra 10 tiêu chí như: Năng suất lao động, xuất khẩu, hiệu quả hoạt động, giảm tiêu hao năng lượng, lương tăng bao nhiêu…

Những tiêu chí này được công bố công khai để ai thấy có thể đáp ứng thì làm đơn đề nghị ứng cử cùng phương án hoạt động của doanh nghiệp đi kèm.

 Kết luận của Bộ Chính trị cũng nói có thể lập một cơ quan ngang bộ để quản lý về chủ sở hữu vốn tại DNNN. Đây là việc cần xem xét nhưng việc quản lý chủ sở hữu chắc chắn phải tách ra, không để bộ ngành chủ quản doanh nghiệp”. 

Sau đó họ sẽ bổ nhiệm một nhóm 5 chuyên gia khác xem xét các hồ sơ, thực hiện phỏng vấn rồi bỏ phiếu kín. Bước tiếp sau đó, ông bộ trưởng hoặc Thủ tướng quyết định bổ nhiệm theo kết quả bỏ phiếu đó, đồng thời ký hợp đồng có thời hạn 3 năm với người được chọn.

Mỗi năm sẽ có đánh giá ông làm được gì, cái gì chưa được. Nếu không đạt mục tiêu đề ra ngay trong năm đầu tiên sẽ bị trừ lương. Năm thứ hai không đạt thì sẽ bị cho nghỉ việc.

Còn bổ nhiệm như hiện nay thì không thấy rõ các điều kiện và trách nhiệm thế nào. Các vấn đề về tập đoàn là vấn đề rất lớn của quản trị nhà nước, của thể chế nhà nước, của bộ máy nhà nước.

Cho nên chúng ta không nên chỉ thực hiện một việc là chuyển từ ông A sang bà B. Việc đó không giải quyết bản chất vấn đề mà chỉ giải quyết ông A sẽ bớt việc còn bà B sẽ thêm việc.

Kẽ hở lớn trong Luật Doanh nghiệp

Là người từng tham gia góp ý, soạn thảo Luật Doanh nghiệp, theo ông, nên điều chỉnh việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước theo cách nào?

Luật Doanh nghiệp chỉ quy định về tập đoàn có một câu “Tập đoàn là tổ chức kinh tế lớn. Các quy định về tập đoàn do Chính phủ ban hành”.

Như vậy, Quốc hội đã không thực hiện nhiệm vụ lập pháp của mình mà để cho Chính phủ quy định. Khi áp dụng Luật Doanh nghiệp, không có quy định nào về quyền đại diện và chủ sở hữu nhà nước cả. Đây là kẽ hở rất lớn.

Vấn đề hiện nay là phải tách quyền chủ sở hữu nhà nước ra cho một cơ quan riêng quản lý.

Chúng ta đã từng định giao cho Tổng Cty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý, nhưng đơn vị này hiện không có đủ quyền hạn và đang phải quản lý tới 900 DNNN cổ phần hóa.

Như vậy đã là quá tải, làm sao có thể quản lý được thêm nữa. Thực tế có những doanh nghiệp tận An Giang, Đồng Tháp… thì làm sao mà quản lý xuể. Đây là mô hình không thích hợp.

Quản lý chủ sở hữu hiện nay bao gồm bổ nhiệm cán bộ chủ chốt, đầu tư, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp và cả việc xét duyệt đi nước ngoài. Có tình trạng, có doanh nghiệp đã cổ phần hóa rồi, có tham gia liên kết nhưng cũng phải rất “lễ phép”.

Chính những hành vi theo cơ chế xin cho đã hình thành nên việc bộ quản lý chung thì không ăn giải gì nhưng quản lý doanh nghiệp nhà nước thì có rất nhiều “màu”.

Duyệt cho đi nước ngoài thì họ sẽ lễ phép mời cán bộ cục, vụ đi hoặc cũng có thể là mời phu nhân đi cùng. Từ đó mới sinh ra “lợi ích nhóm” cả hai cùng hưởng lợi và thích thú với mô hình này.

Giải pháp thì có nhiều nhưng trước hết, phải loại bỏ lợi ích nhóm đi, nghiên cứu tách quản lý nhà nước, chủ sở hữu ra, không liên quan đến xét duyệt, bổ nhiệm này nọ thì mới được.

Còn cơ quan riêng này nếu lập ra thì chỉ quản lý chủ sở hữu thôi. Cách thức bổ nhiệm không thể làm như trước được nữa, còn việc đầu tư thì phải có giám sát chặt hơn.

Tại cuộc họp báo thường kỳ mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam có cho biết số lượng các tập đoàn sẽ dưới 10 đơn vị. Theo ông chỉ nên giữ lại tập đoàn kinh tế nhà nước nào?

Có ý kiến chỉ cần giữ vài tập đoàn quan trọng như điện, dầu khí, xăng dầu… nhưng các đơn vị này nắm đến 80% nguồn lực của các tập đoàn. Vấn đề không phải là bỏ ai, loại ai mà là khung pháp lý thế nào, dựa trên quy định nào.

Cái nữa là cần xem lại mỗi tập đoàn hiện đang có bao nhiêu công ty con, công ty cháu, chắt và hoạt động thế nào. Tại sao lại có tình trạng như vậy mà không tập trung vào nhiệm vụ chính của mình.

Vậy Thủ tướng có nên quản trực tiếp tập đoàn nữa không?

Có thể Thủ tướng vẫn nắm nhưng phải là nắm trên cơ sở luật pháp nào. Cái chính là phải có hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng.

Và khi đã có luật rồi thì dù doanh nghiệp hay tập đoàn cũng cứ theo luật mà làm. Còn cơ quan nhà nước chỉ giữ vai trò kiểm tra, giám sát.

Cảm ơn ông.

Phạm Tuyên
thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG