Ngân hàng thận trọng cho vay tiêu dùng cuối năm

Ngân hàng thận trọng cho vay tiêu dùng cuối năm
Nhu cầu vay mua nhà trả góp, tiêu dùng tại các ngân hàng TP. HCM hiện tăng đến 20-30%. Tuy nhiên, do giá nhà đất đóng băng, ngân hàng muốn cho vay cũng phải "xem giò" khách hàng kỹ lưỡng.
Ngân hàng thận trọng cho vay tiêu dùng cuối năm ảnh 1
Dự đoán trong 3 tháng cuối năm nhu cầu vay tiêu dùng tại TP.HCM sẽ tăng thêm 20-30%.

Thông tin từ ngân hàng BIDV chi nhánh TP.HCM, lượng khách hàng vay mua nhà, tiêu dùng trong 9 tháng đầu năm tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Dự đoán trong 3 tháng cuối năm nhu cầu vay sẽ tăng thêm 20-30%. Trong đó, dự án vay mua chung cư sẽ tăng 16%.

"Điều đó chứng tỏ nhu cầu nhà ở của người dân không hề chịu tác động của thị trường bất động sản", anh Nguyễn Ngọc Báu, Trưởng phòng tổ chức hành chính Ngân hàng Công Thương TP HCM (Incombank) nói.

Cầu tăng nhưng trước sức ép phải bảo toàn nguồn vốn, các ngân hàng tỏ ra rất thận trọng. Để nhận được sự trợ giúp từ phía ngân hàng cho dự án mua nhà của mình, người vay phải có tối thiểu 50% vốn tự có và chứng minh được mục đích mua nhà để ở.

Lý do theo anh Nguyễn Ngọc Bảo, chuyên viên tư vấn tài chính ngân hàng Incombank, trong thời điểm nhạy cảm này, không ngân hàng nào dám mạo hiểm cho dân vay mua nhà để đầu tư, mua bán.

Trong khi chờ thị trường nhà đất ấm lên, để sống còn các ngân hàng buộc phải tìm ra những hướng kinh doanh mới. Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VP Bank) chỉ cho những khách hàng cá thể hoặc những công ty nhỏ vay để giảm thiểu rủi ro.

Anh Nguyễn Văn Quang phụ trách phòng tín dụng VP Bank cho biết đó chính là một trong những là hình thức "bán lẻ" giúp những ngân hàng quốc doanh bảo toàn nguồn vốn tốt nhất.

Còn Ngân hàng Á Châu (ACB) đã thành lập công ty cổ phần địa ốc ACB. Điều này có thể giúp ngân hàng đảm bảo chắc rằng khách hàng của mình không vay tiền để mua bán nhà đất.

Không dễ để vay "Từ khi có các dịch vụ vay hỗ trợ ra đời, tôi không còn phải đi vay nặng lãi khi cần tiền gấp. Ngân hàng còn có các chương trình liên kết bán nhà nên dân tiện cả đôi đường", chị Thanh Hương, khách hàng BIDV chia sẻ.

Gần đây, một số ngân hàng đã tăng cường dịch vụ Phone - Banking giải đáp thắc mắc miễn phí 24/24 qua điện thoại, nên khách hàng có thể tiết kiệm được thời gian khi tiếp cận thông tin ngân hàng.

Ngân hàng phát triển nhà ĐBSCL (MHB) tổ chức chương trình "An cư lạc nghiệp" với tổng hạn mức cho vay là 150 tỷ đồng. Để cạnh tranh, BIDV cũng tung ra dịch vụ hỗ trợ về nhà ở với thời hạn vay tối đa 7 năm, và vốn tự có chỉ là 30%.

Tuy nhiên không phải lúc nào người sử dụng dịch vụ của ngân hàng cũng suôn sẻ. Anh Nguyễn Ngọc Thuận, nhà ở quận 10, vay 50 triệu đồng ở ngân hàng VP Bank để sửa chữa nhà cuối năm cho biết: "Thủ tục chứng minh khả năng chi trả đôi khi còn thiếu linh hoạt gây cho khách hàng không ít khó khăn”.

Điều kiện phải có hộ khẩu thường trú hoặc KT3 (không có hộ khẩu, song có việc làm ổn định trong thành phố 3 năm trở lên) là một trở ngại lớn cho khách hàng có nhu cầu. Anh Nguyễn Hùng Phước, quê ở Đồng Nai, lên TP HCM lập nghiệp đã 5 năm, nhưng vẫn chưa có KT3 thành phố. Anh đang vay vốn ngân hàng để mua một căn hộ chung cư 300 triệu đồng.

"Đi vay tiền của ngân hàng, đồng ý là phải có hộ khẩu hoặc KT3. Nhưng mình chưa có nhà thì làm sao có được KT3. Vậy là người dân ngoại tỉnh như tôi vĩnh viễn không có nhà cũng như KT3", anh tâm sự.

Thủ tục thanh toán đôi khi cũng còn nhiều bất cập. Anh Phạm Long, kỹ sư xây dựng của Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) kể anh mua nhà trả góp trong 5 năm, nhưng do làm ăn khấm khá nên trả hết nợ chỉ trong 3 năm rưỡi. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn tính mức lãi suất cũ vì nó đã được ghi trong bản hợp đồng.

"Ngân hàng nên nới lỏng việc trả lãi cho khách hàng trong những tháng đầu vì chi phí xây dựng, sửa chữa thường phát sinh ngoài ý muốn. Do đó khó xoay sở đủ cho chi tiêu và trả nợ", anh đề nghị.

Một chuyên viên tư vấn ngân hàng Incombank TP HCM khuyến cáo rằng, khách hàng nên tính toán thật kỹ trước khi quyết định vay vốn, cũng như tìm hiểu thật kỹ để có thể sử dụng tốt các dịch vụ của ngân hàng. Nếu chuẩn bị tốt, họ sẽ hạn chế được những khó khăn trong thủ tục hành chính khi tiến hành thỏa thuận hợp đồng.

Theo Nguyễn Sơn - Ánh Hồng
Vnexpress

MỚI - NÓNG