Ngân hàng đua bơm vốn vào thị trường ôtô

Ngân hàng đua bơm vốn vào thị trường ôtô
Theo dự đoán của các chuyên gia tài chính, thị trường ôtô VN sẽ sôi động trong thời gian tới. Đón đầu làn sóng này, nhiều nhà băng đang đẩy mạnh dịch vụ cho vay tiền mua ôtô.
Ngân hàng đua bơm vốn vào thị trường ôtô ảnh 1
Thị trường ôtô VN đang trong tầm ngắm của các ngân hàng

Với cách làm lâu nay của Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) thì sản phẩm cho vay mua ôtô vẫn được xem là vay tiêu dùng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, OCB nhận thấy nhu cầu vay tiền mua ôtô bắt đầu sôi động nên đã tách sản phẩm ra khỏi chương trình vay tiêu dùng.

OCB đã phối hợp với gần 30 đại lý của các hãng xe tại VN nhằm phát triển dịch vụ cho vay mua ôtô chiếm 25%-35% trên tổng dư nợ cho vay.

Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB) cũng cho hay, dư nợ cho vay mua ôtô đã tăng hơn 10% so với thời gian đầu năm. Mỗi ngày các phòng phòng giao dịch của từng chi nhánh tiếp nhận từ một đến hai hồ sơ xin vay tiền mua ôtô.

Còn Ngân hàng Đông Nam Á (SEABank) trung bình mỗi tháng giải quyết khoảng 20 bộ hồ sơ vay vốn mua ôtô. Bà Cấn Thị Ngọc Trâm, Phó phòng kinh doanh SeABank cho biết, tính đến nay, tổng dư nợ vay ôtô của SeABank đạt 130 tỷ đồng, tăng 20 tỷ đồng so với quý 4 năm 2005.

Ôtô mới, cũ và xe tải đều được vay

Ông Huỳnh Nguyễn Anh Vũ, cán bộ tín dụng OCB cho biết, thủ tục vay tương mua ôtô cũng tương tự như các sản phẩm vay tiêu dùng khác.

Khách hàng có thể thế chấp bằng chính chiếc xe định mua hoặc các tài sản có giá trị khác. Thời hạn và tỷ lệ cho vay tùy vào giá trị, thương hiệu và thời gian khấu hao bình quân của từng loại xe.

Đơn cử như xe Transico, Daewoo Matiz thì tỷ lệ cho vay tối đa 50% giá trị xe trong thời hạn tối đa 30 tháng. Nếu mua xe Ford, Toyota, Mercedes, Honda, BMW... khách hàng sẽ được vay tối đa 70% giá trị xe trong thời hạn 60 tháng.

Riêng các loại ôtô cũ đã qua sử dụng, OCB tập trung chủ yếu cho các loại xe nhập khẩu như Toyota, Lexus, Ford, Mercedes... có thời hạn sử dụng không quá 5-6 năm, với tỷ lệ cho vay vốn tối đa 60% giá trị thẩm định trong vòng 40 tháng.

Hầu hết khách hàng vay tiền mua xe cũ tại OCB hiện nay là cá nhân. Một vài trường hợp doanh nghiệp vận tải mua xe cũ để phát triển dịch vụ vận tải và cho thuê. Thời gian tới OCB sẽ đẩy mạnh bơm vốn cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải.

Mới đây OCB đã hỗ trợ hãng taxi SaigonSun vay 20 tỷ đồng trong thời gian 5 năm để nhập thêm xe. Mai Linh taxi cũng được OCB cho vay 5 tỷ đồng trong thời hạn 4 năm. Dự kiến trong tháng này một hợp đồng trị giá hơn hơn chục tỷ đồng giữa OCB và Mai Linh cũng được hoàn tất. 

Giám đốc khối khách hàng cá nhân ACB Bùi Tấn Tài cho biết, đối với dịch vụ mua xe, lãi suất vay ngắn hạn trong năm đầu cố định ở mức 1,1%/tháng. Những năm tiếp theo lãi suất được cộng thêm từ 0,3% đến 0,35%/tháng.

Với OCB, ông Vũ cho hay, lãi suất cho vay mua xe ôtô trong năm đầu tiên dao động 1,1-1,15%/tháng. Những tháng kế tiếp được tính theo lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng do OCB công bố tại thời điểm tính lãi, vớii hình thức trả lãi cuối kỳ.

Tiền gốc và lãi suất phải trả hằng tháng. Nhưng nếu khách hàng vay vốn được giới thiệu từ các đại lý xe có liên kết với OCB sẽ được giải ngân theo giấy hẹn. OCB sẽ căn cứ vào thời điểm chủ xe đăng ký giấy tờ xe ở phòng cảnh sát giao thông để giải ngân. Đồng thời, ngân hàng không thu phí thẩm định rủi ro của khách hàng. 

Riêng SEABank lãi suất vay tiền mua ôtô cố định được tính theo quý, bình quân khoảng 1,1-1,2%/tháng.

Tiềm năng nhưng rủi ro

Theo ông Huỳnh Nguyễn Anh Vũ, hiện VN đã có nhiều khu đô thị, biệt thự mới như Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền... nên việc mua xe của người tiêu dùng để đi lại sẽ nhiều hơn trước.

Đặc biệt, trong tương lai, khi TPHCM mở rộng hệ thống giao thông và hoàn tất việc quy hoạch các khu đô thị mới, cộng với nhu cầu đời sống người dân tăng chắc chắn thị trường ôtô sẽ sôi động hơn hiện nay.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, so với các nước trên thế giới thì thủ tục vay tiền mua ôtô ở VN khá phức tạp. Đến nay VN vẫn chưa có một tổ chức định giá ôtô cũ nên OCB tạm xác định bằng cách khấu hao 10%/năm.

Mặt khác, đối với những khách hàng chưa kịp mua bảo hiểm cho xe, khi rủi ro xảy ra ngân hàng sẽ rất khó thu hồi nợ. Phí bảo hiểm xe hiện rất cao, khoảng 1,5%/năm trên tổng giá trị chiếc xe nên ngân hàng không thể buộc khách hàng mua bảo hiểm một lúc 5 năm. Nguồn thu nhập không ổn định của khách hàng cũng tạo ra nguy cơ mất khả năng trả nợ.

Còn ông Bùi Tấn Tài cho rằng, thị trường ôtô VN không phải chờ đến tương lai mà ngay thời điểm này đã bắt đầu sôi động, bởi nhu cầu đang tăng mạnh.

Tuy nhiên, do giá xe trên thị trường hiện vẫn còn chập chờn, đặc biết sau 6 tháng sử dụng giá xe sẽ giảm mạnh nên ngân hàng dễ gặp rủi ro. Đồng thời, nếu sau một thời gian ngắn, khách hàng không muốn sử dụng chiếc xe đang vay vốn ngân hàng bán lại cho người khác bằng cách sang tay thì ngân hàng rất khó thu hồi vốn.

Vì vậy, đối với dịch vụ này, ACB xét thủ tục rất nghiêm ngặt để hạn chế rủi ro.

OCB buộc khách hàng phải mua bảo hiểm vật chất xe trong suốt thời gian vay vốn. Hợp đồng vay vốn phải được công chứng tại Phòng công chứng TPHCM...

Tuy nhiên, theo bà Cấn Thị Ngọc Trâm, nếu có sự chọn lọc kỹ càng và kiểm tra gắt gao sẽ hạn chế được tối đa rủi ro khi cho vay vốn mua ôtô.

"Nếu khách hàng bán lại xe bằng cách sang tay, không thông qua cảnh sát giao thông đường bộ và ngân hàng thì chiếc xe đó cũng rất khó hoạt động. Ngân hàng sẽ giữ giấy tờ gốc của chiếc xe cho đến khi khách trả hết nợ", bà giải thích. 

Theo Nguyễn Thùy
Vnexpress

MỚI - NÓNG