Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp

Nhờ chính sách kịp thời, được cơ cấu lại nguồn trả nợ nguồn vốn trung và dài hạn, được vay vốn lưu động mà công ty CP Gạch ngói Đất Việt đã hồi sinh.
Nhờ chính sách kịp thời, được cơ cấu lại nguồn trả nợ nguồn vốn trung và dài hạn, được vay vốn lưu động mà công ty CP Gạch ngói Đất Việt đã hồi sinh.
TP - “So với những giai đoạn trước đây, thì nay thủ tục vay vốn ngân hàng đã thông thoáng hơn nhiều, doanh nghiệp, đặc biệt những DNNVV đã tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn".

“So với những giai đoạn trước đây, thì nay thủ tục vay vốn ngân hàng đã thông thoáng hơn nhiều, doanh nghiệp, đặc biệt những DNNVV đã tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi hơn. Trước đây DN tôi phải tìm dến ngân hàng, nay ngân hàng đã tự tìm đến DN động viên vay vốn khi nhìn thấy cơ sở vật chất, nhà xường, dòng tiền của DN. Nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn kịp thời của ngân hàng, từ chỗ chỉ xuất khẩu một thị trường nay đã mở rộng sang nhiều thị trường khác, doanh thu tăng gần gấp đôi”, ông Nguyễn Duy Thành, Giám đốc công ty xuất nhập khẩu lâm sản Sinh Thành cho biết.

Tháo gỡ khó khăn

Những giai đoạn trước đây, tín dụng có thời điểm chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán thì hiện nay dòng vốn tín dụng đã được định hướng vào 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ: Nông nghiệp nông thôn, lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong những năm qua, NHNN đã tháo gỡ khó khăn, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn. Tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng mạng lưới tại các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế để đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thấp hơn lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất thông thường khác. Chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp về đảm bảo nguồn vốn, giảm lãi suất, cơ cấu thời hạn trả nợ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp tại khu vực nông thôn theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục.

Chính sách tín dụng linh hoạt, hiệu quả, hướng tới tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được đánh giá là thành công của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua.Trước đây, để hãm lại đà tăng của nợ xấu cũng như góp phần tháo gỡ khó khăn cho các DN trong việc tiếp cận tín dụng khi nền kinh tế rơi vào suy giảm, NHNN đã ban hành Quyết định 780/QĐ-NHNN cho phép các TCTD được giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nếu DN có triển vọng phục hồi sản xuất.

“WB lạc quan về kinh tế Việt Nam, năm 2016 là một  năm tốt lành thậm chí tốt hơn năm 2015. Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp nói rất nhiều về mở rộng sản xuất, kinh doanh, niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư tăng cao”.

 Bà Victoria Kwakwa

Nhờ chính sách kịp thời  được cơ cấu lại thời hạn trả nợ nguồn vốn trung và dài hạn, được vay vốn lưu động mà Công ty CP Gạch ngói Đất Việt đã hồi sinh, sau những tháng ngày khó khăn, sản xuất cầm chừng, tưởng chừng như phá sản. Ông Lương Quang Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gạch ngói Đất Việt cho biết: Từ tháng 6/2014, công ty được cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc và lãi vốn trung và dài hạn thêm 5 năm (từ 20 năm sang 25 năm - PV) giúp công ty giảm dần áp lực tài chính, từ chỗ mỗi tháng phải trả gốc và lãi 10 - 12 tỷ đồng/tháng, nay xuống 6 - 8 tỷ đồng/tháng. Đặc biệt, sau đó công ty được vay 25 tỷ đồng vốn lưu động, giúp doanh nghiệp có vốn đầu tư sản xuất.

Ông Phú cho biết thêm, năm 2011, Công ty vay ngân hàng 128 tỷ đồng để xây dựng nhà máy, thế nhưng đúng thời điểm này nền kinh tế thế giới và trong nước khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, công ty lại không có tài sản thế chấp để tiếp tục vay vốn lưu động phục vụ sản xuất, doanh nghiệp sản xuất thua lỗ, có nguy cơ không trả được nợ. Có thời điểm 6 tháng liền, ban lãnh đạo, cán bộ hành chính chậm trả lương.Nhưng đến nay, công ty đã trả gốc vay đến năm 2017, vượt trước thời hạn 2 năm. Có được như vậy, là do các khoản nợ của công ty đã được tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Hướng dòng vốn vào sản xuất

Sự thay đổi trong chính sách tín dụng đã tạo ra sự tăng trưởng bền vững hơn đối với nền kinh tế, giúp nguồn vốn ngân hàng chảy vào các ngành sản xuất thiết yếu. Dòng tín dụng trong thời gian qua luôn được NHNN kiểm soát và kịp thời đưa ra cảnh báo khi đầu tư tín dụng có xu hướng tăng lên vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản hay một số dự án BOT giao thông. Điều này nhằm tránh nguy cơ tăng trưởng nóng ở một số ngành ảnh hưởng đến nền kinh tế khi dòng vốn không được đưa vào sản xuất như đã từng xảy ra.

Trong 5 năm qua, tín dụng không chỉ được tính bởi con số tăng trưởng mà còn được đong đếm bởi tính hiệu quả của từng đồng vốn khi đưa vào nền kinh tế.Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân 5 năm gần đây khoảng 12,6%, thấp hơn nhiều so với mức bình quân của giai đoạn 5 năm trước đó là 33,3%, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP vẫn được duy trì bình quân năm 5,7%, thấp hơn không nhiều so với giai đoạn 2006-2010 là 7%. Tính đến tháng 12/2015, tín dụng nông nghiệp nông thôn tăng 65,62% so với cuối năm 2011.

Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp ảnh 1

Niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp tăng cao.

Dù có cơ hội nhưng không có tài sản thế chấp nên doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm sản của ông Thành những giai đoạn trước đây không thể nâng hạn mức vay vốn vì đất lập xưởng sản xuất chưa có sổ đỏ, với đồng vốn eo hẹp chỉ đủ sức xuất khẩu sang một thị trường. Từ khi có chính sách tín dụng ưu tiên lĩnh vực xuất khẩu và nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp của ông Thành đã mở rộng qui mô sản xuất ra thị trường mới như Nam Mỹ, Trung Đông.

“Doanh thu của doanh nghiệp đã tăng từ 1 triệu USD lên 2 triệu USD mỗi năm, tạo công ăn việc làm ổn định cho 75 lao động, nếu không được tiếp cận chính sách mới cho vay xuất khẩu thì doanh nghiệp không có được như ngày hôm nay”, Giám đốc công ty xuất nhập khẩu lâm sản Sinh Thành khách hàng của Agribank chi nhánh Gia Lâm tâm sự.

Mặt bằng lãi suất cho vay đã được đưa từ trên 20%/năm về mức 7-9%/năm, chỉ bằng 40% lãi suất cho vay thời điểm cuối năm 2011 đã giúp nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất hiệu quả. Ông Hồ Hồng Thiên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp WELDCOM cho biết,lãi suất vay ngân hàng tầm 7-9% như hiện nay thì còn cơ hội để sản xuất chứ như trước thì lãi cao quá, muốn đầu tư mở rộng sản xuất cũng phải cân nhắc.

Bà Natasha Ansell, Tổng Giám đốc Ngân hàng Citi Việt Nam cho biết, trong 4 năm qua chúng tôi đã chứng kiến và rất ấn tượng với sự nhất quán trong việc điều hành chính sách tiền tệ tại Việt Nam. Thực hiện thành công các giải pháp điều hành tiền tệ góp phần hỗ trợ nền kinh tế đạt được chỉ tiêu tăng trưởng bền vững hơn và nâng cao niềm tin của nhà đầu tư quốc tế đối với nền kinh tế trong nước. So sánh với các quốc gia láng giềng, môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn và chính những điều hành của NHNN về lãi suất và ngoại tệ đóng góp một phần không nhỏ.

 Đồng tình với quan điểm này, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam  cho biết, trong năm 2015, Việt Nam tiếp tục có những bước tiến quan trọng trong việc triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tỷ giá. Trong thời gian vừa qua, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp nhất trong một thời gian dài. Nhìn chung, chính sách tiền tệ đã thành công với việc ngày càng linh hoạt hơn, hỗ trợ tốt hơn cho tăng trưởng kinh tế và không gây áp lực lên lạm phát. Đặc biệt chính sách tỷ giá của NHNN đã đi đúng hướng. Một cách ngắn gọn, WB đánh giá chính sách tiền tệ và tỷ giá là tích cực. “WB lạc quan về kinh tế Việt Nam, năm 2016 là một năm tốt lành thậm chí tốt hơn năm 2015. Chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp nói rất nhiều về mở rộng sản xuất, kinh doanh, niềm tin của doanh nghiệp và các nhà đầu tư tăng cao”, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG