Ngân hàng tăng vốn, nhà đầu tư lo cùng

Ngân hàng tăng vốn, nhà đầu tư lo cùng
TP - Việc gần 10 ngân hàng (NH) đang chuẩn bị tăng vốn với con số 1.000 tỷ đồng/NH ngay trong năm 2009 khiến không chỉ nhà đầu tư mà nhiều NH khá lo ngại.
Ngân hàng tăng vốn, nhà đầu tư lo cùng ảnh 1
Sacombank tiếp tục có kế hoạch tăng vốn 2009 sau khi phải hủy bỏ vào năm 2008

Theo Nghị định số 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ, vốn pháp định đối với các NHTMCP đến 31/12/2010 phải đạt 3.000 tỷ đồng. Quy định này đang buộc nhiều NH quy mô nhỏ tiếp tục lao vào cuộc chạy tăng vốn mới, sau khi vắt giò lên cổ lo cho đủ 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ vào hạn cuối 31/12/2008.

Nhiều NH vừa mới đạt mức vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2008 như Đại Á, Việt Nam Tín Nghĩa, Đại Dương… đã có kế hoạch tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.

Tổng giám đốc một NH thừa nhận dù rất khó khăn nhưng đây là bước đà để nâng tiếp vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào cuối 2010, còn không sẽ bị sáp nhập hoặc giải thể - điều mà không NH nào muốn.

TS Lê Thẩm Dương (ĐH Ngân hàng TPHCM) cho rằng NH tăng vốn chủ yếu vì hai lý do: vốn điều lệ đạt 3.000 tỷ đồng theo quy định trước 31/12/2010 và tăng vốn để tăng năng lực tài chính và quy mô hoạt động.

NH Đông Á thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 2.880 tỷ lên 3.400 tỷ đồng, Sacombank quyết định tăng vốn từ 5.116 tỷ lên 6.700 tỷ đồng, NH CP Sài Gòn (SCB) thông qua đại hội cổ đông kế hoạch tăng vốn 2.047 tỷ lên 3.374 tỷ đồng… Kế hoạch là thế nhưng theo đánh giá của các chuyên gia và chính giới NH thì sẽ khá gian nan.

NH nhỏ, áp lực lớn 

Từ đầu tháng Ba đến nay, hàng loạt ngân hàng (NH) cổ phần đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ để cổ đông thông qua.

Tại đại hội cổ đông vừa qua của Sacombank, không ít cổ đông chất vấn HĐQT về kế hoạch tăng vốn. Nghi ngại của họ hoàn toàn có cơ sở khi năm 2008 được cho là tốt hơn năm nay nhưng Sacombank phải hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn điều lệ lên 6.048 tỷ đồng.

Ngay cả NH được xem là NH cổ phần có tiềm lực vào loại mạnh nhất như ACB cũng khá thận trọng khi để ngỏ kế hoạch tăng vốn. NH này sẽ cân nhắc sau sáu  tháng đầu năm 2009 nếu vượt kế hoạch lợi nhuận sẽ tăng vốn, ngược lại thì tạm hoãn.

Tuy nhiên, một số NH lớn có thuận lợi là nguồn tiền để tăng vốn đã có sẵn. Như ACB sẽ chuyển hơn 1.300 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi phát hành trước đây để đến cuối năm 2009 ACB sẽ có vốn điều lệ gần 7.700 tỷ đồng.

Eximbank dự kiến sẽ tăng vốn từ nguồn thặng dư còn trên 6.000 tỷ đồng do bán cổ phần giá cao trước đây nên cổ đông không phải đóng thêm tiền. NH Sài Gòn tăng vốn từ 2.047 tỷ đồng lên 3.374 tỷ đồng bằng phát hành trái phiếu chuyển đổi…

Còn các NH trông chờ vào việc phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Trong khi nhiều NH lớn có sẵn nguồn để tăng vốn, cổ phiếu có tính thanh khoản cao thì nhiều NH nhỏ sẽ phải chịu áp lực nặng nề khi trông chờ vào luồng tiền mới không dễ trong thời điểm hiện nay, cổ phiếu lại xuống giá mạnh.

Những NH như NH An Bình đã có đối tác Maybank sẵn sàng mua thêm cổ phần hiện không nhiều. Khủng hoảng tài chính toàn cầu đang khiến nhiều NH lớn khắp thế giới thu hẹp hoạt động.

Mới đây một NH tại TPHCM đã thông báo thôi đàm phán với đối tác nước ngoài. Còn vốn từ trong nước thì với tình hình cổ phiếu NH đang xuống thấp như hiện nay thì rất khó cho NH gọi vốn mới.

Chưa kể cả cổ đông hiện có của NH lẫn nhà đầu tư bên ngoài càng lo lắng giá cổ phiếu NH sẽ xuống thấp hơn khi nhiều NH đồng loạt tung ra số cổ phần trị giá hàng chục ngàn tỷ đồng trong lúc TTCK chưa khởi sắc này.

Lường trước điều này, có NH chỉ nhắm đến cổ đông hiện hữu nhưng việc một NH thông báo hạn chót nộp tiền mua cổ phần tăng vốn vào 25/2 nhưng nhiều cổ đông bỏ không mua cho thấy giải pháp này chưa chắc khả thi cao.  

MỚI - NÓNG