Ngân hàng thiếu USD bán, thừa USD cho vay

Ngân hàng thiếu USD bán, thừa USD cho vay
Ngân hàng đang trong tình trạng thiếu USD để bán cho doanh nghiệp nhưng lại thừa USD vay mà không cho vay được. Vì sao?
Ngân hàng thiếu USD bán, thừa USD cho vay ảnh 1
Nguồn USD bán cho các ngân hàng đang giảm mạnh - Ảnh: Ngọc Thắng

Một doanh nghiệp (DN) kinh doanh nguyên liệu giày da, vải tại TPHCM cho biết đang nhập nhiều lô hàng về nhưng khi liên hệ ngân hàng (NH) mua ngoại tệ để thanh toán thì NH trả lời không có ngoại tệ.

Tổng  trị giá các đơn hàng nhập khẩu của DN này là 50.000 USD và suốt một tuần nay, NH vẫn trả lời là không có USD.

Nhìn vào giá USD mua, bán được công bố tại các NH thương mại ngày 23/12, ai cũng thấy tình hình căng thẳng về cung cầu. Giá USD mua tiền mặt, chuyển khoản và bán đều bằng nhau và ở mức kịch trần theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) là 16.990 VND/USD.

Chuyên gia tiền tệ của một NH cổ phần lớn (có trụ sở chính tại Hà Nội) cho biết: "Chẳng ai muốn mua USD rồi bán lại bằng đúng mức giá mình mua. Thế nhưng, nguồn cung USD hiện nay thiếu nên ngay cả mua với giá kịch trần mà còn không mua đủ nhu cầu".

Vị này tiết lộ thêm, trước đây các NH còn thu phí khi bán USD để "lách trần"; nhưng sau những đợt kiểm tra của NHNNVN, các NH không dám thu phí nữa và họ cũng không mấy hào hứng trong việc tìm ngoại tệ cho khách hàng, trừ các khách hàng "ruột" bởi "chẳng được lợi lộc gì".

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc Techcombank - cho hay Techcombank đang ưu tiên ngoại tệ cho các DN thanh toán nhập khẩu một số mặt hàng trọng yếu như phân bón, xăng dầu... Từ nay đến hết quý 1/2009, nguồn ngoại tệ sẽ còn khó khăn nên các DN nên liên hệ NH thu xếp nguồn ngoại tệ trước khi mở L/C, sử dụng các nghiệp vụ mua ngoại tệ kỳ hạn, quyền lựa chọn... để vừa có ngoại tệ vừa tránh được rủi ro tỷ giá.

Giải thích về nguyên nhân gây căng thẳng cung cầu USD trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Phước Thanh - Tổng giám đốc Vietcombank - nêu lý do: nguồn cung về ngoại tệ cho NH sụt giảm mạnh do xuất khẩu của Việt Nam đang gặp khó khăn, nguồn kiều hối cuối năm, thu ngoại tệ từ du lịch, đầu tư gián tiếp đều suy giảm.

Bên cạnh đó, giá hàng hóa trên thế giới đã giảm rất mạnh nên việc nhập hàng về rẻ hơn hàng trong nước cũng kích thích nhu cầu nhập khẩu. Một lý do khác - theo ông Thanh - là do giá ngoại tệ tại thị trường tự do chênh lệch khá cao so với giá mua của NH, nên dù nhiều NH đã đẩy giá mua lên kịch trần cho phép cũng không mua được nhiều ngoại tệ mặt từ dân cư. Thêm vào đó, do cung cầu ngoại tệ căng thẳng, các NH cũng không dám để trạng thái ngoại hối của mình âm nhiều bởi lo sẽ không mua được ngoại tệ.

Ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc Techcombank - thì giải thích thêm về lý do nhu cầu ngoại tệ cho nhập khẩu vẫn ở mức cao là do chủ trương giãn nợ, giảm lãi suất của các NH.

Sau khi có động thái này, nhiều hợp đồng nhập khẩu thiết bị máy móc lại được tiến hành, cộng với nhu cầu nhập khẩu cuối năm cũng cao hơn các thời điểm khác trong năm nên nhu cầu ngoại tệ vào thời điểm này cũng khá lớn.

Ông Vinh cũng nêu thêm một lý do khiến cho nguồn cung ngoại tệ tiền mặt tại các NH suy giảm là lãi suất. Chuyên gia này phân tích: khi lãi suất VND giảm nhanh hơn USD thì việc gửi tiền bằng USD cũng trở nên hấp dẫn hơn trước, một bộ phận người dân chuyển từ VND sang USD (mua USD tại thị trường tự do - PV) để gửi tiết kiệm khiến NH khó mua được USD tiền mặt.

Theo tìm hiểu, ngoài việc không tìm được nguồn ngoại tệ để bán cho khách hàng, các NH thậm chí cũng không dám cho vay vốn đối với một số khách hàng thuộc diện được phép vay ngoại tệ. Nguyên nhân là các khách hàng này không chứng minh được về nguồn thu ngoại tệ của mình trong tương lai để trả nợ.

Bà Bùi Thị Mai, Tổng giám đốc NH tmcp Nhà Hà Nội, nhận xét: "Nếu khách hàng vay ngoại tệ để nhập khẩu nhưng lại không có nguồn thu bằng ngoại tệ thì đến khi trả nợ mà thị trường ngoại tệ căng thẳng, không mua được thì không chỉ khách hàng gặp rắc rối mà NH cũng mệt. Vì thế, dù đang khó tìm đầu ra cho nguồn vốn USD, việc cho vay USD đối với các DN của các NH vẫn phải rất thận trọng".

Ngoài ra, một số các DN thuộc diện được vay ngoại tệ và có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ thì nhu cầu vay giảm mạnh. Theo bà Mai: "Nếu tỷ giá được cam kết là sẽ bình ổn ở một mức nào đó, các DN, NH tính toán được mức rủi ro mà họ có thể gánh chịu thì cung cầu ngoại tệ sẽ bớt căng thẳng ngay bởi găm giữ ngoại tệ sẽ giảm".

Theo Hoàng Ly - Thanh Xuân
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.