Ngân hàng giảm lãi để tự cứu

Giảm lãi suất cho vay cũng là động thái giúp ngân hàng thoát khỏi tình trạng ứ đọng vốn. Ảnh: Thanh Thế
Giảm lãi suất cho vay cũng là động thái giúp ngân hàng thoát khỏi tình trạng ứ đọng vốn. Ảnh: Thanh Thế
TP - Đại diện một số ngân hàng thương mại cho biết, với việc đồng loạt đưa lãi suất cho vay về mức 13%/năm từ ngày 13/5 tới, các ngân hàng sẽ bị giảm lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng nhưng sẽ thu được lợi nhuận lớn hơn rất nhiều từ việc dòng tiền hết tắc nghẽn.

> Thấy gì từ ‘hiệu ứng’ giảm lãi suất của Vietcombank?
> Ngân hàng mắc kẹt với tiền 'chết'

Nếu không giảm lãi suất, chung tay cứu doanh nghiệp thì bản thân ngân hàng cũng “chết”.

Lãi suất vay về 13%/năm

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp về hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 10/5, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Thống đốc, các ngân hàng nhất trí tiếp tục giảm lãi suất cho vay về mức 13%. Việc giảm lãi suất cho vay đồng nghĩa việc lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm xuống nhưng đây là việc làm cần thiết.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp giảm lãi suất cho vay, theo đại diện các ngân hàng, chính là việc ngân hàng đang thừa vốn, nếu không giải ngân được, chính ngân hàng cũng gặp khó khăn. Phó Tổng giám đốc Agribank, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng thừa nhận điều này.

“Sau khi tính toán, Agribank quyết định, từ 13/5 tới, lãi suất cho vay tối đa với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 10%/năm. Cho vay trung và dài hạn trong lĩnh vực sản xuất tối đa là 11,5%, những lĩnh vực không ưu tiên tối đa là 12,5%. Tất cả các khoản vay trước đây chúng tôi cũng sẽ đưa về 13%/năm”, ông Hùng cho biết.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Tổng Giám đốc BIDV, ông Phan Đức Tú cho biết, ngân hàng đã khảo sát tình hình của tất cả các DN có quan hệ với BIDV và thực hiện hết các mức độ cho phép để hỗ trợ DN như cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, giãn nợ, kéo dài thời gian cho vay. Ban lãnh đạo cũng quyết định từ 13/5 tới sẽ đồng loạt hạ lãi suất của tất cả các khoản vay trước đây xuống còn 13%/năm, chứ không chờ thời gian đến hạn mới điều chỉnh.

Việc giảm lãi suất cho vay cũng xuất phát từ việc, các doanh nghiệp (DN) hiện không giải phóng được hàng tồn kho nên không có nhu cầu vay vốn.

Các ngân hàng hạ lãi suất sẽ giúp DN giảm chi phí tài chính, hạ giá thành, tạo ra hàng hóa có sức cạnh tranh, khơi thông dòng tiền. “Chúng tôi quyết định hạ lãi suất tất cả các khoản vay xuống còn 13% từ 13/5 tới đây và áp dụng cho mọi khoản vay, mọi đối tượng vay, ông chia sẻ.

Đây là quyết định khó khăn với Agribank nhưng rất cần thiết phải chia sẻ với doanh nghiệp. Nếu các DN có giải pháp trả nợ gốc thì chúng tôi sẽ xem xét giảm lãi vay xuống mức thấp hơn, giúp DN khơi thông nguồn vốn. Xử lý tốt nợ xấu chính là điều kiện khơi thông “cục máu đông”, giúp tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới

Phó tổng giám đốc Agribank
Nguyễn Quốc Hùng

Theo Phó tổng giám đốc Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng, ưu đãi lãi suất là một trong những biện pháp được áp dụng để hỗ trợ DN và khơi thông dòng vốn của ngân hàng.

Cụ thể, với những khách hàng vay mới tới đây sẽ được hưởng lãi suất cho vay chỉ 11,6%/năm. Bên cạnh giảm lãi suất cho tất cả các khoản vay lãi suất trên 13% trước đây xuống còn 13%, Vietcombank cũng có chính sách riêng với từng khách hàng. Với khách hàng được xếp hạng 3A, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ ở mức 10%/năm.

Giảm nghìn tỷ lợi nhuận

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một số ngân hàng cũng thừa nhận việc giảm lãi suất cho vay là điều các ngân hàng buộc phải thực hiện để chia sẻ với DN, đồng thời cũng là tự cứu mình thoát khỏi tình trạng tắc nghẽn dòng vốn. Tuy nhiên, đồng nghĩa ngân hàng phải chấp nhận giảm lãi hàng nghìn tỷ đồng.

Điển hình, như với Vietcombank, với dư nợ trên 50.000 tỷ đồng mà ngân hàng đang cho vay với lãi suất 13% - 15%, nếu giảm xuống 13%/năm, ước tính ngân hàng sẽ giảm lãi khoảng 1.000 tỷ đồng. Với tổng dư nợ hiện tại, việc giảm lãi suất cho vay xuống 13% sẽ khiến BIDV giảm lợi nhuận khoảng hơn 700 tỷ đồng.

Tương tự, với các khoản vay lãi suất trên 13% chiếm khoảng 48% tổng dư nợ, việc giảm lãi suất cho vay xuống mức 13%/năm sẽ khiến Agribank giảm lãi ước tính trong năm nay cả nghìn tỷ đồng.

Ủng hộ việc giảm lãi suất cho vay, nhưng Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng lưu ý, các ngân hàng phải lượng sức của mình khi hạ lãi suất, phải cân đối được đầu vào đầu ra. Nếu đưa lãi suất xuống mức thấp quá thì sẽ không huy động được vốn và khi đó vấn đề căng thẳng về thanh khoản sẽ trở lại.

Việc giảm lãi suất cũng tương tự như việc giảm thuế cho DN. Lãi suất dù có giảm nhưng tổng dư nợ tăng lên thì lợi nhuận thu được của ngân hàng cũng tăng theo, thậm chí còn lãi nhiều hơn là giữ nguyên như hiện nay.

“Việc giảm lãi vay về mức 13%/năm khiến ngân hàng giảm lợi nhuận bao nhiêu còn phụ thuộc vào lãi suất bình quân của các khoản trên 13% là bao nhiêu và số cho vay là bao nhiêu. Trong 3 tháng tới lãi cho vay có thể xuống tiếp còn khoảng 11,6%/năm”, ông Dũng phân tích.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.