Nên có cơ quan điều tra thuế, vì sao?

Nên có cơ quan điều tra thuế, vì sao?
Mặc dù có một số ý kiến khác nhau nhưng tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội tán thành cần thiết phải có cơ quan điều tra thuế. Vì sao phải lập cơ quan điều tra thuế?
Nên có cơ quan điều tra thuế, vì sao? ảnh 1
“Bộ Tài chính quản lý nhà nước về lĩnh vực thu thuế, Tổng cục Thuế là cơ quan giám sát đội ngũ điều tra thuế”.

Báo giới đã có cuộc trao đổi cùng ông Tào Hữu Phùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội.

Ông Phùng cho biết:

Thứ nhất, thuế là nguồn thu quan trọng nhất của ngân sách nhà nước nhưng hiện nay đang có tình trạng trốn thuế, thất thu thuế rất lớn, nếu không giao quyền cho điều tra thuế thì sẽ không chống được gian lận thuế, trốn thuế và ngân sách tiếp tục thất thu.

Thứ hai, phải khẳng định điều tra thuế là một nghiệp vụ chỉ điều tra khi phát hiện gian lận thuế, trốn thuế có tổ chức, móc nối có hệ thống nhiều cá nhân với nhau, nghĩa là khi thanh tra không đủ sức làm thì điều tra thuế mới vào cuộc. Cơ quan điều tra thuế hoàn toàn không bắt người mà phối hợp với điều tra hình sự khi cần thiết.

Nhưng có ý kiến cho rằng điều tra thuế giẫm chân lên điều tra hình sự?

Điều tra hình sự là điều tra theo pháp luật tố tụng hình sự, còn điều tra thuế ở đây là điều tra hành chính về thuế, mà trong thực tế đã có tiền lệ rồi, Luật cạnh tranh đã cho cơ quan điều tra chống bán phá giá rồi.

Điều tra thuế sẽ không phủ định các điều tra khác, nghĩa là vẫn tồn tại các cơ quan điều tra chống buôn lậu, gian lận của hải quan; điều tra của hình sự, đồng thời điều tra thuế còn hỗ trợ các cơ quan điều tra này.

Luật hình sự qui định cứ trốn thuế từ 50 triệu đồng trở lên là khởi tố, nhưng làm sao phát hiện trốn thuế 50 triệu thì phải qua cơ quan điều tra thuế, cơ quan này phát hiện và chuyển sang điều tra hình sự.

Ngược lại, nếu điều tra hình sự phát hiện không phải trốn thuế mức 50 triệu thì trả lại cơ quan điều tra thuế xử lý ở mức độ hành chính.

Thêm cơ quan điều tra thuế có làm tăng bộ máy, thưa ông?

Ngành thuế đã khoán biên chế vào quĩ lương rồi, bây giờ sắp xếp lại trong bộ máy thanh tra thuế chọn ra một số người có trình độ năng lực cao để làm điều tra thuế.

Mặt khác, khi Việt Nam gia nhập WTO việc có cơ quan điều tra thuế sẽ chống được một tình trạng mà doanh nghiệp rất sợ hiện nay là hình sự hóa các quan hệ kinh tế giữa Nhà nước với doanh nghiệp.

Hơi tí là công an nhảy vào thì doanh nghiệp không làm ăn được, vì vậy nên để quan hệ Nhà nước với doanh nghiệp về mặt thuế là cơ quan điều tra thuế thì dễ hơn. Ở các nước trên thế giới cũng thế, nước nào cũng có cơ quan điều tra thuế riêng, thậm chí có nước còn có cảnh sát thuế.

Ai sẽ giám sát lực lượng điều tra thuế?

Trong luật cũng bổ sung qui định chỉ có cục trưởng cục thuế trở lên mới có quyền ra quyết định điều tra thuế và chỉ những cán bộ có thẻ điều tra viên mới được vào doanh nghiệp. Luật đã qui định rồi, nếu nhũng nhiễu hoặc dùng quyền điều tra thuế để dọa nạt doanh nghiệp thì bị xử rất nặng, rất nghiêm.

Bộ Tài chính quản lý nhà nước về lĩnh vực thu thuế, Tổng cục Thuế là cơ quan giám sát đội ngũ điều tra thuế. Các lực lượng khác trong ngành thuế giám sát, rồi Mặt trận Tổ quốc, Quốc hội và người dân trực tiếp giám sát... Bản thân doanh nghiệp cũng có quyền khiếu kiện và cơ quan điều tra hình sự vẫn tiến hành điều tra đối với những cán bộ điều tra thuế có hành vi vi phạm pháp luật.

Theo V.H.Quỳnh-X.Toàn
Tuổi trẻ

Các biện pháp áp dụng trong điều tra trốn thuế, gian lận thuế:

Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Kiểm tra sổ sách, hóa đơn, chứng từ và các tài liệu khác của đối tượng điều tra liên quan đến hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Kiểm tra thực tế nguyên liệu, vật tư, hàng hóa, tiền mặt tồn quĩ của đối tượng điều tra. Trường hợp phát hiện có dấu chuyển dịch, cất giấu nguyên liệu, vật tư, hàng hóa thì tổ chức điều tra được phép tạm giữ nguyên liệu, vật tư, hàng hóa phục vụ việc điều tra. Trưng cầu giám định.

Thời hạn tiến hành điều tra trốn thuế, gian lận thuế:

Thời hạn điều tra không quá 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định điều tra. Trong trường hợp cần thiết người ban hành quyết định điều tra có quyền gia hạn một lần, thời gian gia hạn không vượt quá 45 ngày.

(Trích dự thảo Luật quản lý thuế, dự kiến được QH thông qua vào cuối kỳ họp thứ 10 này)

MỚI - NÓNG