Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc:

Nền kinh tế có dấu hiệu khả quan

Nền kinh tế có dấu hiệu khả quan
TP - Trả lời về giải pháp và gói kích cầu nền kinh tế tại buổi chất vấn hôm qua, 20/3, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, các nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra bước đầu đã phát huy hiệu quả. Kinh tế quý I/2009 cũng đang khả quan.
Nền kinh tế có dấu hiệu khả quan ảnh 1

Bộ trưởng KH&ĐT Võ Hồng Phúc

Chất vấn Bộ trưởng Phúc, ĐB Lê Quang Hải (Hưng Yên) tỏ ra nghi ngờ: Việc sử dụng một tỷ USD hỗ trợ doanh nghiệp thông qua bù lãi suất thể hiện “kích cung hơn là kích cầu”?

Bộ trưởng Phúc đáp ngay: Chính phủ đã thực hiện hàng loạt biện pháp kích thích đầu tư, cho kéo dài thời gian thu hồi vốn, ứng vốn, phát hành trái phiếu Chính phủ. Còn kích thích tiêu dùng, thì đã thực hiện hỗ trợ người nghèo, hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt và một số chương trình khác…

Khó khăn lớn nhất là làm sao để doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa, Chính phủ quyết định dùng một tỷ USD để hỗ trợ vốn lưu động, giúp doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu. “Một tỷ USD không phải chỉ để kích cung mà thực tế kích cầu đã làm từ trước đó, đưa kích cung vào để đảm bảo cân bằng giữa tiêu dùng và việc sản xuất ra các mặt hàng” – Ông Phúc khẳng định.

ĐB Hải quay sang chất vấn: “Tại sao lại tăng giá điện vào thời điểm nhạy cảm. Chúng ta đang nỗ lực để làm giảm giá thành tăng sức cạnh tranh, sao lại tăng giá điện vốn là đầu vào của sản phẩm?”.

Bộ trưởng Phúc nói: Ngành điện đã có tính toán về giá. Ở đây phải xử lý cả vấn đề về giá điện, giá than, giá xi măng những mặt hàng liên quan tới các hoạt động sản xuất hàng thiết yếu. “Về phía các doanh nghiệp bị tác động bởi tăng giá điện, thì đã được miễn giảm thuế” – Ông Phúc giải thích.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đặt vấn đề, khi lương công chức chưa tăng, sao không sử dụng gói kích cầu này hỗ trợ? “Khoản 17 nghìn tỷ đồng là hỗ trợ khẩn cấp cho nền kinh tế và doanh nghiệp, nếu dùng trả lương thì sang năm tới sẽ lấy đâu để duy trì tiếp. Tăng lương phải căn cứ vào thu chi, cân đối hàng năm của ngân sách. Còn sử dụng gói này để làm gì, thì Chính phủ đã tính toán, quyết định là hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp” – Ông Phúc nói.

Việt Nam là một trong 12 nước tăng trưởng kinh tế dương quý I/2009

Trả lời về việc sử dụng gói kích cầu sẽ khiến ngân sách thâm hụt bao nhiêu? Gói kích cầu đã tác động thế nào đến nền kinh tế? Bộ trưởng Phúc cho biết: “Chính phủ sẽ xem lại vấn đề ngân sách của quí I/2009 cũng như của cả năm để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng năm tới.

Còn về hiệu quả, gói kích cầu này được thực hiện chưa lâu và mới cho vay được 150 nghìn tỷ đồng, trong tổng số dự kiến là 600 nghìn tỷ đồng, nên việc đánh giá tác động, hiệu quả cần phải có kiểm nghiệm thêm. Tuy nhiên, việc giải ngân chắc chắn sẽ đạt chỉ tiêu”.

Bộ trưởng Phúc nhận định, với tất cả các giải pháp Chính phủ thực hiện, tình hình kinh tế trong quí I đã tương đối khả quan. “Chỉ số GDP, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) của chúng ta trong điều kiện kinh tế thế giới hiện nay cho thấy kinh tế của chúng ta là khả quan. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, trong hơn 170 nước được thống kê, chỉ có 12 nước kinh tế tăng trưởng dương, trong đó có Việt Nam”- Bộ trưởng Phúc phân tích.

Theo Bộ trưởng Phúc, Chính phủ cũng đã có các nguồn vốn, chương trình đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Ở những địa phương không đủ kinh phí cân đối, Chính phủ sẽ cấp toàn bộ. 

Không vi phạm WTO

Trả lời đại biểu việc hỗ trợ lãi suất 4 phần trăm có vi phạm các cam kết với WTO, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, nói: Chính phủ đã xem xét tất cả các khía cạnh và thấy rằng, hỗ trợ lãi suất 4 phần trăm cho các doanh nghiệp không vi phạm cam kết WTO. Trong tình hình khẩn cấp, các nước đều có quyền thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho mình. Chính phủ thực hiện gói kích cầu  đúng qui trình và sẽ báo cáo Quốc hội ở kỳ họp tới.

MỚI - NÓNG