Ngân hàng dồn dập tăng vốn

Ngân hàng dồn dập tăng vốn
Hàng loạt ngân hàng (NH) cổ phần (CP) tăng vốn điều lệ khiến nhà đầu tư phải "căng người" ra để có tiền tiếp tục mua thêm cổ phiếu. Thế nhưng, không mua thì không được vì ai cũng muốn sở hữu cổ phiếu của ngành này.
Ngân hàng dồn dập tăng vốn ảnh 1

Các NH tăng vốn vì nhiều lý do: tăng vốn để đạt được mức qui định của Nhà nước về vốn điều lệ tối thiểu đối với một NH CP; tăng vốn để có được lượng vốn lớn trước khi bán CP cho đối tác chiến lược; tăng vốn để mở rộng qui mô hoạt động...

Phải tăng vốn

Dẫn đầu trong "cuộc đua" này là NH CP An Bình, với hơn 1.800 tỉ đồng. Các NH còn lại có khối lượng phát hành thấp nhất cũng hơn 200 tỉ đồng và cao nhất lên tới 1.000 tỉ đồng, trong đó mức phổ biến nhất là 500 tỉ đồng mệnh giá.

Với giá phát hành của hầu hết các loại CP này đều gấp 3-6 lần mệnh giá, số vốn thu hút của mỗi NH thấp nhất xấp xỉ 1.000 tỉ đồng và cao nhất lên tới 2.000-3.000 tỉ đồng.

Giám đốc một NH cho biết việc phát hành CP tăng vốn được lên kế hoạch ngay từ đầu năm và đã được cổ đông thông qua. Do đó, dù muốn hay không các NH cũng phải thực hiện đúng những gì đã cam kết với cổ đông.

"Ngoài mục tiêu đáp ứng yêu cầu tăng khả năng huy động vốn và mở rộng mạng lưới chi nhánh, việc tăng vốn còn giúp NH thể hiện năng lực tài chính, đảm bảo đủ khả năng giao dịch với những khách hàng lớn" - vị giám đốc này nói.

Theo vị giám đốc này, muốn nâng khả năng cạnh tranh các NH không chỉ đầu tư công nghệ mà còn phải mở rộng mạng lưới chi nhánh, trong khi mỗi chi nhánh mới đều phải đáp ứng yêu cầu tối thiểu số vốn khá lớn.

Đặc biệt, các NH với qui mô vốn nhỏ hầu như không có cơ hội tiếp cận được với khách hàng có nhu cầu vay một lượng vốn  lớn, do vướng qui định NH không được cho một khách hàng vay vượt quá 15% vốn tự có. Chưa hết, hiện nay các NH cũng cần chuẩn bị một lượng vốn đủ để đáp ứng nhu cầu vay vốn đáng kể nhằm phục vụ mục đích vay vốn kinh doanh vào thời điểm cuối năm của các doanh nghiệp.

Sức ép cho thị trường

Thị trường thêm hàng

Chỉ trong vòng một tuần qua, khoảng một chục NH đã được Ủy ban Chứng khoán nhà nước cấp phép chào bán CP ra công chúng với khối lượng hơn 4.500 tỉ đồng (theo mệnh giá).

Nếu tính luôn một số NH đã được chấp thuận và bắt đầu thực hiện từ đầu tháng, tổng khối lượng CP bán ra của các NH từ nay đến cuối năm lên tới 7.000 tỉ đồng mệnh giá.

Tuy nhiên, một chuyên gia NH cho rằng việc các NH đồng loạt tăng vốn trong cùng thời điểm có thể nhằm tránh khả năng bị "vạ lây" từ đợt phát hành CP ra công chúng (IPO) của Vietcombank (VCB) sắp tới.

"Thông tin về đợt IPO của VCB vẫn chưa rõ ràng nhưng giá CP của VCB có thể ảnh hưởng đến giá các loại CP ngành NH, dù chưa thể nói trước là tác động tích cực hay tiêu cực" - vị chuyên gia này nói.

Bên cạnh đó, các NH cũng phải tăng vốn để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng từ nay đến năm 2008. Với khối lượng CP phát hành khá lớn, các NH sẽ thu hút một khối lượng tiền khổng lồ lên tới vài chục ngàn tỉ đồng, chưa kể đợt IPO của VCB. Điều này sẽ tạo ra sức ép rất lớn đến thị trường.

"Bội thực" nhưng vẫn muốn "ăn"

Từng được xem là CP "vua", CP NH từng được hầu hết nhà đầu tư (NĐT) săn lùng và đẩy giá lên mức cao vào đầu năm nay. Tuy nhiên, khi thị trường điều chỉnh sâu thời gian qua, giá nhiều CP NH đã giảm hơn 50% so với lúc đỉnh điểm.

Một số chuyên gia chứng khoán nhận định bên cạnh việc chậm trễ trong thủ tục tại Ủy ban Chứng khoán nhà nước, việc CP ngành NH rớt giá mạnh cũng là một trong những lý do khiến các NH trì hoãn việc phát hành CP cho đến thời điểm này.

"Dù với lý do gì, việc các NH đồng loạt phát hành CP trong thời điểm nhạy cảm hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho NĐT" - anh Nguyễn Đức Phong - NĐT hiện đang sở hữu CP của ba NH với tổng giá trị hơn 800 triệu đồng, nói.

Theo anh Phong, hầu hết NĐT đều có ít nhất một loại CP NH trong danh mục, do đây được xem là một trong những ngành hoạt động an toàn nhất. Khi các NH phát hành CP, dù muốn dù không NĐT cũng đành phải mua vào những CP này.

Trong điều kiện việc cầm cố CP để vay vốn của nhiều NH gần như đã khép lại, hầu hết NĐT muốn có tiền để mua CP của NH còn rất ít khả năng chọn lựa, trong đó giải pháp tốt nhất chỉ có thể bán ra CP trên sàn hay các loại cổ phiếu OTC khác trong danh mục đầu tư.

"Một khi hàng loạt NĐT cùng bán ra CP trên sàn với khối lượng lớn sẽ gây sức ép điều chỉnh giá đối với CP niêm yết..." - một chuyên gia NH nhận định.

Vị chuyên gia này cũng bày tỏ lo lắng rằng sau khi bị CP ngành bất động sản "qua mặt" trong thời gian gần đây, CP NH đã không giữ được danh xưng CP "vua" khi lượng CP cực lớn này được bơm ra thị trường.

Theo Hải Đăng
 Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG