Ngân hàng không muốn mua thêm đôla

Ngân hàng không muốn mua thêm đôla
Lượng đôla trên thị trường đang dồi dào tới mức nguồn cung luôn lớn hơn khả năng mua vào của ngân hàng. Các nhà băng chỉ dám gom ở mức cầm chừng vì không có đủ tiền đồng đối ứng. 
Ngân hàng không muốn mua thêm đôla ảnh 1

Cuối năm lượng đôla dồn về các ngân hàng tăng mạnh. Ảnh: Hoàng Hà (VnExpress).

Nguồn đôla đổ về Ngân hàng thương mại Cổ phần Xuất nhập khẩu (Eximbank) tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong 10 tháng đầu năm, lượng đôla qua ngân hàng này đạt trên 2 tỷ USD. Vào những tháng cuối năm, có ngày tiền dồn về lên tới 5 - 7 triệu USD.

Trong những ngày gần đây, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) luôn niêm yết giá mua vào và bán ra USD ở cùng một mức, hôm 27/11 là 16.048 đồng, để tránh việc phải mua thêm.

Một cán bộ tại phòng mua bán ngoại tệ của Ngân hàng Công thương Việt Nam (Incombank) cho hay, hiện lượng USD trong xã hội khá lớn, nếu ngân hàng có khả năng mua thêm thì nguồn cung lúc nào cũng có. "Tuy nhiên, chúng tôi chỉ mua ở mức đủ nhu cầu thanh toán của khách hàng, chứ không có khả năng gom nhiều hơn" - cán bộ này cho biết.

Cũng theo cán bộ này, ngân hàng đang chịu lỗ, vì lượng đôla lớn, lượng tiền đồng hạn chế, nên thực tế tỷ giá giữa USD và VND bị kéo xuống thấp. Tuy nhiên, các nhà băng vẫn phải mua theo giá cao hơn mức lẽ ra họ mua được, do không thể niêm yết thấp hơn mức sàn do Ngân hàng Nhà nước đặt ra.

Một lãnh đạo ngân hàng này cho hay, lượng đôla đổ về dồn dập trong những tháng cuối năm đang làm các ngân hàng đau đầu vì không biết làm thế nào cân đối nguồn cung - cầu đôla và tiền đồng.

Thông thường, khi nguồn ngoại tệ trong nước tăng mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ mua vào để hạn chế việc tỷ giá giữa đôla và tiền đồng xuống thấp, gây khó khăn cho xuất khẩu. Tuy nhiên, đến nay chưa có động thái nào từ phía Ngân hàng Nhà nước cho thấy cơ quan này sẽ gom đôla từ các ngân hàng thương mại.

Vị lãnh đạo Incombank phân tích, các ngân hàng không thể hạ tỷ giá xuống quá thấp do cần đảm bảo hạn chế lạm phát, song cũng không thể không mua đôla khi vào thời điểm cuối năm, người dân bán ra nhiều để phục vụ nhu cầu tiêu dùng.

Trong khi đó, trong bối cảnh Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) đã hạ lãi suất đồng đôla, nếu các ngân hàng mang lượng tiền này gửi ở các ngân hàng quốc tế, thì tiền lãi cũng không lớn.

Vào thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng không có nhu cầu vay vốn bằng USD nhiều như trong năm, mà muốn đổi đôla thu về từ các đối tác sang tiền đồng để chi trả cho doanh nghiệp trong nước và quay vòng vốn cho năm sau. Vì thế, cung cầu đôla và tiền đồng trên thị trường càng mất cân đối.

Hiện lượng khách hàng đăng ký vay tiền đồng tại Incombank đang tăng, song ngân hàng này cũng xem xét đảm bảo an toàn mới cho vay. Nhà băng này đang giữ dư nợ bằng tiền đồng ở mức vừa phải, chứ không dám "thả" cho vay tràn lan. Trong khi đó, với đồng đôla, ngân hàng tỏ ra dễ dàng hơn, các doanh nghiệp có nhu cầu vay đôla đều khá thuận lợi. 

Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, thừa nhận, các ngân hàng trên địa bàn thành phố đang ở trong trạng thái thừa đôla. Một số đại lý gom ngoại tệ từ các nguồn trôi nổi cho ngân hàng thương mại đang nắm giữ một lượng tiền lớn, song khi bán lại, phải chấp nhận giá tương đối thấp. Bản thân các ngân hàng khi bán lại cho các ngân hàng trung ương cũng không "đẩy" đi được số lượng lớn. 

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội Nguyễn Văn Hưng cũng cho hay, tại các ngân hàng của thành phố đang có tình trạng dư đôla, do lượng tiền cuối năm đổ về lớn.

Theo nhận định của ông, tình trạng này xảy ra cục bộ ở một số ngân hàng, nhưng Hà Nội là trung tâm điều chuyển và tập trung vốn, nên áp lực sẽ không quá lớn.

Cũng theo ông Hưng, từ nay đến cuối năm khó có đột biến về tỷ giá đôla và tiền đồng, do các ngân hàng vẫn phải đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát. "Nếu can thiệp vào tỷ giá lúc này bằng việc mua vào đôla, lạm phát lại tiếp tục tăng, nên trước mắt ít khả năng có sự điều chỉnh", ông Hưng nhận định.

Theo Nguyễn Minh
VnExpress

MỚI - NÓNG