Nền kinh tế sẽ lãnh đủ vì độc quyền

Nền kinh tế sẽ lãnh đủ vì độc quyền
Sự kiện đáng chú ý trong tuần vừa rồi là vụ vướng mắc kết nối giữa Tập đoàn Bưu chính - viễn thông VN (VNPT) và Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom).
Nền kinh tế sẽ lãnh đủ vì độc quyền ảnh 1

Năm ngoái, một vụ việc tương tự đã từng xuất hiện giữa Tổng công ty Viễn thông quân đội (Viettel) cũng với chính VNPT.

Về việc này, Bà Phạm Chi lan, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, than thở: “Đến bây giờ, mở cửa cạnh tranh rồi mà các đơn vị trong nước vẫn cứ chèn ép nhau thì làm sao có thể đạt được mục tiêu xây dựng, cải thiện năng lực cạnh tranh của VN để phát triển?”-

Thưa bà, đã có “trọng tài”, có qui chế rõ ràng về vấn đề kết nối mà vướng mắc vẫn xuất hiện. Theo bà là vì sao?

Tôi nghĩ do VNPT đã có thời gian dài sống quen với độc quyền nên không dễ dàng từ bỏ nó để chấp nhận cạnh tranh mới. Nếu Nhà nước chủ trương phá thế độc quyền thì họ lại tìm cách làm sao để những đối thủ cạnh tranh ở vị thế kém cạnh tranh nhất. Như thế, dù về mặt hình thức họ không còn giữ độc quyền nhưng trên thực tế vẫn có thể buộc đối thủ mới phải lệ thuộc vào họ về nhiều mặt.

Ở đây, không chỉ những doanh nghiệp mới đi vào cạnh tranh như EVN Telecom gặp khó khăn mà kể cả những doanh nghiệp đã tham gia cạnh tranh trong thời gian dài hơn như Viettel cũng gặp khó khăn tương tự. Điều đó chứng tỏ phá thế độc quyền hoàn toàn không đơn giản, nhất là khi bản thân VNPT không ý thức được rằng bỏ độc quyền không phải làm cho họ thua thiệt mà cạnh tranh sẽ thúc đẩy họ mạnh hơn. Họ không hiểu rằng sự độc quyền của họ là cái được cho chứ không phải cái họ tài giỏi xây dựng được.

Bà dự báo thế nào về thị trường viễn thông VN nếu tiếp tục có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh như hiện nay?

Tôi nghĩ các đơn vị trong ngành cũng như Bộ Bưu chính - viễn thông đều biết rõ là chúng ta đã cam kết gia nhập WTO và thị trường viễn thông sẽ mở cửa. Thời gian không còn dài mà những vụ việc như thế cứ kéo dài từ năm này sang năm khác thì nó sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Thứ nhất, bản thân ngành viễn thông VN không thể mạnh lên được nếu chỉ lo cạnh tranh bằng cách kiềm chế nhau, gây khó cho nhau. Như thế sẽ không tự củng cố được năng lực của mình. Khi mở cửa cạnh tranh với đối thủ mạnh hơn rất nhiều từ bên ngoài, chúng ta chắc chắn sẽ ở thế yếu.

Một trong những mục tiêu quan trọng mà Nhà nước chủ trương phá thế độc quyền trong một số ngành là muốn tạo cạnh tranh để các doanh nghiệp VN cùng nhau lớn mạnh, sẵn sàng đối phó với cạnh tranh dữ dội hơn rất nhiều từ bên ngoài vào.

Thứ hai, khi chúng ta hội nhập quốc tế, nếu các doanh nghiệp viễn thông bên ngoài được phép hoạt động ở VN và họ gặp phải tình trạng tương tự thế này thì ngay lập tức họ sẽ đưa ra những khiếu kiện ở WTO hoặc ở những tầm khác và VN sẽ mất uy tín rất lớn.

Những chiêu cạnh tranh không lành mạnh hiện nay sẽ gây tác động đến người tiêu dùng. Trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, người tiêu dùng bao giờ cũng được hưởng lợi (từ các sản phẩm tốt hơn, dịch vụ tốt hơn, có thêm nhiều lựa chọn, giá cả phù hợp). Cạnh tranh không lành mạnh sẽ làm khổ những người tiêu dùng nghèo trước tiên.

Trong khi đó các doanh nghiệp VN lại cần phải quan tâm đến đối tượng thu nhập thấp vì đấy là tương lai lớn nhất của thị trường sau này. Các nước đánh giá cao VN về tốc độ mở rộng thị trường vì người ta nhìn vào số lượng đông đảo người tiêu dùng ở VN và người ta tin tưởng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, tình trạng xóa đói giảm nghèo tốt, thị trường sẽ mở rộng.

Trong mối quan hệ giữa các doanh nghiệp viễn thông có một thực tế là doanh nghiệp mới sẽ luôn phải phụ thuộc vào VNPT bởi họ sẽ phải kết nối vào mạng lưới của VNPT, nên nhiều doanh nghiệp đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” khi có vướng mắc giữa hai bên?

Các đơn vị mới không nên “ngậm” vì nếu không cương quyết tạo nên trật tự tốt hơn, một lẽ công bằng chung cho thị trường thì không hay chút nào.

Nếu họ chấp nhận thỏa hiệp, nhượng bộ, chịu lép vế sẽ làm cho sự cạnh tranh trên thị trường viễn thông VN méo mó đi và cũng không tốt ngay cho bản thân VNPT. Không nên chấp nhận sống chung với cạnh tranh không công bằng.

Thưa bà, do vẫn còn những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh nên mới cần đến một ông trọng tài?

Bộ Bưu chính - viễn thông cần nghiêm minh trong những quyết định về việc kết nối và phải thể hiện thái độ hỗ trợ nhiều hơn đối với những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường chứ không phải để tạo tai tiếng là bênh vực cho “con đẻ” VNPT. Như vậy các doanh nghiệp mới chắc chắn sẽ đặt câu hỏi về năng lực điều hành và xử lý của bộ. Ở đây chỉ có thể là năng lực kém, hoặc có thiên vị cho đơn vị độc quyền.

Thưa bà, câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh này có lẽ cũng không quá hiếm ở các lĩnh vực khác?

Trong ngành hàng không cũng có câu chuyện không hay giữa VN Airlines và Pacific Airlines mà cho đến giờ vẫn chưa chấm dứt. Bản thân ngành điện bây giờ có EVN Telecom (phải đi vào cạnh tranh khó khăn với một đơn vị độc quyền khác) nhưng có lẽ họ cũng chưa giác ngộ ra rằng với tư cách độc quyền, họ đã làm khó cho người tiêu dùng biết bao nhiêu trong thời gian qua.

Tôi vẫn tin cạnh tranh là công cụ tốt để phát triển kinh tế. Nhà nước không nên kéo dài quá lâu tình trạng độc quyền trong một số ngành để tạo thành nếp không hay và khi bỏ độc quyền thì quá trình đó diễn ra rất khó nhọc.

Trong tương lai, VN cần có dăm bảy đại gia trong mỗi lĩnh vực chứ không phải một đại gia như hiện nay vì một đại gia của VN cũng rất nhỏ so với các đại gia khác bên ngoài, rất dễ bị bóp chết hoặc bị lép vế. Nếu chúng ta có vài đại gia biết liên kết với nhau thì sẽ mạnh hơn trong cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài khi hội nhập WTO.

Một trong những đơn vị được giao trọng trách giám sát thị trường là Cục Quản lý cạnh tranh. Bà đánh giá thế nào về vai trò trọng tài của đơn vị này?

Cục Quản lý cạnh tranh có vai trò rất lớn, rất quan trọng trong việc thiết lập trật tự về cạnh tranh tại VN. Hiện nay, mức độ cạnh tranh ở thị trường VN đã có những trường hợp không lành mạnh nhưng độ phức tạp sẽ không so sánh được với tương lai khi có cạnh tranh từ bên ngoài vào và việc xử lý vượt ra khỏi tầm luật pháp của VN.

Cho nên ngay từ bây giờ cục phải làm tốt công việc tập dượt của mình. Năm ngoái khi xảy ra vướng mắc giữa Viettel với VNPT, tôi cũng hỏi thì lập trường của cục là khi có doanh nghiệp lên tiếng hay đề nghị thì mới xem xét. Tôi cho rằng cục có thể chủ động thổi còi và không cần ai lên tiếng cục vẫn có thể chủ động loại bỏ hành vi cạnh tranh không lành mạnh đó.

Nếu cục ngồi yên hoặc đứng bên ngoài thì đơn vị phạm luật sẽ coi thường cục và coi thường cả luật pháp. Lâu nay thường thấy các cơ quan nhà nước hăng hái trong việc “thổi còi” các doanh nghiệp không phải là ruột, là “con đẻ” của mình. Chính vì thế, việc này làm giảm lòng tin của xã hội đối với các cơ quan nhà nước về tính công bằng, khách quan.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.