Ngân hàng 'dè dặt' công bố lợi nhuận

Ngân hàng 'dè dặt' công bố lợi nhuận
TP - Thay cho những con số cao ngất ngư cùng thời điểm này năm ngoái, đến thời điểm này, khối nhà băng đang khá dè dặt khi công bố lợi nhuận. Những khó khăn của nền kinh tế, nợ xấu, tăng trưởng tín dụng giảm bắt đầu “đè” lên hoạt động kinh doanh khối ngân hàng.

> Thực hư lãi khủng ngân hàng

Hết thời hoàng kim?

DongABank trở thành ngân hàng đầu tiên công bố lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2012 (bao gồm các công ty trực thuộc) đạt 1.042 tỷ đồng, hoàn thành 69,48% kế hoạch năm.

Luôn có mức tăng trưởng lợi nhuận khá, nhưng trước bối cảnh khó khăn chung của ngành nên lợi nhuận trước thuế 9 tháng của Eximbank đạt 2.417 tỷ đồng, bằng 52,5% chỉ tiêu 4.600 tỷ đồng cả năm 2012.

Còn tại Sacombank, mặc dù là ngân hàng công bố lợi nhuận trước thuế cao nhất đến thời điểm này sau 9 tháng đạt 4.222 tỷ đồng nhưng sau khi đã trích lập dự phòng rủi ro 2.563 tỷ đồng... thì chỉ đạt 3/4 kế hoạch năm về lợi nhuận tương đương mức 2.107 tỷ đồng.

Quý 3 năm nay, Techcombank chỉ đạt lợi nhuận 452,57 tỷ đồng, giảm 26,9% so với quý 3-2011.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính 9 tháng của Masan, lợi nhuận của Techcombank giảm trong quý 3 chủ yếu do môi trường kinh doanh không thuận lợi.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB tiết lộ trong một vài ngày tới ngân hàng này sẽ công bố kết quả kinh doanh quý III. Dù chưa công bố cụ thể nhưng ông Tùng cũng thừa nhận không thể như mong đợi.

Nếu như những năm trước vàng và ngoại hối là khoản thu góp phần không nhỏ mang đến lợi nhuận của nhiều nhà băng thì năm nay mảng kinh doanh vàng đang thực sự gây mối thiệt hại lớn.

Điển hình như Ngân hàng Á Châu (ACB) theo nguồn tin lãnh đạo ngân hàng này vừa tiết lộ, tính đến thời điểm quý 3-2012 báo cáo tài chính ghi nhận lỗ 1.251 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh vàng, khiến lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm chỉ còn 1.187 tỷ đồng.

Theo lý giải của một số ngân hàng việc hạ lãi suất đồng loạt các khoản vay cũ về tối đa 15%/năm ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận.

Tính đến 30-8, mức lãi suất trên 15%/năm chỉ còn chiếm tỷ trọng 22,7% tổng dư nợ của nhóm chiếm 90% thị phần tín dụng.

Theo đó, phần lợi nhuận mà các ngân hàng bị hao hụt đi là đáng kể. Với các NH quy mô vừa và nhỏ thì con số lợi nhuận mất đi từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, còn với ngân hàng lớn thì có thể lên hàng nghìn tỷ đồng. Một yếu tố nữa khiến cho lợi nhuận ngân hàng sụt giảm là nợ xấu tăng.

Lợi nhuận ngân hàng trở thành điều khó ăn nói với cổ đông nhất lúc này, lãnh đạo một NHTMCP cho biết. Theo ông, trong thời gian qua do thị trường gặp khó nên nhiều khoản nợ không thu hồi được vốn dẫn đến nợ xấu tăng ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

“Hoạt động kinh doanh tiền tệ hết sức khó khăn, các ngân hàng chỉ mong thu hồi được nợ chứ không dám nghĩ đến tiền lời thu từ khoản vay”- ông này bày tỏ.

Lãnh đạo một NHTMCP cỡ vừa khác cũng chia sẻ tâm trạng bị ám ảnh bởi bài toán lợi nhuận bởi đây là nhiệm vụ khó như “vắt cổ chày ra nước” với tất cả các nhà băng.

“Hoạt động cho vay dự báo tiếp tục gặp nhiều khó khăn, mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm, sức hấp thụ vốn của DN ngày càng yếu. Việc cân đối bài toán lợi nhuận đáp ứng kỳ vọng cổ đông khiến chúng tôi đau đầu. Thậm chí, để cân đối lợi nhuận, nhiều khi phải tiết giảm chi phí, trả lương nhân viên, điều này khiến chúng tôi đau lòng”. - ông này nói.

Giảm lãi, tự cứu mình

Theo chuyên gia ngân hàng, TS Cấn Văn Lực, với những khó khăn chung chắc chắn các ngân hàng khó có thể đạt được lợi nhuận theo kỳ vọng. Do vậy, thay vì bằng mọi giá chạy theo con số lợi nhuận, các ngân hàng nên tự nhìn lại chính mình, thực hiện phương án chia sẻ khó khăn cùng DN. Bởi nếu DN “chết” thì ngân hàng khó có thể trụ được.

TS Cấn Văn Lực cho rằng, ngân hàng phải thay cơ cấu lại hoạt động của mình theo hướng nâng cao về chất; củng cố hệ thống quản trị... Một giải pháp truyền thống nhưng hiệu quả là giảm chi phí, tăng năng suất lao động...

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cũng khẳng định ngân hàng này sẽ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh theo hướng tăng phần trích lập dự phòng rủi ro ( cao hơn quy định). Ví dụ quy định đề nghị trích 1 phần thì ngân hàng trích 2 - 3 lần.

Lý giải điều này, ông Tùng cho hay, do dự báo về kinh tế chưa khả quan, nên ngân hàng muốn có sẵn quỹ dự trữ để xử lý rủi ro khi thị trường có biến động phức tạp. Điều đó có nghĩa là lợi nhuận của ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm nhiều.

Ông Tùng phân tích: Trên thực tế, nợ xấu đến quý III/2012 vẫn là ẩn số. Bởi nó phụ thuộc nhiều vào sự tuân thủ trong phân loại và trích lập dự phòng của mỗi TCTD. Nếu thực hiện không nghiêm túc, nợ xấu về bản chất là thực, còn lợi nhuận công bố lại là ảo. Đây là điều các ngân hàng cần phải quan tâm. Bởi việc chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá như trước đây đang khiến không ít ngân hàng phải vật lộn giải quyết hậu quả.

Một chuyên gia ngân hàng khác thì đề xuất, để tăng được tín dụng các ngân hàng đã đẩy mạnh vào những lĩnh vực được Chính phủ, NHNN khuyến khích.

"Với phương án này có thể lợi nhuận biên họ thu được ở những nhóm đối tượng này sẽ thấp (theo thông tư 14 của NHNN là lãi suất huy động cộng tối đa 3%). Nhưng ngân hàng sẽ có điều kiện lựa chọn được những khách hàng tốt hơn, rủi ro thấp hơn. Như vậy lợi nhuận ngân hàng có thể giảm về “lượng”, nhưng sẽ tăng về “chất”. Đó cũng là giải pháp không tồi trong bối cảnh hiện nay"- chuyên gia này khẳng định.

Trả giá lỗ từ huy động vàng

Giới thạo tin nhẩm tính rằng “sao quả tạ” về kinh doanh vàng năm nay không chỉ “chiếu” mỗi ACB mà còn là các ngân hàng khác đã trót tung hoành huy động và cho vay vàng.

“Thời điểm giá vàng lên ngưỡng 42 triệu đồng/lượng, nhiều ngân hàng đã mạnh tay bán vàng đi cho vay tiền đồng. Trước sức ép của NHNN về hạn mốc ngày 25-11 phải đóng cửa trạng thái cho vay- huy động, các ngân hàng phải “cắn răng” mua trả chấp nhận một khoản tiền lỗ không nhỏ. “Hiện có đến 1/2 các NHTM đã cân đối trạng thái tương đối ổn. Về khả năng gia hạn NHNN vẫn đang xem xét nhưng dù thế nào, dứt khoát các NHTM phải chấp nhận gánh lỗ mà mua bù cho đủ, đó là cái giá cho họ phải trả”- một nguồn tin từ NHNN cho biết.

Liên quan đến lợi nhuận ngân hàng, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LVPB) lưu ý về khả năng nhiều ngân hàng sẽ phải điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận năm 2012 theo hướng giảm đi, chưa kể sẽ có những ngân hàng lợi nhuận âm (tức lỗ).

Riêng với LVPB, ông Hưởng cho biết kết quả kinh doanh năm 2012 ngân hàng có thể cán đích đề ra (1.300 tỷ đồng). Lý do chính LVPB là ngân hàng mới thành lập, khách hàng tập trung nhiều vào các doanh nghiệp tốt nên không có nợ xấu. Ông Hưởng lưu ý, năm nay và cả năm sau sẽ là một năm đầy khó khăn.

“Trong bối cảnh này, hầu hết HĐQT các nhà băng và cổ đông đều hiểu và cảm thông, có thể tính toán giảm các chỉ tiêu lợi nhuận”- ông Hưởng nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.