Ngân hàng siết vốn chứng khoán

Ngân hàng siết vốn chứng khoán
Trong khi các ngân hàng cổ phần lo thu hồi vốn để đảm bảo hạ mức cho vay đầu tư chứng khoán xuống dưới 3% thì các anh cả quốc doanh cũng tuyên bố không mở rộng loại hình tín dụng này dù vẫn còn "room".
Ngân hàng siết vốn chứng khoán ảnh 1
Ảnh minh họa

Chỉ thị 03/2007 được coi là nốt chặn chiếc bình thông từ ngân hàng sang chứng khoán, tác động mạnh tới mặt bằng giá cổ phiếu và giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước.

Trong báo cáo về tình hình thị trường phát đi hôm 8/8, công ty chứng khoán Bảo Việt nhận xét, chỉ thị này đã ảnh hưởng đáng kể đến việc cho vay mua chứng khoán của các ngân hàng đối với nhà đầu tư.

Hầu hết ngân hàng quốc doanh không mặn mà với việc cho vay để kinh doanh cổ phiếu. Ngân hàng thương mại cổ phần thì quan tâm hơn, nhưng dư nợ cho vay lại nhỏ. Do vậy, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần đều có tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán vượt quá tỷ lệ theo quy định tại Chỉ thị 03.

Tại Ngân hàng Phát triển nhà Sài Gòn (HDBank), ngay cuối tháng 6, Giám đốc đã có công văn ngừng cho vay cầm cố kinh doanh chứng khoán, những bộ hồ sơ đã trình lãnh đạo và được phê duyệt thì ngừng giải ngân. Đồng thời HDBank cũng tiến hành đánh giá lại thị giá chứng khoán và yêu cầu nhà đầu tư giảm dư nợ hoặc bổ sung tài khoản đảm bảo.

Một nhân viên tín dụng tại HDBank cho biết, đã có trường hợp nhà đầu tư không thực hiện được 2 yêu cầu trên nên Ngân hàng phải bán cổ phiếu của nhà đầu tư trong danh mục cầm cố với giá rất rẻ. Nhiều nhà đầu tư có khả năng cầm cự thì cố gắng mang nhà đất ra thế chấp.

Ngân hàng Quân đội (MB) vẫn mở cửa đón khách hàng cầm cố chứng khoán nhưng chỉ giới hạn cho khách hàng mở tài khoản tại các công ty chứng khoán mà MB có thỏa thuận hợp tác và họ phải thỏa mãn một số điều kiện (khách hàng VIP) trên các sàn.

Cửa vay tại các ngân hàng cổ phần đã khó, nhiều nhà đầu tư hy vọng vào các ngân hàng quốc doanh vì hầu hết các thành viên trong khối này đều dưới mức 2%. Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng quốc doanh đều đề cập đến khả năng sẽ giảm dư nợ loại này, thay vì tiếp cận mức cho phép.

Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Lê Đào Nguyên cho biết, BIDV là một trong những ngân hàng quốc doanh chủ trương không cho vay kinh doanh chứng khoán dưới mọi hình thức.

Trong khi nhà đầu tư loay hoay thì ở một số ngân hàng cổ phần tình trạng thừa vốn đang xảy ra. Một trong những lý do được bật mí là Chỉ thị 03 khiến các ngân hàng vượt giới hạn 3% ngừng cho vay kinh doanh chứng khoán, trong khi đó, nguồn tiền tiết kiệm chảy vào ngân hàng thì ngày càng nhiều hơn.

Khó nới lỏng

Đã có chuyên gia lên tiếng về sự bất hợp lý khi nhà đầu tư nước ngoài được hưởng các quy định về ngoại hối ngày một thoáng hơn, họ có thể chuyển tiền ra, vào bất cứ khi nào họ muốn (sau khi đã làm đủ nghĩa vụ thuế), thì nhà đầu tư trong nước lại bị “chặn” nguồn tiền vay từ ngân hàng.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của AC Nelson, số lượng người Việt Nam tham gia thị trường chứng khoán chính thức hiện mới chiếm khoảng 0,26% dân số.

Tính đến ngày 29/06, lượng tài khoản mở tại các công ty chứng khoán đã đạt con số hơn 200.000, trong đó có trên 5.000 tài khoản của nhà đầu tư và tổ chức nước ngoài. Con số này còn rất khiêm tốn so với dân số Việt Nam. Trong khi tổng số quỹ hiện diện và hoạt động tại Việt Nam là khoảng 55 quỹ với tổng tài sản tương đương 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, để những đồng vốn đang ngủ yên chảy vào thị trường chứng khoán không hề dễ và nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường thua lỗ nặng đang muốn rời bỏ chứng khoán càng khiến các nhà đầu tư khác dè dặt tham gia, còn các quỹ mới thành lập lại chủ yếu ngóng chờ các đợt IPO của Doanh nghiệp nhà nước lớn sắp tới.

Tuy nhiên cơ quan quản lý vẫn tỏ ra quyết tâm siết nguồn vốn ngân hàng đổ sang chứng khoán bất chấp nhiều ý kiến đề xuất giãn thời gian thực hiện hoặc nâng tỷ lệ lên 5%.

Đại diện của Ngân hàng Nhà nước khẳng định việc ban hành Chỉ thị 03 là cần thiết, tác động đến thị trường sẽ không nhiều vì còn tới 6 tháng để các ngân hàng thu hồi vốn.

Ngày 9/8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có công văn đề nghị các tổ chức tín dụng có tỷ lệ cho vay chứng khoán vượt quá 3% xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết về cho vay, thu nợ để đảm bảo cuối năm tỷ lệ về 3%, đồng thời sẽ giám sát và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, trên thế giới chỉ có Ấn Độ khống chế cho vay chứng khoán không quá 5% dư nợ, còn ở các nước khác ngân hàng thương mại được tự quyết định trên cơ sở năng lực quản lý rủi ro của mình.

"Ngân hàng trung ương các nước có hệ thống thông tin theo rõi rất chặt chẽ, họ có quyền ra quyết định kiểm soát với từng ngân hàng một. Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát tình hình cho vay cầm cố chứng khoán và có số liệu cụ thể, cách thức xử lý là tránh tạo ra khó khăn quá cho các ngân hàng thương mại và tác động quá đột ngột đến thị trường. Thị trường phản ứng mạnh, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu để có động thái điều chỉnh phù hợp".

Ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc VP Bank, cho rằng, ở Việt Nam, thị trường mới sơ khai, kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán là cần thiết, song nếu Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ lệ lên 5-6% sẽ hợp lý hơn.

Theo Đầu tư chứng khoán

MỚI - NÓNG