Ngân hàng Chính sách: 5 năm gắn bó “lõi” nghèo Tây Bắc

5 năm qua, hơn 318 nghìn hộ đã thoát nghèo nhờ khởi nguồn bằng đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách.
5 năm qua, hơn 318 nghìn hộ đã thoát nghèo nhờ khởi nguồn bằng đồng vốn vay Ngân hàng Chính sách.
TP - Được xác định là “lõi” nghèo của cả nước, trong những năm qua, Tây Bắc luôn được Đảng, Nhà nước ưu tiên phát triển kinh tế, xoá đói  giảm nghèo. Vốn tín dụng chính sách thực hiện tại vùng giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần giúp trên 318 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Giai đoạn tới, tín dụng chính sách được xác định tiếp tục đóng vai trò quan trọng.

Chúng tôi biết ơn đồng vốn chính sách

Hội nghị tổng kết 5 năm tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Bắc diễn ra tại Lào Cai sáng 21/9. Không chỉ nhìn lại quá trình tham gia vào xoá đói giảm nghèo 5 năm qua, tại hội nghị, các đại biểu đã bàn thấu đáo đến thực trạng các tỉnh, huyện nghèo Tây Bắc và cách thức làm sao phát triển kinh tế, giảm tối đa tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn tới.

Giang Mí Páo sinh năm 1986 đến từ thôn Xín Suối Hồ, xã Cán Tỷ, (huyện Quản Bạ, Hà Giang) trình bày trước hội nghị với chất giọng của người Mông nói tiếng Kinh còn chưa sõi hết, Giàng Mí Páo nhớ lại giai đoạn khó khăn năm 2008, cha bị bệnh mất gia đình đói phải chạy ăn từng bữa. Rồi sau đó, hai vợ chồng trẻ ra ở riêng không có gì ngoài 600 mét đất vừa gieo ngô, trồng lúa.

Năm 2010, chàng thanh niên quyết định khởi nghiệp bằng vay vốn 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách để trồng lúa năng suất cao làm ruộng bậc thang; năm 2011 vay tiếp 15 triệu lên Mèo Vạc, Đồng Văn tìm giống tốt nuôi bò; rồi dần dần khi đàn bò đã phát triển lên; đến năm 2016, nhà anh Páo lại vay tiếp để mở cửa hàng kinh doanh điện tử. Đến nay, chàng trai dân tộc Mông đã mua được cả ô tô chở hàng. “Nhờ có đồng vốn vay NHCS gia đình tôi đã có công ăn việc làm, thu nhập đời sống mới khấm khá, tôi rất biết ơn ngân hàng”, anh Páo cảm động nói. Hồi hộp xúc động, chị Cà Thị Nghĩa, tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm  bản Huổi Ôm , xã Ẳng Tở, Mường Áng, Điện Biên cũng đã đem đến lời cảm ơn chân thành của không chỉ cá nhân gia đình chị mà của hàng chục phụ nữ tổ vay vốn. Theo lời chị Nghĩa, cũng nhờ “khởi đầu” từ những đồng vốn của NHCS, những người phụ nữ cả đời không ra khỏi thôn bản đã học và biết làm kinh tế như nuôi lợn, nuôi bò, buôn bán nhỏ. Từ đó, kéo nhau lớn dần thành những tổ vay vốn làm ăn hiệu quả.  “NHCS đã đồng hành giúp chúng tôi thoát nghèo, chúng tôi thực sự biết ơn”, chị Nghĩa nói.

Giúp 310 nghìn hộ thoát nghèo

Báo cáo nhìn lại giai đoạn 5 năm từ 2011-2015, Tổng giám đốc NHCS Dương Quyết Thắng cho biết: Thông qua 2.528 điểm giao dịch đặt tại các trụ sở UBND cấp xã, NHCSXH đã triển khai gần 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án nhận ủy thác cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách.  Cụ thể, từ năm 2011 đến nay, đã có trên 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn từ NHCSXH, trong đó, có trên 1,5 triệu hộ là đồng bào dân tộc được vay vốn; với doanh số cho vay đạt 44.917 tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách thực hiện tại vùng trong giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần giúp trên 318 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho gần 114 nghìn lao động.

Thời gian tới, xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân cho NHCSXH  là 14-15%/năm. Phải đảm bảo vốn cho khu vực Tây Bắc cao hơn cả nước; làm sao để người nghèo và hộ cận nghèo đủ điều kiện được tiếp cận vốn vay. 

Thống đốc Lê Minh Hưng

Đến ngày 31/8/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 32.194 tỷ đồng, hiện có trên 1,2 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 của vùng Tây Bắc là 12,6%, cao hơn bình quân chung toàn quốc là 2,8%; Tỷ lệ nợ quá hạn của vùng chỉ chiếm 0,25% trên tổng dư nợ, thấp hơn bình quân chung của toàn hệ thống.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng thừa nhận tuy đạt được những kết quả tích cực, nhưng hoạt động tín dụng chính sách vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững (tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vùng Tây Bắc còn cao gấp 3 lần cả nước); nguồn vốn địa phương của các tỉnh trong vùng Tây Bắc dành để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn còn hạn chế; việc phối hợp với hoạt động khuyến nông và tiêu thụ sản phẩm chưa tốt; ngoài ra những điều kiện khắc nghiệt của vùng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống và hiệu quả sử dụng vốn tín dụng của hộ vay.

Bàn cách gọi vốn cho Tây Bắc

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc -  Nguyễn Văn Bình đã nhấn mạnh: Vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức như có 45/64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; tỷ lệ hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao (tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 - 2015 chiếm 34,58%), diện cận nghèo và tái nghèo lớn... Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc cũng nhấn mạnh trong 5 nhiệm vụ của Tây Bắc thời gian tới, nhiệm vụ đầu tiên là xoá đói giảm nghèo. Cụ thể, ông yêu cầu ngành ngân hàng và NHCS tăng cường đầu tư tín dụng cho Tây Bắc thời gian tới. “Hiện không một nước nào trên thế giới có cỡ vốn xấp xỉ 7 tỷ USD thường xuyên ổn định để cho người nghèo vay như mô hình NHCS tại Việt Nam. Thời gian tôi làm Thống đốc, thiếu vốn cho NHTM nào bàn sau, nhưng vốn cho NHCSXH bao giờ cũng đủ”, ông Bình chia sẻ. Ông cho rằng cần xây dựng cơ chế xoá đói giảm nghèo đặc thù cho Tây Bắc, vùng lõi nghèo của cả nước.

Trăn trở tìm nguồn vốn cho NHCSXH để hỗ trợ Tây Bắc nhiều hơn, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, Chủ tịch NHCSXH cũng cho rằng: Tốc độ tăng trưởng dư nợ của Tây Bắc là 12% cao hơn dư nợ bình quân của cả nước cho thấy sự ưu tiên của NHCSXH”, Thống đốc Hưng nói. Cùng đó, Thống đốc cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới NHNN sẽ hỗ trợ NHCSXH để hỗ trợ huy động có nguồn vốn.  “Hôm nay NHNH đã mời 4 NHTMNN đã đồng hành với NHCS thời gian qua. Tổng nguồn vốn của NHCS mua trái phiếu, đã đạt hơn 80 ngàn tỷ chiếm 50% tổng dư nợ cho vay trong đó bao gồm tiền gửi 2% của 4 NHTMNN và mua trái phiếu bắt buộc do NHCS phát hành của các NH này; NHNN cũng kiên quyết chỉ đạo 4 NHTMNN phải duy trì tiền gửi 2% tại NHCSXH. NHNN cũng tạo điều kiện cho NHCS phát hành trái phiếu; tiếp tục ưu tiên tập trung vốn cho lĩnh vực công nghiệp nông thôn”, Thống đốc nói. Đặc biệt, Thống đốc yêu cầu NHCSXH cần tập trung một số nhiệm vụ như: xác định mục tiêu tăng trưởng tín dụng bình quân 14-15%/năm; đảm bảo vốn cho khu vực Tây Bắc cao hơn cả nước; người nghèo; hộ cận nghèo đủ điều kiện được tiếp cận vốn vay; nghiên cứu rà soát nhằm phát hiện bất cập trong quá trình thực hiện tín dụng ưu đãi đề xuất với Chính phủ để có những điều chỉnh để đáp ứng CSXH trong thời gian tới. 

Nhân lễ tổng kết 5 năm chính sách tín dụng Tây Bắc, chiều 21/9, Ban chỉ đạo Tây Bắc đã đến thăm và trao quà tại Trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai. Tại đây thay mặt Ban chỉ đạo Tây Bắc, ông Nguyễn Văn Bình đã trao tặng Trung tâm số tiền 200 triệu đồng. Cùng đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng trao tặng quà của Ngân hàng Chính sách cho 87 em nhỏ đang sống tại đây.

MỚI - NÓNG