Ngân hàng trước biến cố

Ngân hàng trước biến cố
Hậu quả từ sự kiện hàng loạt khách hàng tới rút tiền tại một số chi nhánh của Ngân hàng Phương Nam trên địa bàn Hà Nội sáng 22/7 chưa có con số công bố cụ thể. Song, phía sau những hậu quả đó là bài học quý giá cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Sau sự cố tại Ngân hàng Á châu (ACB), Ngân hàng Nông thôn Nình Bình, một lần nữa, tính nhạy cảm trong trong hoạt động tín dụng, ngân hàng đã được chứng minh. Bên cạnh hậu quả, bài học quý giá mà ngân hàng Việt Nam có được là “tinh thần đồng đội” trước khó khăn.

Ngay từ sáng sớm, lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội cũng đã sẵn sàng chỉ đạo xử lý các tình huống có thể xẩy ra. Thậm chí, theo quan sát của VnEconomy, một lãnh đạo đến từ Ngân hàng Trung ương cũng luôn theo sát diễn biến của phiên giao dịch của PNB Hà Nội sáng hôm đó.

Khi báo giới có mặt cũng là thời điểm xe chuyên dụng cùng lực lượng an ninh áp tải tiền mặt đến để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu rút tiền của người dân. Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội cũng đã đến từ rất sớm để giải thích cho từng khách hàng những thông tin liên quan.

Tại phòng làm việc của Giám đốc PNB Hà Nội sáng 22/7, đại diện một số ban ngành, trong đó có cả thanh tra Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội, luôn có mặt để sẵn sàng hỗ trợ PNB giải quyết sự cố.

Bản thân PNB Hà Nội, đầu phiên giao dịch, thông báo của Giám đốc chi nhánh đã được chuyển đến tận tay khách hàng với những thông tin cơ bản nhất. Khoảng 10 nhân viên giao dịch cũng đã làm việc hết công suất để tránh gây phiền lòng với khách hàng.

Sự phối hợp chặt chẽ này đã góp phần “giảm nhiệt” sự căng thẳng của khách hàng.

Nhiều người dân, sau khi nghe bà Mai Phương, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội giải thích cũng đã yên tâm hơn. Sự có mặt của bà Phương tại một số điểm giao dịch khác của PNB cũng đã góp phần nhất định yên lòng người dân.

Bà Nguyễn Minh Nguyệt, chuyên viên của Ngân hàng Nhà nước; ông Phạm Quang Hợp, chuyên viên Bảo hiểm tiền gửi, liên tục trả lời các câu hỏi của khách hàng. Thông tin của ban tư vấn trực tiếp này đã tác động đáng kể đến tâm lý người gửi tiền. Có lẽ chỉ trong những biến cố như thế này, người dân mới hiểu rõ nhất đến vai trò của Bảo hiểm tiền gửi.

Người dân cần bình tĩnh trước những biến cố. Nếu có rủi ro xẩy ra, hậu quả sẽ không đến với họ mà sẽ do Ngân hàng Nhà nước (cơ quan cấp phép) và ngân hàng đó gánh chịu. 

Đến khoảng 11 giờ, thông báo của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước thành phố Hà Nội được cấp tốc chuyển đến, người dân có thêm cơ sở tin cậy, lượng khách giao dịch vắng hẳn. Những buổi giao dịch tiếp theo của PNB tại Hà Nội đã trở lại bình thường, thậm chí các giao dịch gửi tiền, chuyển tiền vẫn đạt mức tương đối so với các giao dịch trước đó.

Những điều chưa rõ ràng trong hoạt động cho vay của PNB tại địa bàn Sóc Sơn, Hà Nội, đang được các ban ngành chức năng làm rõ. Song, “kết quả” bước đầu sau vụ việc này là sự thành công cần ghi nhận trong chủ động phối hợp xử lý biến cố của ngành ngân hàng Việt Nam.

Đối với người dân, một lần nữa thông điệp mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là: Trước những sự cố, người dân cần bình tĩnh và hoàn toàn yên tâm, vì nếu có rủi ro xẩy ra, hậu quả sẽ do Ngân hàng Nhà nước và bản thân ngân hàng đó gánh chịu chứ không phải là họ.

MỚI - NÓNG