Nên mang hàng trực tiếp cho người nghèo

Gạo bình ổn giá bán tại siêu thị Intimex
Gạo bình ổn giá bán tại siêu thị Intimex
TP - TS Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho biết, ở TPHCM doanh nghiệp mang hàng vào tận các khu công nghiệp bán cho công nhân, còn ở Hà Nội, bán hàng bình ổn giá ở các siêu thị thì dân nghèo ít khi vào.
Gạo bình ổn giá bán tại siêu thị Intimex
Gạo bình ổn giá bán tại siêu thị Intimex.

Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán đang tới gần, Sở Công Thương Hà Nội đã yêu cầu Tổng Cty Lương thực miền Bắc chuẩn bị 2.600 tấn gạo các loại, Cty Xăng dầu khu vực I dự trữ 40 triệu lít xăng dầu. Tổng Cty Thương mại và các đơn vị thành viên dự kiến dự trữ 17 mặt hàng gồm: gần 500 tấn thịt lợn, thịt bò, thịt gia cầm các loại; 860 nghìn trứng gia cầm; 2.568 tấn thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến; 3.220 nghìn lít dầu ăn; 1.700 nghìn chai (lon) rượu, bia, nước ngọt; 570 tấn bánh mứt kẹo và 500 tấn rau củ quả các loại... với tổng giá trị khoảng 785 tỷ đồng.

Các trung tâm thương mại, siêu thị như Metro, Big C, Intimex, Fivimart, Co.op mart dự trữ đầy đủ các loại hàng thiết yếu phục vụ Tết với tổng tiền hàng trên 1.200 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng nói: “Để tránh việc nâng giá, Sở đã yêu cầu với mặt hàng thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn và thịt gà, các đơn vị tham gia bình ổn một tuần phải đăng ký giá. Khi đầu vào có sự biến động, doanh nghiệp sẽ được nâng giá khi có sự đồng ý. Các mặt hàng khác thì 1 tháng/lần”.

Theo ông Đồng, nhằm bình ổn giá cả thị trường, Sở cũng yêu cầu doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá mở rộng mạng lưới, điểm bán hàng tại các khu vực đông dân cư, chợ và vùng nông thôn ngoại thành; tổ chức các chuyến bán hàng bình ổn lưu động về khu vực ngoại thành, khu đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất... đặc biệt trong thời điểm có biến động về giá để người dân trên địa bàn Thủ đô đều được hưởng chương trình bình ổn giá của thành phố.

Sở cũng tiếp tục chỉ đạo doanh nghiệp tổ chức các chuyến bán hàng nông thôn, tổ chức phiên chợ hàng Việt Nam để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân khu vực ngoại thành. Đặc biệt, Sở sẽ phối hợp với UBND các huyện lựa chọn các điểm để doanh nghiệp vào bán hàng phục vụ Tết tại 13 xã miền núi.

Cần cách làm khác

TS Nguyễn Minh Phong (Viện nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, chương trình bình ổn giá do Hà Nội và TPHCM làm nhằm mục đích giảm giá, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là cách làm rất tốt nhưng có hạn chế là những điểm bình ổn giá của Hà Nội không nhiều nên tạo ra tình trạng hai giá. Việc bình ổn giá dễ bị lạm dụng khi một số tiểu thương đến các điểm bình ổn giá mua vét hàng để về bán lại với giá cao hơn. Khi đó, mục tiêu bình ổn giá không đạt được.

Việc bình ổn giá phụ thuộc ngân sách, cấp nhiều mới làm được dài. Nếu có ít vốn thì chỉ làm ngắn với một vài mặt hàng. Khi hết tiền thì giá lại lên như cũ. Theo TS Phong, trong thực tế, hàng bình ổn giá chỉ tác động 10% tổng thị trường nhưng đây là động tác cần thiết về mặt tâm lý.

“Hiệu quả bình ổn giá còn phụ thuộc vào cách làm của các đơn vị. Như ở TPHCM, họ mang vào tận các khu công nghiệp bán cho công nhân. Còn bán ở siêu thị thì dân nghèo ít khi vào. Người giàu vào siêu thị mua hàng bình ổn thì thực ra cũng không phải mục tiêu của họ. Hà Nội đã có khuyến nghị các đơn vị mở rộng địa điểm. Theo tôi, hiệu quả hơn thì có thể lập các điểm bán di động tại các khu có đông sinh viên, khu ký túc xá, các khu tập thể của người có thu nhập thấp. Làm như vậy mới đúng mục tiêu bình ổn giá”, ông Phong nói.

Theo dự báo của Sở Công Thương Hà Nội, do dịch tai xanh trên lợn liên tục bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước, các tỉnh miền Trung bị thiệt hại lớn bởi lũ, nguồn giống gia súc, gia cầm trong cả nước đang khan hiếm, nên công tác tái đàn bị ảnh hưởng không nhỏ.

Cùng với đó, nhu cầu phực phẩm sẽ tăng cao vào cuối năm, giá thức ăn chăn nuôi tăng, cộng với tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch thịt lợn sang Trung Quốc nên dự báo giá thực phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn tăng từ 15-20% so với Tết năm ngoái.

Tại các chợ đầu mối rau quả ở Hà Nội như Long Biên, Dịch Vọng, giá nhiều loại rau quả có xu hướng giảm từ vài trăm đồng đến 1.000 đồng/kg. Giá một số loại rau họ cải đã giảm khá mạnh so với một tuần trước do thời tiết ấm và vào chính vụ những ngày qua.

Tuy nhiên, tại các chợ bán lẻ, chợ cóc trên địa bàn Hà Nội, giá vẫn cao, thậm chí còn tăng giá so với tuần trước. Mức tăng cao nhất nằm ở các loại củ, quả như khoai tây tăng 3.000 đồng/kg, cà rốt, ớt, su hào, hành tỏi khô tăng từ 2.000-3.000 đồng/kg. Nhiều mặt hàng, rau củ có mức chênh 15-20% so với giá ở chợ bán buôn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG