Nên có gói kích cầu 'bước đệm'

Nên có gói kích cầu 'bước đệm'
TP - Chưa đầy bốn tháng nữa, gói kích cầu hỗ trợ lãi suất ngắn hạn sẽ kết thúc. Chính phủ có tiếp tục gói này trong năm 2010 hay không?

Trước đề xuất của một số thành viên Hội đồng Tư vấn Tiền tệ, Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính, và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, phân tích sự cần thiết và hợp lý của gói kích cầu này.

Nên có gói kích cầu 'bước đệm' ảnh 1
Doanh nghiệp tư nhân cần lắm gói kích cầu giảm sốc (trong ảnh: Một nhà máy điện do tư nhân đầu tư ở Lào Cai). Ảnh: QT

Rà soát vốn đã rót

Ở Việt Nam, gói kích cầu thứ nhất trị giá một tỷ USD đã được Chính phủ thông qua. Tiếp đó, gói kích cầu thứ hai được công bố với quy mô lớn hơn (tổng cộng hai gói trị giá tám tỷ USD), cho vay dài hạn hơn (tới hai năm), điều kiện nới lỏng hơn và lĩnh vực cho vay cũng mở rộng hơn...

TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội đánh giá cao tác động tích cực của gói kích cầu, song cho rằng, sự lạm dụng, thiếu kiểm soát và sử dụng không hiệu quả các gói kích cầu có thể gây ra hệ luỵ tiêu cực như gia tăng gánh nặng nợ nần và các hiện tượng đầu cơ nóng.

Chưa kể, việc các tổ chức kinh tế lập dự án vay ảo để chiếm đoạt vốn hỗ trợ hoặc ngân hàng có thể nhũng nhiễu doanh nghiệp đòi ăn chia phần vốn hỗ trợ đó...

Hiệu quả đầu tư nhất là ở khu vực nhà nước chưa cao, thể hiện ở chỉ số ICOR (hệ số gia tăng vốn đầu tư toàn xã hội so với tăng trưởng kinh tế) ngày càng tăng. Hiệu quả nhiều dự án đầu tư thấp thậm chí bị âm.

Tại lĩnh vực xây dựng cơ bản, nơi được thụ hưởng một nguồn vốn lớn từ gói kích cầu, KS Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khái quát: “Các chính sách tài chính, tiền tệ đã phát huy hiệu quả đối với sản xuất kinh doanh nói chung và trong lĩnh vực xây dựng nói riêng. Tuy nhiên, cần có cuộc tổng kiểm tra rà soát các nguồn vốn này có được sử dụng đúng mục đích hay không?”.

Theo ông, vấn đề cần xem xét là trong khoản tiền rất lớn bù lãi suất này, có bao nhiêu trực tiếp cho sản xuất, bao nhiêu nằm lại ở khâu trung gian (ngân hàng, môi giới, chứng khoán, dịch vụ khác) bởi nếu không đánh giá đầy đủ, sẽ không có cơ sở khẳng định hiệu quả trong thời gian tới.

Quyết hướng nào?

“Nếu xét về hệ thống tài chính -tín dụng, thì thời điểm khó khăn nhất đã rơi vào quý 2/2008, còn tăng trưởng kinh tế khó khăn nhất cũng đã rơi vào quý 1/2009.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đúng khi thể hiện lo ngại về sự gia tăng trở lại của lạm phát.

Tuy nhiên, trường hợp Chính phủ Việt Nam nhận thấy sự phục hồi kinh tế thế giới diễn ra chậm chạp, thì việc đưa ra một gói kích cầu tiếp theo là điều nên làm.

Phần thời gian còn lại của năm nay và năm 2010 có thể xem là thời kỳ phục hồi, nên các chính sách kinh tế thực hiện vào thời kỳ này có ý nghĩa tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tăng tốc” - TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tiền tệ Quốc gia khẳng định tại hội thảo Chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế sau thời kỳ suy thoái”

Có nên tiếp tục gói kích cầu tiếp theo để làm bước đệm giảm sốc cho doanh nghiệp?

Tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn Tiền tệ ngày 13/8, mới có ba ý kiến đồng ý với đề xuất này. Không chỉ có các chuyên gia kinh tế mà hiện tại, doanh nghiệp, và ngân hàng, những người thụ hưởng cũng có ý kiến trái chiều.

Trong khi ông Thái Tuấn Chí - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Tuấn cho rằng, Chính phủ cần có gói kích cầu thứ hai với LS hỗ trợ thấp hơn và đối tượng tập trung hơn, để cơ cấu lại nền kinh tế, tránh để vốn kích cầu chảy vào các thị trường đầu cơ như chứng khoán, bất động sản thì một số doanh nghiệp bất động sản lại kiến nghị: “Chính phủ nên bỏ hỗ trợ lãi suất bởi nó đang tạo sự ỷ lại cũng như cạnh tranh không lành mạnh”.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc LienVietBank cho rằng, nên tiếp tục gói kích cầu và tập trung có chọn lọc cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu và nên thay đổi phương pháp kích cầu.

Tuy nhiên, theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, việc thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, nếu sử dụng dài hạn thì không làm tăng trưởng kinh tế, mà làm tăng lạm phát.

Ông Vũ Đình Ánh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giá cả Bộ Tài chính:

Đánh giá thực trạng mới nên quyết

Nên có gói kích cầu 'bước đệm' ảnh 2
Ông Vũ Đình Ánh
Năm 2007, tổng mức tăng trưởng tín dụng là 51 phần trăm; năm 2009 mức tăng cho phép là 30 phần trăm. Câu chuyện ở chỗ nếu cho vay tiếp đến thời hạn thanh toán mà doanh nghiệp chưa có để trả, bong bóng sẽ vỡ và tác động xấu lên hệ thống tài chính.

Các ý kiến trái chiều nhau về gói kích cầu mới thời gian này vẫn là cảm tính. Vấn đề là đã sắp hết quý 3/2009, từ nay đến cuối năm nền kinh tế Việt Nam sẽ đi đến đâu.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng trong khi doanh nghiệp vẫn kêu không bán được hàng, phải hạ giá. Thế thì CPI tăng vì cái gì? Trong rổ hàng hoá, có thể thấy nhóm vật liệu xây dựng tăng tới 8,65 phần trăm, gấp ba lần so với CPI.

Việc tăng giá của chỉ số này có sự góp phần của hai yếu tố: giá vật liệu xây dựng và giá của thị trường bất động sản tăng. Vậy có phải do chính sách kích cầu đầu tư bất động sản làm tác động hay không?

Với thời hạn cho gói kích cầu thứ nhất là 8 tháng, chúng ta cần phải chờ đến cuối năm đánh giá thực trạng hiệu quả xong mới có thể nói chính xác có cần thiết cho ra gói thứ hai hay không.

Theo tôi, nếu quyết định kích cầu phải có sự lựa chọn và loại ít nhất 10 phần trăm số doanh nghiệp yếu không đáng tồn tại.

Nhưng theo tôi ngay từ bây giờ, thay vì trông chờ vào gói kích cầu, doanh nghiệp phải đặt cho mình nhiệm vụ nếu không có gói hỗ trợ mình sẽ làm thế nào. Vấn đề ở chỗ khi kinh tế suy thoái chúng ta kích cầu trong khi nhiều doanh nghiệp lại cần kích cung.

MỚI - NÓNG