Ngân hàng không đủ 3.000 tỷ đồng sẽ xử lý ra sao?

Việc yêu cầu các ngân hàng tăng vốn nhằm nâng cao tính cạnh tranh
Việc yêu cầu các ngân hàng tăng vốn nhằm nâng cao tính cạnh tranh
TP - Theo Nghị định 141 của Chính phủ, chậm nhất đến 31-12-2010 vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng (NH) là 3.000 tỷ đồng. Cho đến nay, vẫn còn 20/39 ngân hàng chưa đáp ứng được số vốn trên. Nếu phải giải thể vì không tăng được vốn, quyền lợi khách hàng xử lý ra sao?

Khá nhiều NH đã nỗ lực tìm vốn từ cổ đông hiện hữu, nhà đầu tư chiến lược, phát hành cổ phần gọi vốn, chào bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài...nhưng với tình hình hiện nay, không phải NH nào gọi vốn cũng suôn sẻ. Theo ước tính, nếu 20 NH này gọi đủ vốn, đáp ứng việc nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng trước 31-12-2010, phải cần hơn 42.000 tỷ đồng, một con số khá lớn trong tình hình hiện nay.

TS kinh tế Nguyễn Quang Hưng, cho rằng với nội lực của nền kinh tế Việt Nam và thực lực của nhiều tập đoàn đang nắm NH, vốn trong dân... thì việc huy động 42.000 tỷ không phải là quá khó. Tuy nhiên, thời gian chỉ còn lại 6 tháng, vốn lại cần dồn dập, trong khi thị trường chứng khoán chưa thực sự khởi sắc, nhà đầu tư có quá nhiều NH để lựa chọn đổ vốn...thì nhiều NH sẽ rất khó khăn và không loại trừ khả năng có NH sẽ không kịp tăng vốn.

Hiện tại, có đến 11 NH có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở xuống và không phải NH nào cũng có kế hoạch tăng vốn khả thi. Đây là những NH được nhận diện sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc chạy đua tìm vốn.

Một chuyên gia kinh tế nhận định: Việc NHNN ra thông điệp từ đầu tháng 5-2010 rằng sẽ chấm dứt tư cách pháp nhân với các NH không đủ vốn điều lệ cũng như ấn định thời gian NH báo cáo tăng vốn cho thấy NHNN cũng đã tính đến chuyện có NH không tìm đủ vốn thì buộc phải sáp nhập, giải thể, hợp nhất...

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu cũng từng khẳng định, việc sáp nhập hay giải thể những NH không đáp ứng được vốn điều lệ là điều phải làm và sẽ khiến cho hệ thống NH mạnh lên. Như vậy, việc NH không có đủ 3.000 tỷ đồng trước ngày 31-12-2010, chắc chắn phải giải thể hoặc sáp nhập với các NH mạnh hơn.

Đảm bảo quyền lợi khách hàng

Theo thông tin từ NHNN, sẽ không có chuyện kéo dài thời gian để các NH tìm vốn và đến 30-9-2010, nếu NH nào không tìm được phương án tăng vốn sẽ phải trình phương án chấm dứt tư cách pháp nhân lên chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính. Trên cơ sở đó, chi nhánh NHNN báo cáo NHNN Việt Nam thực trạng hoạt động, đánh giá tính khả thi của phương án chấm dứt tư cách pháp nhân và đề xuất quan điểm xử lý đối với từng ngân hàng.

Trong đó việc xử lý những việc liên quan đến khách hàng sẽ được đặc biệt chú trọng trên nguyên tắc mọi quyền lợi của khách hàng phải được đảm bảo, nếu xét thấy NH chưa làm tròn nghĩa vụ, giải quyết thỏa đáng cho khách hàng, NHNN sẽ không duyệt phương án chấm dứt tư cách pháp nhân.

Một chuyên gia tài chính cho rằng, do tính chất đặc thù của ngành NH nên NHNN sẽ dùng mọi biện pháp để khách hàng không bị thiệt hại khi NH chấm dứt hoạt động. Theo đó, khách hàng có tài khoản tiết kiệm, tiền gửi, thanh toán... và cả những khoản vay nợ sẽ tất toán trước khi NH chấm dứt hoạt động như đã từng làm với sàn vàng. Bên cạnh đó, nếu NH sáp nhập hoặc hợp nhất, NH tiếp nhận nhiều khả năng tiếp nhận luôn số khách hàng cũ của NH bị sáp nhập nên quyền lợi vẫn được đảm bảo.

Lãnh đạo NHNN Việt Nam cũng khẳng định khách hàng không nên lo lắng trước nguy cơ không kịp tăng vốn của một số NH, vì trong bất kỳ tình huống nào, NHNN cũng có phương án giải quyết và đảm bảo tiền gửi của khách hàng tại các NH.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 19-5, GĐ chi nhánh NHNN TPHCM Hồ Hữu Hạnh, cho biết trong trường hợp có NH phải chấm dứt tư cách pháp nhân và ngưng hoạt động vì không đủ vốn điều lệ 3.000 tỷ vào 31-12-2010, mọi quyền lợi của khách hàng sẽ được giải quyết thấu đáo trước khi NHNN cho phép NH giải thể, sáp nhập hay hợp nhất.

MỚI - NÓNG