Ngân hàng khó huy động vốn vì 'sốt' chứng khoán

Ngân hàng khó huy động vốn vì 'sốt' chứng khoán
Số lượng tiền giao dịch tại TT giao dịch chứng khoán TP.HCM lên đến 1.000 tỷ đồng/ngày đã kéo theo lượng vốn, tiền mặt của người dân thay vì chảy vào các ngân hàng như trước đây nay lại đổ lên các sàn giao dịch chứng khóan.
Ngân hàng khó huy động vốn vì 'sốt' chứng khoán ảnh 1

Bình quân mỗi ngày tại TPHCM có khỏang 100 hồ sơ thế chấp nhà đất để vay tiền ở các ngân hàng hoặc cầm cố cổ phiếu để vay tiền lên đến hàng chục tỷ đồng/ngày để vay vốn làm ăn, thực ra phần lớn đầu tư vào thị trường chứng khóan tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa : Hồng Vĩnh.

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước VN tại TPHCM cho biết, hiện phần lớn các ngân hàng tại TP đều gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn và tốc độ huy động vốn đều giảm so với những tháng trước đây.

Cụ thể như tổng vốn huy động của các ngân hàng tại Thành phố trong hai tháng đầu năm 2007 đạt khoảng 303.700 tỷ đồng, chỉ tăng 6,4% so với cuối năm 2006. Nhiều ngân hàng có “uy tín” như Ngân hàng Á Châu (ACB), VP Bank, SACOMBANK, Đông Á... cũng có tốc độ huy động vốn chậm lại so với những tháng cuối năm 2006.

Theo khảo sát của các cơ quan nghiên cứu về tài chính của TP. Hồ Chí Minh cho thấy việc sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của người dân TP.HCM đã có sự thay đổi trong những tháng gần đây, cụ thể như chỉ có 5,3% nguồn vốn nhàn rỗi được gửi vào các ngân hàng (chủ yếu là đối tượng người về hưu và những nông dân ngoại thành mới được đền bù tiền đất...).

Ngược lại có đến 46,6% nguồn vốn nhàn rỗi được đầu tư vào thị trường chứng khóan, kế đến 21,9% nguồn vốn đầu tư vào thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “ấm” lên gần đây...

Do vậy để có thể thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và các thành phần kinh tế, thời gian gần đây, nhất là sau Tết Nguyên đán 2007, hầu hết các ngân hàng, tổ chức tín dụng tại TP. HCM đều tung ra nhiều giải pháp, chương trình khuyến mại.

Có thể thấy các "chiêu" như tăng lãi suất huy động tiền gửi dưới nhiều hình thức khác nhau (tăng 0,02% đến 0,4% đối với VND, 0,3% đến 1% đối với USD), tăng cường các dịch vụ khuyến mãi người gửi tiền vào ngân hàng như Ngân hàng VP Bank huy động vốn bằng chương trình “gửi tiền trúng xe INNOVA”, chương trình cho vay đến 90% giá trị xe của ngân hàng SeaBank..., tăng các dịch vụ phục vụ khách hàng gửi và rút tiền như nâng tổng số máy rút tiền tự động ATM lên trên 600 máy và trên 8300 máy thanh tóan thẻ - POS...

Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã mở thêm nhiều chi nhánh, điểm giao dịch... ở các quận huyện kèm theo nhiều chương trình khuyến mại như phát hành phiếu dự thưởng cho khách hàng gửi tiền vào ngân hàng... và tạo nhiều thuận lợi cho người dân tham gia vào các hoạt động gửi hoặc vay tiền từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng.

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng còn đưa ra nhiều chương trình khuyến khích, tạo mọi thuận lợi cho các cá nhân, các thành phần kinh tế được vay vốn ngân hàng để đầu tư, kinh doanh, mua sắm hàng tiêu dùng...

Cụ thể như các Ngân hàng Thương mại cổ phần ACB thực hiện chương trình kích cầu tiêu dùng bằng cho vay tín chấp với hạn mức cho vay lên đến 200 triệu đồng/bộ hồ sơ (ngoài các sản phẩm tín dụng vay tiêu dùng bằng tài sản thế chấp);

NH TMCP Phương Đông cũng luôn đáp ứng nhu cầu vay vốn cho cá nhân vay vốn trả góp bằng tiền đồng hoặc vàng để mua sắm vật dụng tiêu dùng, sữa chửa nhà ở, đi du lịch... và nhiều ngân hàng khác cũng có những chương trình kích cầu cho vay tiêu dùng hoặc đầu tư kinh doanh, sản xuất... cho mọi cá nhân, doanh nghiệp.

Qua đó từ đầu năm 2007 đến nay, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng tại TP.HCM đạt gần 235.000 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cuối năm 2006.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường chứng khóan TP.HCM đang lên cơn “sốt cao” đã trực tiếp gây những ảnh hưởng bất lợi cho các họat động tài chính, làm mất cân đối nguồn vốn của các ngân hàng tại TP. HCM.

Số lượng tiền giao dịch tại Trung tâm giao dịch chứng khoán TP.HCM lên đến 1.000 tỷ đồng/ngày đã kéo theo lượng vốn, tiền mặt của người dân thay vì chảy vào các ngân hàng như trước đây nay lại đổ lên các sàn giao dịch chứng khoán.

Bên cạnh đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đang trở thành nơi các nhà đầu tư chứng khoán vay tiền mặt để đổ vào các phiên giao dịch trên sàn chứng khoán với rất nhiều rủi ro.

Điển hình như hiện nay bình quân mỗi ngày có khoảng 100 hồ sơ thế chấp nhà đất để vay tiền ở các ngân hàng hoặc cầm cố cổ phiếu để vay tiền lên đến hàng chục tỷ đồng/ngày để vay vốn làm ăn, thực ra phần lớn đầu tư vào thị trường chứng khoán tiềm ẩn nhiều rủi ro.

MỚI - NÓNG